Ôn Thi Tốt

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn

Đề thi sẽ tập trung đánh giá hai kĩ năng đọc hiểu văn bản và viết văn bản (làm văn); trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu. Để làm tốt phần đọc hiểu, học sinh cần nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như: Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản; những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản; một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.

Để làm tốt phần thi viết, học sinh cần vận dụng những kĩ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở, tích hợp trong môn và liên môn. Về viết nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng sẽ đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ.

Ngày 01/4/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã gửi Công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2014, trong đó có nội dung “Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc… Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.

Tại công văn số 5466/BGDĐT-GDTrH ngày 07 tháng 8 năm 2013 Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: “Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội”.

Vừa qua, Bộ GDĐT đã tổ chức diễn đàn trao đổi trên báo Giáo dục – Thời đại và tiến hành Hội thảo nhằm đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực học sinh. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ được tiến hành theo một lộ trình từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, từ hẹp đến rộng, từ kiến thức của một vài môn đến tổng hợp liên môn, nhiều lĩnh vực…, tiếp cận dần đến việc đổi mới hoàn toàn theo chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015.

Trước mắt, để kịp thời giúp giáo viên, học sinh ôn thi tốt môn học này cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 như tinh thần Công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT, các trường THPT lưu ý một số nội dung sau đây:

1. Việc thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 thực hiện theo hướng đánh giá năng lực học sinh nhưng ở mức độ phù hợp. Cụ thể là tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản. Đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.

2. Cách thức ôn tập, kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết như sau:
– Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu; xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh.

Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như:
+ Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản;
+ Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản;
+ Một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.
– Để làm tốt phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết vận dụng những kĩ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/và tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mở và tích hợp trong môn và liên môn, tập trung vào một số khía cạnh như:
+ Tri thức về văn bản viết (kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết), nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề văn;
+ Các kĩ năng viết (đúng chính tả; ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…);
+ Khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống).
– Về viết nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu. Bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào chuẩn kĩ năng viết nói chung và chuẩn kĩ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt.

Nhận được công văn này, đề nghị các Sở GDĐT, các trường THPT trực thuộc triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời đến giáo viên và học sinh./.

Exit mobile version