Ôn Thi Tốt

Nghị luận xã hội 600 chữ về đoạn văn gửi con nói về Tiến và Lùi trong cuộc sống

Đề bài

Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.
(Trích Gởi con, Bùi Nguyễn Trường Kiên,
Báo Nhân dân, số 38/20- 9-2009)
Hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về bài học cuộc sống mà người cha đã dạy con trong đoạn thơ trên.

Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 600 chữ về đoạn văn gửi con nói về Tiến và Lùi trong cuộc sống

Con người khác với robot hay các loại máy móc ở điểm có cảm xúc và suy nghĩ, biết tức giận và vui buồn. Cảm xúc như vui buồn, tức giận là sự phản ánh của cơ thể với tác động bên ngoài. Những cảm xúc này có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, giúp chúng ta phát triển và gắn kết nhau. Nhưng trong nhiều trường hợp chúng ta phải biết dùng lý trí điều khiển cảm xúc biết kiểm soát buồn, vui, biết tiến biết lui. Từ đó giúp ta hiểu được bản thân, biết được chô đứng của mình và có cách hành xử hợp lý. Điều đó chỉ có thể có được qua nhiều trải nghiệm cuộc sống mà sau này nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên có gửi lại cho con mình:

Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

Đoạn thơ sử dụng phép tiểu đối tạo sự chú ý vào các từ ngữ đối lập: vui – buồn, buồn – vui, tiến – lùi, mất – hiểu, ngước nhìn lên cao – nhìn xuống thấp, thấp – cao giống như những đối cực trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng phải trải qua. Có lúc hạnh phúc có lúc khổ đau, có lúc thành công nhiều khi thất bại, khi trên đỉnh cao có lúc trượt dốc. Đó là những điều mà con người không thể dự tính được. Cuộc sống không ngừng thay đổi với muôn vàn biến động điều quan trọng là trong tâm luôn bất biến. Cấu trúc câu: đừng – sẽ, hãy – để… giọng thơ nhẹ nhàng, thâm trầm như lời nhắn nhủ của người cha với con về những điều gan ruột rút ra từ sự trải nghiệm trong suốt cuộc đời mình. Bài học mà người cha dạy con có ý nghĩa thật sâu sắc: Con người trong hoàn cảnh nào cũng phải biết sống hài hòa, khiêm nhường, biết tiết chế- đó là ky năng sống, đó là lẽ sống đẹp.

Trong cuộc đời con người luôn có lúc vui lúc buồn. Đó là trạng thái tâm lí bình thường, hiển nhiên: Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười. Song điều quan trọng là biết điều chỉnh hai trạng thái đó để tạo ra được sự ổn định trong tinh thần; tránh thái quá se dẫn đến hành động thiếu tỉnh táo. Vui quá se dẫn đến cực lạc. Buồn quá se dẫn đến cực đoan. Hai trạng thái vượt qua ngưỡng đều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.

Biết giữ thăng bằng những trạng thái cảm xúc của bản thân là kĩ năng sống cần thiết của môi người trong hành trình cuộc đời. Điều đó khiến ta liên tưởng đến lẽ sống của vị danh thần Nguyễn Công Trứ, ông đã sống một cuộc đời nhân nghĩa mà không đánh mất mình. Cuối đời, ông vẫn đề cao thái độ sống:

Được mất dương dương người tái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Với Nguyễn Công Trứ, được chưa chắc là may, mất chưa hẳn là rủi. Trong cuộc sống bon chen đó, được mất một chút là người ta có thể làm hại nhau, mà Nguyễn Công Trứ lại có thái độ bất biến trước sự được mất thì phải nói ông Hi Văn có bản lĩnh cao cường. Lại còn khen chê nữa, khen chê phơi phới ngọn đông phong. Khen thì vui phơi phới đã đành, chứ sao chê mà cũng phơi phới ngọn đông phong nghĩa là cũng vui như ngọn gió xuân. Có lẽ vì thế ông vẫn là người của cõi trần mà tâm hồn thì thoát tục. Bài học cuộc đời đó xuất phát từ câu chuyện Tái ông thất mã mà đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chuyện kể rằng một ông lão ở biên ải xa xôi có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói:

– Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách mấy tháng, con ngựa trở về lại kéo thêm một con ngựa tốt. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói:

– Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu! Từ khi được ngựa hay tốt, con ông lão thích cưỡi. Chẳng may té què chân. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói:
– Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách một năm có giặc. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão vì què, không phải đi lính mà cha con vẫn được sống cùng nhau. Tái ông thất mã trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ cũng có câu: Họa tùng phúc sở y, phúc tùng họa sở phục.

