Ôn Thi Tốt

Bình giảng đoạn thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu:

“Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu lấy tên tài thơ Việt Bắc để đặt tên cho cả tập thơ kháng chiến chống Pháp của mình. Việt Bắc là một bài thơ hay, có ý nghĩa tiêu biểu cho nhiều mặt, xứng đáng là bài thơ đại diện cho cả tập thơ của Tố Hữu. Bài thơ thể hiện tình cảm mặn nồng, thủy chung của nhân dân Việt Bắc với cách mạng. Bài thơ là tiếng ca hùng tráng, nồng đượm, ghi lại những hình ảnh nhân dân anh hùng đã làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc; đồng thời thể hiện niềm tin vào tương lai của đất nước.

Bài thơ được kết cấu theo lối đối đáp của ca dao, bằng việc sử dụng tài tình hai đại từ nhân xưng “mình – ta” quen thuộc. Nhưng ở đây không chỉ là lời hỏi đáp mà còn là lời hô ứng đồng vọng. Lời đáp không chỉ nhằm giải đáp cho những câu hỏi đặt ra, mà còn là sự tán đồng, mở rộng, cụ thể và phong phú thêm những ý tình trong lời hỏi, có khi trở thành lời đồng vọng vang ngân, những tình cảm chung của người đi và kẻ ở.

Bao trùm tâm trạng của kẻ ở, người đi là nỗi nhớ da diết, mênh mang với nhiều sắc thái khác nhau: “nhớ từng bản khói cùng sương”, nơi ấy có những năm tháng gian lao và những tình cảm sắt son, sâu sắc trong những năm tháng gian khổ phải “chia củ sắn lùi”. Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”; nhớ người mẹ lên dẫy “nắng cháy lưng”, “nhớ chiến khu”, nhớ “mái đình Hồng Thái”, nhớ “cay đa Tân Trào”, nhớ những ngày chiến thắng sôi động của cuộc kháng chiến “quân đi điệp điệp trùng trùng”. Muôn vàn nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi được thể hiện một cách thiết tha, bâng khuâng, man mác buồn:

“Ta về mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Mười câu thơ ghi lại khá trọn vẹn nỗi nhớ của tác giả đối với cảnh và người Việt Bắc. Đoạn thơ có bố cục chặt chẽ, vừa là một bộ phận hữu cơ của bài thơ, vừa biểu hiện hoàn chỉnh một tứ thơ, nếu đặt riêng ra nó vẫn có ý nghĩa tương đối trọn vẹn. Đó là bức tranh toàn cảnh và khá tiêu biểu của Việt Bắc qua bốn mùa trong năm.

Bài thơ mở đầu bằng câu giới thiệu chung nội dung của cả đoạn: “Ta về, mình có nhớ ta”. Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”. Câu thơ như một lời ướm hỏi đầy lưu luyến của người ra đi đối với người ở lại. Tuy nhiên, câu hỏi này được đưa ra như là một cái cớ để giải bày nỗi lòng, tâm tư, tình cảm của người đi: “Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”. Cuộc chia li nào chẳng lưu luyến, nhớ thương, huống chi đây là cuộc chia tay với Việt Bắc, nơi có những người chí tình, chí nghĩa đã sống hết mình cho kháng chiến, nơi người cán bộ cách mạng đã có bao kỉ niệm vui buồn trong “mười lăm năm ấy”. Trong tâm trí của người đi, cảnh và người Việt Bắc cứ hiện dần lên và nỗi nhớ da diết:

Ta về ta nhớ những hoa cùng người.

Hoa ở đây là thiên nhiên, là núi rừng Việt Bắc và cùng với thiên nhiên là con người. Dường như ở Việt Bắc không thể thiếu vắng con người giữa thiên nhiên. Con người và thiên nhiên đầy ân tình, gắn bó thủy chung với nhau. Chính vì vậy, nhớ đến “hoa” lại nhớ đến “người”, và nhớ đến “người” là lại nhớ đến bóng “hoa”. Cảnh và người trở nên hài hòa nồng thắm khăng khít không thể tách rời.

Nếu như hai câu đầu gợi cảm xúc chung cho cả đoạn, thì tám câu sau là sự cụ thể hóa nỗi nhớ đó: nỗi nhỡ cảnh và nỗi nhớ người. Hai nỗi nhớ hòa quyện với nhau, đi với nhau, tạo thành bốn câu thơ lục bát. Tám câu thơ, cứ câu trên (câu lục) nhớ cảnh, câu dưới (câu bát) nhớ người. Chỉ với tám dòng thơ, Tố Hữu như vẽ lên trước mắt người đọc bốn bức tranh về thiên nhiên Việt Bắc, với những đường nét đa dạng, màu sắc hài hòa, ánh sáng cân đối và âm thanh sống động.

