Ôn Thi Tốt

Nghị luận xã hội về vấn đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm” ngày nay

Đề 1: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: “Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày nay”.

Bài văn mẫu số 1 “Nghị luận xã hội về ” vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay”

Chưa bao giờ người ta lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm như ngày nay. Vào quán kêu ra một tô phở để thưởng thức nhưng lòng vẫn âu lo, ra chợ mua nắm rau về lo bữa tối nhưng sao cứ sợ hãi. Người ta lo âu và sợ hãi bởi biết đâu trong tô phở kia miếng thịt bò chứa chất gây bệnh, trong sợi bún có chứa hàn the hay nắm rau người làm vườn đã xịt thuốc. Thật vậy, chất kích thích, thuốc tăng trọng hay những độc tố người ta có thể dễ dàng mua ở các chợ. Điều này cũng đồng nghĩa cho hiện tượng những nhà sản xuất ngày nay đang chú trọng đến “lượng” hơn đến “chất”. Vậy ta hiểu vấn đề “an toàn thực phẩm” như thế nào? Thực trạng của nó ngày nay ra sao? Có biện pháp nào để khắc phục hay không?

“Vệ sinh” là một khái niệm nói lên sự gìn giữ cho con người, động vật hay môi trường khỏi bị nhơ bẩn. “An toàn” lại được hiểu như một khả năng đã được bảo vệ khỏi các mầm mống hay những tác động gây bệnh, có thể an tâm sử dụng một cái gì đó mà không cần suy nghĩ. Còn “Thực phẩm” là một danh từ bao gồm những loại cơ bản như: lúa, mì, ngô, khoai, rau, cá, củ, quả, thịt, trứng… nhằm cung cấp thức ăn để con người tồn tại trong cuộc sống. Vì thế, vấn đề “an toàn thực phẩm” được hiểu là một khái niệm nói lên lương thực không bị nhiễm các mầm mống gây bệnh, không có các chất kích thích nhằm mang lại sức khỏe tốt nhất cho con người.

Quả thật, vấn đề sức khỏe luôn được con người từ xưa đến nay quan tâm. Vì thế, không ngạc nhiên khi nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, các “ông vua, bà hoàng” khi xưa luôn có một một đội ngũ riêng chuyên đảm nhiệm công việc nội trợ để họ có thể an tâm lo việc triều chính. Ngày nay cũng vậy, những gia đình “có của ăn, của để” cũng thuê hẳn một người giúp việc để lo chuyện “bếp núc”. Còn những gia đình bình thường thì công việc này thường được chị em phụ nữ đảm nhận. Tuy nhiên, trong sử sách vấn đề “an toàn thực phẩm” không thấy các sử gia ghi lại tình trạng lúc đó như thế nào, nhưng ngày nay thì vấn đề này luôn được dự luận quan tâm. Bởi tình trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra khắp nơi. Chỉ cần chị em “tụm ba, tụm bảy” thì những chủ đề như: khoai tây, tỏi, hành, táo, phở, các loại rau có sử dụng chất kích thích, cốm nhuộm màu, bún chứa chất tẩy cực độc, giò chả có hàn the, ruốc siêu sạch làm từ gà chết, cơm trắng nở gấp đôi nhờ hóa chất, măng khô chứa lưu huỳnh, cá ướp phân đạm, hay các loại trái cây xuất phát từ Trung Quốc lại được đem ra bàn tán. Còn các “đấng mày râu” thì vấn đề “an toàn thực phẩm” có vẻ như được quan tâm nhiều hơn quý chị em. Không quan tâm sao được khi vấn đề thời sự là sở trường của các chàng. Những thông tin giật gân như: cơ quan chức năng thành phố này vừa bắt giữ xe chở hàng tấn nội tạng đang trong tình trạng phân hủy. Công an tỉnh nọ đang thu hồi và phân hủy hàng tấn chân gà, heo con không rõ nguồn gốc. Thịt heo hóa thịt bò, tôm sú bơm hóa chất, vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai, củ ráy thành ngọc dương. Họ quan tâm cũng đúng thôi, bởi tất cả những món này cứ vào giờ chiều, sau giờ tan ca họ và các chiến hữu vẫn thường “lai rai”.

