Nhiều câu hỏi “khó đỡ” của thí sinh và phụ huynh trước kỳ thi THPT quốc gia đã được thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu giải thích thật cặn kẽ…
“Một người đi thi, cả nhà căng thẳng”
Một phụ huynh đặt câu hỏi: “Đến kỳ thi là con tôi lại bị căng thẳng. 6 giờ thi nhưng 4 giờ con đã thức dậy khiến cha mẹ cũng thức theo. Do đó khi vào phòng thi là con tôi không được khỏe. Vậy chúng tôi phải làm sao?”.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích: “Đây là trường hợp hay gặp, một người đi thi mà cả nhà căng thẳng. Thí sinh căng thẳng vì lo. Lo trước không biết mình thi như thế nào? Không biết có được hay không? Lo trên đường đi không biết có xảy ra sự cố kẹt xe gì hay không?… Những thứ ấy có thể thông cảm được. Còn ở đây là phụ huynh cũng lo luôn, thấy con lo nên mình còn lo gấp đôi nữa. Thật ra, với những trường hợp thế này, cái lo cũng có cái lợi là khiến chúng ta cảnh giác hơn, cẩn thận hơn, tập trung hơn trong việc chuẩn bị cho kỳ thi”.
Ông Hiếu đưa ra lời khuyên: Chúng ta lo cái gì thì hãy xử lý cái đó. Chẳng hạn con chúng ta lo về đường đi thì tính trước sáng mai mình đi đường nào để không bị kẹt xe. Hãy thảo luận với con trước để con cảm thấy ngày mai mình đã có đường đi an toàn. Hoặc con chúng ta lo về kỳ thi, lo thi rớt và xấu hổ với bạn bè thì bố mẹ phải trấn an tâm lý cho con. Nói với con không nhất thiết phải đạt được bao nhiêu điểm, mà chỉ cần cố gắng hết sức. Ba mẹ thương con hơn thương điểm. Tức là, ba mẹ giúp con trút bỏ gánh nặng trên vai của con, đó là trách nhiệm của người lớn.
Làm sao để giảm stress ?
“Có cách nào giảm stress để ôn luyện đạt kết quả tốt hay không? Em thường thức khuya đến 3 giờ sáng để ôn bài và sau đó thức dậy rất trễ, điều đó có được không?”, một thí sinh ở Quảng Bình đặt câu hỏi.
Thạc sĩ Khắc Hiếu chia sẻ: “Chúng ta thường bị stress vì nhiều nguyên nhân: vì áp lực, vì bố mẹ, vì thiếu động lực… Ví dụ, cách đây 2 tuần, có một học sinh lớp 12 đến tâm sự với tôi “em cảm thấy chán học quá, thầy ơi”. Vì bạn cho rằng có những môn học không biết để làm gì. Chẳng hạn, khi em ra chợ mua cá, có bao giờ em tính tích phân với bà bán cá đâu. Hay là khi đi xe ôm, em chỉ cần biết cộng trừ nhân chia để trả tiền chứ đâu cần lấy đồ thị hàm số để vẽ cho ổng đâu… Như vậy là bạn ấy bị mất động lực, do không biết mình học những thứ ấy để làm gì. Tôi làm một thực nghiệm: Một bạn chạy từ lầu 1 lên lầu 3, mới đến lầu 2 đã thở hổn hển, đến lầu 3 là quá mệt. Tôi nói bạn ấy chạy thêm lên lầu 4 thì bạn ấy không thể nào chạy thêm được nữa. Nhưng khi nói trên lầu 12 thầy có để một cái máy tính, nếu các em lên đó thầy sẽ tặng các em thì các bạn chạy chẳng hề biết mệt. Rõ ràng ở đây không phải chúng ta không có đủ sức để chạy mà là chạy không biết để làm cái gì, giống như học để không biết làm gì vậy”.
Ông nói tiếp: “Nội dung học càng phức tạp thì não của chúng ta mới càng tư duy phức tạp và chúng ta mới có thể phát triển cao hơn. Chứ cứ học 1 cộng 1 bằng hai thì quá đơn giản. Chúng ta học vật lý để có thể giải thích những hiện tượng tự nhiên một cách khoa học, học môn toán để phát triển về tư duy, học môn văn để học cách làm người. Môn văn cũng phát triển về trí tuệ, tư duy trừu tượng, tư duy phân tích. Những môn học bài giúp chúng ta phát triển về trí nhớ. Cho nên chúng ta biết nội dung học tập của mình để làm cái gì để có động lực hơn”.
Thạc sĩ Hiếu cho rằng nếu chúng ta không có sự nỗ lực cố gắng trong ngày hôm nay thì ngày mai sẽ khó gặt hái được cái gì. Ông nói về lòng kiên nhẫn, tính cần cù: “Học một bài, chúng ta sẽ bước lên được một bậc cầu thang. Qua mỗi ngày, chúng ta lại bước lên được một bậc cầu thang của sự hiểu biết của trí tuệ và cuối cùng chúng ta sẽ bước lên trên cao. Nên nhớ, leo cầu thang lúc nào cũng mệt nhưng sau khi leo lên cầu thang xong, chúng ta sẽ đứng lên trên cao, nhìn biển rộng trời cao. Còn nếu lười biếng thì chúng ta chỉ ngồi ở dưới chân cầu thang và mãi mãi ngước nhìn người khác mà thôi. Các bạn nên nhớ một điều: Trên con đường thành công không có dấu chân của người lười biếng, vì người lười biếng có đi đâu đâu mà có dấu chân”.
Ông ví von: “Kim cương với than đá giống nhau ở chỗ cùng là carbon nhưng kim cương cứng hơn, nó chắc hơn và đắt tiền hơn rất nhiều, còn than đá thì dễ bể. Tuy nhiên, kim cương được hình thành dưới áp suất cực lớn và nhiệt độ cực cao. Tôi nghĩ, đây là giai đoạn mà các bạn thí sinh có áp suất lớn, nên đây là cơ hội để các bạn rèn luyện để trí óc của mình trở thành viên kim cương. Bởi nếu như đề thi dễ quá thì não chúng ta chỉ là than đá mà thôi. Hãy tận dụng những gì khó khăn trong giai đoạn ôn thi này để chúng ta suy nghĩ thông minh hơn, rèn luyện trở thành những con người hiểu biết hơn, xử lý vấn đề khôn ngoan và để biến chúng ta thành những viên kim cương có giá trị”.
Như Lịch – Lê Thanh
(ghi)