Sống là phải biết khát vọng, ước mơ, phải biết khẳng định mình, nhưng tiến và ngước lên không phải để ganh đua, bon chen, để giành giật phần thắng mà hơn hết là để biết soi lại mình, ngẫm lại mình, không đánh mất mình, để biết lùi, biết nhìn xuống một cách cao thượng. Đó là lẽ sống giản dị, khiêm nhường biết mình biết người. Có ai đó đã từng nói: Đừng tự hào mình là một ngôi sao, biết đâu bạn chỉ là một con đom đóm. Nhưng cũng có câu chuyện lại ngụ ý rằng: Những giọt sương sáng đẹp là vì nó phản chiếu ánh sáng từ các ngôi sao trên bầu trời, có khi còn mờ hơn ánh sáng của ngọn đèn đom đóm.

Ánh sáng đẹp nhất phải là ánh sáng từ chính bản thân mình. Vì thế dù bạn là ngôi sao được nhiều người biết đến, hay con đom đóm nhỏ bé, giọt sương khiêm nhường đều có ý nghĩa của nó. Không cần nhất thiết phải là người vĩ đại miễn sao bạn thực sự tỏa sáng. Như vậy sống hài hòa, giản dị, khiêm nhường, tâm hồn ta se tĩnh tại, thanh thản, cuộc sống tinh thần khỏe mạnh. Đó là hạnh phúc và hành trình vươn tới thành công cuối cùng cũng chỉ để đạt được hạnh phúc, đừng đánh mất chính mình vì những thứ phù phiếm xa vời. Nói như Tạ Duy Anh đôi khi chúng ta phải biết cách nhún nhường: Nhường là cho đi, là cúi thấp xuống, là dung thứ… tất cả yếu tố đó là mặc nhiên và vĩnh viễn làm ta cao lớn hơn.

Thực tế nhiều kẻ sống ích kỉ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình mà không nghĩ tới người khác. Đó là lối vị kỉ, hẹp hòi, cần phải lên án. Họ chỉ sống cho cảm giác của riêng mình: Vui thì vui hết mình, hưởng thụ cuộc sống một cách trụy lạc, sống buông thả… Khi buồn thì tuyệt vọng, mặc cho cuộc đời đưa đẩy, sa đà, giải sầu thiếu lành mạnh hoặc tìm đến cái chết. Sống vì vật chất, danh lợi của bản thân nên hãnh tiến, hiếu thắng, bán rẻ lương tâm, phẩm giá của mình…

Hơn hết ta nhận thấy bản thân cần một cái đầu lạnh và một trái tim ấm nóng trước cuộc đời. Đừng ngủ vùi trong nôi buồn của bản thân, đừng quá nuông chiều cảm xúc của mình và để cho cảm xúc dẫn lối. Sống khiêm nhường, hài hòa, biết tiết chế bản thân, nhận thức đúng về mình, về người. Sống có ước mơ, hoài bão, năng động, sáng tạo, khẳng định được bản thân song không được đánh mất chính mình.

Dù cuộc đời có biến chuyển ra sao, dù cuộc đời có ở đáy vực tuyệt vọng, bạn nhất định vẫn cần có niềm tin ở những giá trị chân thật, đừng giấu diếm cảm xúc của mình:

– Con hãy chậm bước dù là người đến muộn.
– Dù phần con chẳng ai nhớ để dành!
– Hãy vui lên trước điều nhân nghĩa.
– Hãy buồn với chuyện bất nhân.
– Và hãy tin vào điều có thật

Bởi hơn – thua, được – mất ở đời đem lại cho ta những cảm xúc buồn vui không thể biết trước và các đối cực trong cuộc sống luôn xoay vần

Exit mobile version