Bức tranh đầu tiên miêu tả mùa đông của núi rừng Việt Bắc:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Một màu xanh bạt ngàn của núi rừng như choáng ngợp trước mắt người đọc và nổi lên trên cái nền xanh thẳm ấy là hình ảnh của một bông “hoa chuối đỏ tươi”. Bông hoa như một đốm lửa bập bùng, làm vơi bớt cái hoang vu, lạnh lẽo của chốn núi rừng.

Trên cái phông núi rừng ấy, thấp thoáng xuất hiện hình ảnh con người: “đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”. Hình ảnh con người hiện lên thật đẹp trong tư thế vững chãi, làm chủ núi rừng. Đứng trên đỉnh đèo cao, ánh nắng chiếu vào lưỡi dao được gài ở thắt lưng sáng lấp lánh. Đó là hình ảnh bình dị, quen thuộc với người miền nùi nhưng trong bức tranh này, có lại đầy ý nghĩa, làm bức tranh sinh động, sáng hẳn lên.

Đến mùa xuân, thiên nhiên và con người Việt Bắc hiện lên với những hình ảnh rất thơ mộng:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Màu trắng của bạt ngàn mơ rừng làm cảnh rừng Việt Bắc bừng sáng. Đây là hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong tâm trí Tố Hữu, bởi tác giả cũng nhắc đến hình ảnh này khi viết vài thơ Theo chân Bác:

Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.
(Theo chân Bác)

Trên nền trắng của hoa mơ bỗng xuất hiện hình ảnh “người đan nón” đang “chuốt từng sợ giang”. Đến đây, Tố Hữu đưa người đọc hướng mắt sang bức tranh mùa hè rực rỡ:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

Đây được đánh giá là một những câu thơ hay nhất của bài thơ Việt Bắc.

Trong hai bức tranh trên, chúng ta mới chỉ thấy màu sắc, đường nét, ánh sáng: mùa đông với màu đỏ của hoa chuối, mùa xuân với màu trắng của hoa mơ. Nhưng đến với bức tranh mùa hạ, ta bắt gặp màu vàng rực rỡ của “rừng phách”, âm thanh của tiếng ve, tiếng nhạc của núi rừng. Tiếng ve đã làm cho không khí của núi rừng trở nên sôi động hẳn. Chỉ bằng một câu thơ mà tác giả đã miêu tả bước đi của thời gian một cách thật tài tình. Nhờ có tiếng ve mà “rừng phách đổ vàng”. Xuất hiện đồng thời cùng tiếng ve kêu, chữ “đổ” có thể coi là một nhãn tự của câu thơ. Chữ “đổ” gợi sự chuyển đổi màu sắc một cách mạnh mẽ, cả khu rừng đang bao phủ bởi màu trắng tinh khôi của hoa mơ, bỗng chốc rung động trút màu vàng trong tiếng ve ngân. Và trên nền vàng lúc ấy, hình ảnh cô gái Việt Bắc “hái măng một mình” bất ngờ xuất hiện. Có cái gì đó thương thương khi “cô em gái” phải đứng “hái măng một mình”. cô gái lẻ loi, âm thầm làm việc giữa núi rừng mênh mông. Và việc làm tưởng chừng như nhỏ bé của cô gái đang góp phần tạo nên sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến.

Đoạn thơ khép lại bằng bức tranh mùa thu êm dịu:

“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

Khung cảnh hiện lên thật huyền ảo, ánh trăng thu lunh linh rọi qua tán lá lung linh làm nên vẻ đẹp khó quên của Việt Bắc. Câu thơ này gợi người đọc nhớ đến một câu thơ của Bác Hồ viết về đêm rừng Việt Bắc có trang, có cây và có hoa đẹp đẽ: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (Cảnh khuya). Câu thơ kết đoạn không chỉ âm vang ý nghĩa tư tưởng của toàn đoạn mà còn làm nổi vật chủ đề của toàn bài. Đại từ phiếm chỉ “ai” gợi ấn tượng về tất cả những người dân Việt Bắc sống “ân tình thủy chung”.

Cả đoạn thơ là một bức tranh về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Ở đây là cảnh bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, một bức tranh đẹp, giàu chất tạo hình, cấu trúc cân đối, hài hòa với những đường nét, mùa sắc, ánh sáng, âm thanh… Tất cả hiện lên trong một điệp khúc nhớ thương với một loại từ “nhớ” lặp lại như thấm đẫm tình cảm, thiết tha tình người. Đây quả là một đoạn thơ đẹp và hay nhất trong bài Việt Bắc.

Exit mobile version