Ôn Thi Tốt

Ca dao thể hiện tình cảm tha thiết, cao quý của con người Việt Nam

Nghị luận về ca dao thể hiện tình cảm tha thiết cao quý của con người Việt Nam

Đề bài: Qua ca dao đã được học và đọc thêm, em hãy chứng minh rằng ca dao đã thể hiện được những tình cảm tha thiết và cao quý của con người Việt Nam.

Dàn ý:
I- Mở bài
-Ca dao là tiếng nói trái tim của nhân dân lao động.
-Qua hàng ngàn năm sống, làm việc và chiến đấu, ông cha ta đã bày tỏ tình cảm vui buồn trong vô vàn câu ca dao gợi cảm. Đọc những câu ca dao học ở lớp 6 lớp 7 ta cảm nhận được tình cảm tha thiết và cao quý của con người Việt Nam.
II-Thân Bài
Tình yêu quê hương đất nước
– Con dân xứ Lạng tự hào:
Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

-Người dân Xứ Nghệ hành diện về quê mình:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

-Hình ảnh Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Tình yêu thương đùm bọc che chở cho nhau:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hay là:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Tình cảm gia đình tha thiết nồng nàn:
-Đối với cha mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
-Tình cảm mẹ con:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
-Tình cảm vợ chồng:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Tình cảm khăng khít với cuộc sống lao động:
-Khúc hòa ca lao động:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
-Tình cảm gắn bó với con trâu-người bạn lao động:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày giữ nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
-tình yêu đời, niềm lạc quan trong lao động:
Công lên chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, Ngày sau cơm vàng
-Tấm lòng nhân hậu, thủy chung, cuộc sống thanh cao, trong sạch:
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng có con
-Vẻ đẹp tâm hồn người lao động:
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

III- Kết Bài
-Ca dao thể hiện khá sinh động tiếng nói trái tim của người lao động
-Ca dao giúp chúng ta thấy rõ đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của quần chúng nhân dân.
-Những bài ca dao ấy vẫn luôn giữ được giá trị nhân đạo to lớn.

Bài Làm

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ông cha ta đã để lại một kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng phong phú và gợi cảm. Ca dao trước hết là tiếng nói trái tim của nhân dân lao động. Mọi cảm xúc vui buồn,yêu ghét, giận hờn đều được thể hiện qua ca dao. Qua đó, chúng ta cảm nhận được tình cảm tha thiết và cao quý của con người.

Ca dao là nguồn vô tận của tình cảm của con người, như tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa người với người,tình cảm gia đình tha thiết nồng nàn, tình cảm khắng khít trong lao động. Dù đi đâu về đâu, người dân Việt Nam mình có truyền thống nhớ về nơi chôn ra cắt rốn của mình, chính vì vậy mà người dân xứ Lạng tự hào:

Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Người dân xứ nghệ khi nhắc đến quê hương của mình cũng cất lên câu dân ca xứ Nghệ:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

Một Hà Nội nghìn năm văn hiến cũng đi vào ca dao như một hình ảnh quen thuộc với chúng ta:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Ca dao thể hiện tình cảm thiết tha và cao quý của con người và một trong những câu ca dao thể hiện tình cảm cao quý ấy là tình cảm yêu thương giữa người với người, ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu phải yêu thương nhau dù không phải là máu mủ ruột rà, nhưng chúng ta cũng gọi nhau bằng tiếng gọi ” đồng bào” thiêng liêng:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Hay là:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Tình cảm gia đình là tình cảm tha thiết và thân thuộc nhất của mỗi người.Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca.Những câu thuộc chủ đề tình cảm gia đình thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt. Với tình cảm cha mẹ, ca dao chứa đựng những lời ca ngợi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Trong ca dao, tình cảm mẹ con được thể hiện vô cùng tha thiết và sâu nặng, nghe câu ca dao:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương

khiến những người con xa quê nhớ mẹ da diết, mẹ trong ca dao hay thực tế đều như vậy, mẹ là người sẵn sàng hi sinh tất cả cho con cai, mọi khó nhọc, vất vả mẹ có thể một mình gánh hết chỉ để con cái có cuộc sống yên bình.
Ca dao là tiếng hát tâm tình thiết tha cao quý của những đôi lứa đang yêu nhau và hơn nữa là tình cảm vợ chồng, tình cảm vợ chồng trong ca dao không chỉ là vợ chồng thủy chung son sắc, không chỉ là vợ chồng đồng lòng làm ăn sinh sống mà còn khắc họa cuộc sống sinh hoạt đầy hài hước, dí dỏm của các đôi vợ chồng:

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Ca dao thể hiện tình cảm thiết tha cao quý của người dân Việt Nam

Qua ca dao, không khí lao động của những người dân lao động được khắc họa sinh động với sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, khung cảnh làm ăn trên đồng ruộng tuy vất vả, tuy có những giọt mồ hơi rơi xuống nhưng người nông dân vẫn vui vẻ cất lên những câu ca dao xua tan đi những mệt nhọc:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày giữ nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Tuy lao động vất vả nhưng vượt qua tất cả, đó chính là sự lạc quan, tin vào một ngày mai sẽ có cuộc sống ấm no của người lao động:

Công lên chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, Ngày sau cơm vàng

Và tha thiết và cao quý hơn hết đó chính là tâm hồn của người dân lao động, người nông dân Việt Nam tuy bần cùng, vất vả nhưng cái cốt cách thanh cao của họ không hề dễ dàng bị vấy bẩn, tha hóa:

Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Ca dao đã thể hiện một cách sinh động tiếng nói trái tim của người dân lao động. Qua ca dao, những tình cảm tha thiết và cao quý của con người được thể hiện một cách sinh động và gợi cảm nhất giúp chúng ta thấy rõ đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của quần chúng nhân dân. Những bài ca dao ấy là một kho tàng giá trị nhân văn to lớn giáo dục thế hệ sau.

Exit mobile version