Bài văn mẫu tả ông em lớp 5
Lập dàn ý
(1) Mở bài
– Ông nội là người mà em yêu nhất, là người chăm sóc và cưng chiều em nhất.
(2) Thân bài
a) Tả hình dáng
– Ông em năm nay bao nhiêu tuổi, khoẻ hay yếu, ông có những nét gì đặc biệt?
– Những biểu hiện của tuổi già qua mái tóc, nếp nhăn trên mặt, ánh mắt, miệng, răng, lưng, da dẻ, dáng đi…
– Dáng người cao, khoẻ mạnh
b) Tả tính tình
– Những thói quen và sở thích của ông?
– Mối quan hệ của ông với con cháu, hàng xóm.
– Tình cảm của mọi người xung quanh đối với ông?
(3) Kết bài
– Em yêu quý ông, mong ông sống thật lâu, thật khoẻ mạnh. Em cố gắng học giỏi để ông vui lòng.
Bài làm mẫu tả ông em lớp 5
Gia đình em sống cùng một nhà với ông bà nên từ khi còn nhỏ, em đã gắn bó với ông bà nội. Em luôn nhận được lòng yêu thương, chỉ dạy của ông bà. Đặc biệt, em gần gũi và yêu quý ông nội nhất nhà. Ông luôn dành cho em sự quan tâm, những lời khuyên răn và những câu chuyện kể hấp dẫn, vừa chiều chuộng em vừa vô cùng nghiêm khắc uốn nắn em.
Năm nay, ông em đã gần tám mươi tuổi. Cứ mỗi năm trôi qua, em lại thấy ông già yếu hơn và hay đau xương khớp. Ông có dáng cao nhưng hơi gầy, luôn mặc bộ quần áo ka ki màu xám và đi đôi dép cao su màu đen. Bà em bảo, thời thanh niên, ông là một trong những chàng trai tuấn tú nhất làng, thân hình vạm vỡ và khoẻ mạnh. Ông từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và được nhận huân chương kháng chiến, cho nên, em rất kính trọng và tự hào về ông. Khuôn mặt ông in sâu những nếp nhăn. Đôi mắt đã mờ đục, không còn được tinh nữa nên mỗi khi đọc sách báo hay xem ti vi, ông phải đeo kính. Mái tóc ông có nhiều sợi bạc trắng nhưng luôn được ông cắt gọn gàng. Đôi bàn tay gầy gầy xương xương, rám nắng, không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Nhất là đôi chân của ông đã thay đổi rất nhiều. Nếu thời trẻ, đôi chân ông băng qua bao núi rừng và tham gia những cuộc chiến đấu oanh liệt thì bây giờ những bước đi đã chậm hơn nhiều. Lưng ông đã còng xuống, thỉnh thoảng thời tiết thay đổi, ông đau chân và thường phải chống gậy để bước. Những lúc ấy, em thương ông lắm. Em mong ông nhanh khoẻ để vui đùa cùng em.
Ông chính là người thầy đầu tiên dạy em chơi cờ tướng. Ngay từ lúc em năm tuổi, ông đã dạy em cách phân biệt các quân cờ, tiếp đến là các nước cờ và trở thành đối thủ nặng kí nhất của em. Những nước cờ quyết định thắng thua mà ông chỉ dạy em luôn ghi nhớ sâu sắc. Ông còn kể cho em nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn về những cuộc chiến đấu ông đã tham gia. Em thích thú lắng nghe và càng thêm khâm phục sự dũng cảm, mưu trí của các chiến sĩ cách mạng.
Ngoài ra, ông dạy em đi xe đạp, dạy cách câu cá. Những ngày lễ tết, em luôn được theo ông về quê để thắp hương trong nhà thờ họ của gia đình, được ông nói về truyền thống của gia đình và nhắc nhở em chăm chỉ học hành.
Ở nhà em, ông nội là người dậy sớm nhất nhà. Sáng nào, ông cũng tham gia tập dưỡng sinh cùng câu lạc bộ những người cao tuổi ở khu phố của em. Ông thường bảo phải giữ gìn sức khoẻ, nhất là tuổi đã cao, cần phải sống vui, sống khoẻ, sống có ích và làm gương cho con cháu. Và ông chính là tấm gương để cả nhà noi theo. Mọi việc trong gia đình, bố mẹ em đều hỏi ý kiến của ông và lắng nghe ông.
Ông rất yêu thiên nhiên và dành nhiều thời gian chăm sóc khu vườn trước nhà. Ông đã trồng và chăm sóc nhiều cây ăn quả, mỗi năm đều thu hoạch được nhiều quả ngọt cho gia đình thưởng thức như quả mít, quả na, quả khế… Ông còn trồng một vườn hoa với đủ loại khoe sắc thắm và nuôi mấy con gà. Vào những buổi trưa hè nóng bức, ông thường lấy chiếc võng, chiếc quạt nan và chiếc đài ở trong nhà ra và chọn những chỗ có bóng râm của cây để mắc võng rồi nằm lên, nghe đài phát thanh, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Vào những đêm trăng sáng, ông trầm ngâm ngồi kể chuyện cổ tích cho em và một vài đứa trẻ con trong khu phố nghe. Đối với hàng xóm, ông thân mật, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết, vì vậy, mọi người rất kính trọng và quý mến ông.
Ông là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em. Có khi ông nội như một ông tiên nhân hậu, thần kì trong những câu chuyện kể, có khi ông lại gần gũi như một người bạn thân. Em rất yêu quý ông, luôn cố gắng học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn để làm ông vui lòng và cầu mong ông mạnh khoẻ, sống lâu trăm tuổi.