Ôn Thi Tốt

Đề kiểm tra ngữ văn học kỳ 2 lớp 10 của trường THPT Buôn Ma Thuật

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐAKLAK ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2014-2015

TRƯỜNG THPT BUÔN MA THUỘT MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10

Thời gian: 90 phút(không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

PHẦN I : ĐỌC HIỂU ( 3 điểm)

Đọc bài ca dao sau và trả lời câu hỏi

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?

Mận hỏi thì đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Câu 1 (1.0 điểm)

Hình thức của bài ca dao là gi ?

Câu 2 ( 1.0 điểm)

Biện pháp tu từ được sử dụng trong bài ca dao ?

Câu 3 (1.0 điểm)

Nội dung của bài ca dao ?

PHẦN II : LÀM VĂN ( 7 điểm)

Câu 1 : (3.0 điểm)

Từ luận điểm: “Không có vinh quang nào mà không phải trải qua gian khổ,

đắng cay”.

Anh(chị) hãy viết một đoạn văn (từ 10 đến 15 dòng) giải thích luận điểm trên.

Câu 2 ( 4 điểm)

Cảm nhận của anh( chị) về đoạn thơ sau trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

…“Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai .

Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung”.

(Ngữ văn lớp 10 tập 2, trang 104, NXBGD. )

————————————————————————————————–

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II

MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 10 ( NĂM HỌC 2014-2015 )

PHẦN I : ĐỌC HIỂU

Câu 1 : Lối hát đối đáp được viết dưới hình thức thể thơ lục bát.( 1.0 điểm)

Câu 2 : Ẩn dụ, điệp từ ( mận, đào, vườn hồng), nhân hóa (mận hỏi, đào thưa) (1.0 điểm)

Câu 3 : Lời tỏ tình khéo léo, tế nhị của chàng trai và sự đồng ý kín đáo của cô gái. (1.0

điểm)

PHẦN II : LÀM VĂN

Câu 1 (3.0 điểm)

a/Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách viết một đoạn văn nghị luận xã hội.

– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, chính tả và ngữ pháp.

b/Yêu cầu về kiến thức:

* Bài làm cần đảm bảo những ý cơ bản:

– Vinh quang là những kết quả lớn lao, xuất sắc của một cá nhân hay tập thể trong bất kì

lĩnh vực nào đó của cuộc sống. (1,5 điểm)

– Kết quả đó không phải ai cũng đạt được vì đó là kết quả của một quá trình rèn luyện và

phấn đấu không ngừng phải vượt qua những khó khăn gian khổ mới đạt được.(1,5 điểm)

Câu 3 ( 4 điểm)

a/Yêu cầu về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật, kết

cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

b/Yêu cầu về kiến thức:

●Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều học sinh cảm nhận

được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Bài viết có thể trình bày cảm

nhận riêng và diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu bật những ý chính sau:

*Về nội dung: (2.5 điểm)

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí nội dung của đoạn trích.

– Trình bày những nội dung cơ bản của đoạn trích:

+ Thuý Kiều nhờ cậy Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng:

Kiều nhờ cậy Thuý Vân (Chú ý sắc thái biểu cảm của các từ ngữ: “cậy”, “chịu”,“lạy”, thưa”).

Lời xưng hô của Kiều vừa như trông cậy, vừa như nài ép để nói về vấn đề tế nhị “tình chị duyên

em”. Kiều thể hiện sự khéo léo, tế nhị trong lời nói bởi Kiều thấy được cái khó, sự thiệt thòi của

em.

Kiều nói về mối tình với Kim Trọng : thắm thiết nhưng mong manh, chóng tan vỡ.

Kiều đưa ra nhiều lí do để thuyết phục, khiến Thúy Vân không nỡ từ chối.

. Kiều trao kỉ vật cho em: Cách trao lời tha thiết nhưng khi trao kỉ vật lại dùng dằng

nửa muốn trao, nửa níu kéo. Mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm. Tâm trạng rối bời, đau

khổ. Đó là bi kịch tình yêu.

*Về nghệ thuật: (0.5 điểm)

– Cách chọn lọc từ ngữ tinh tế, giàu giá trị biểu cảm.

– Nghệ thuật độc thoại nội tâm.

*Đánh giá chung: (1.0 điểm)

Sự kết hợp hài hòa các yếu tố nghệ thuật, đoạn trích thể hiện được tâm trạng day dứt,

đau khổ của Thuý Kiều khi phải trao duyên cho em.

………………………..Hết…………………

Exit mobile version