Ngoài ra, các tin tức được cập nhật như: các cơ sở chế biến mứt, giò chả, nem có dùng chất kích thích để cho sản phẩm được lâu hơn. Các công ty nước giải khát, công ty bánh kẹo cũng không tránh khỏi tình tình trạng này. Hiện trạng ngộ độc thức ăn ở các công ty cũng liên tục xẩy ra. Mặt khác, ô nhiễm nguồn nước cũng là nguyên nhân trong vấn đề thiếu “an toàn thực phẩm”, nghĩa là khi nguồn ngước bị ô nhiễm thì cá ở biển cũng như ở sông bị chết hàng loạt nên người ta ngang nhiên gom các loại cá này bán ra thị trường. Mới đây ngày 22/4/2016 báo Tuổi Trẻ đưa tin 200 người bị ngộ độc thức ăn sau khi đi ăn khai trương nhà hàng ở xã Phú Trạch – Bố Trách – Quảng Bình. Được biết nguyên nhân của tình trạng ngộ độc này do số hải sản được bày biện trong buổi tiệc khai trương đều được mua tại huyện Quảng Trạch, nơi mà trong thời gian qua có rất nhiều cá chết bất thường “nghi” do bị nhiễm độc từ một cống xả ra biển của khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà Tĩnh. Nêu lên một vài dẫn chứng như thế để thấy rằng vấn đề thực phẩm đang được rất nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, bàn tán là một chuyện còn tìm ra nguyên nhân, hướng giải pháp và bản thân mình thực hiện như thế nào mới quan trọng.

Khi chủ các cơ sở bị bắt thì phần đa nói rằng, nguyên nhân của những hành động mà họ thực hiện đều do “cung không đủ cầu”, nghĩa là lượng tiêu thụ của người dùng quá lớn, trong khi nhà sản xuất thì quá ít. Điều này nghe có vẻ không hợp lý và mang tính ngụy biện. Chả nhé cái “tâm” của người sản xuất cao thượng tới mức phải tìm mọi cách để cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng? Nhưng xem ra cái “tâm” này đang bị điều khiển bởi đồng tiền. Vì tiền họ có thể bất chấp tất cả, xem mạng sống người khác như cỏ rác. Họ đã tận dụng hết mọi nguyên liệu, dù còn hạn sử dụng hay không thì cũng mặc kệ, những chất kích thích có lợi hay có hại cho sức khỏe không cũng chẳng cần quan tâm, miễn sao thu lợi nhuận cho bản thân là được.

Nguyên nhân cần nói đến là lối sống vô cảm của con người ngày nay. Khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sỹ Trần Lập thì Trần Nhất Hoàng – cựu thành viên ban nhạc Bức Tường nói lên suy nghĩ của mình như sau: “Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là trà bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy”. Đọc xong câu chuyện nghe sao xót xa đến lạ! Nhưng một thực tế mà ba nhân vật trong câu chuyện không nhận ra khi họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt. Họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác. Như thế, phải chăng con người ngày nay đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi. Thử hỏi trong một xã hội khi mà ai cũng có suy nghĩ như thế thì không có tình trạng thiếu “an toàn thực phẩm” mới là chuyện lạ.

Nguyên nhân kế tiếp phải kể đến lối sống hưởng thụ, nghĩa là con người ngày nay ăn bằng mắt hơn bằng miệng, chỉ cần đẹp, nhanh và tiện lợi là đủ tiêu chuẩn chứ không cần quan tâm đến chất lượng của thực phẩm. Cuối cùng phải kể đến khâu quản lý của cơ quan chức năng nước ta còn yếu, nghĩa là chưa thực sự mạnh tay với những đối tượng vi phạm. Nói đúng hơn một số cán bộ đang bị lợi dụng bởi cái phong bì “xanh xanh, đỏ đỏ” cứ “lén lén, trao trao”, nếu đối tượng sai phạm quá thì cũng chỉ nhắc nhở, không dám mạnh tay, sợ “chết cả đám”, vì “há miệng thì mắc quai”.

Thiết nghĩ, để khắc phục được tình trạng trên thì nhà nước ta cần quan tâm hơn đến vấn đề “an toàn thực phẩm”. Cần kêu gọi những người làm việc phải có trách nhiệm trong công việc hãy đặt cái “tâm” lên trên đồng tiền, cần mạnh tay hơn với những đối tượng vi phạm. Đồng thời, kêu gọi ý thức của người dân hơn trong việc sử dụng thực phẩm, tẩy chay hàng không rõ nguồn gốc kém kém chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nói đến những người có quan niệm “sống no hơn chết thèm” trong phạm vi bài này. Bên cạnh đó, những người trồng trọt và chăn nuôi cũng hãy nghĩ đến cái “tình” hơn cái lợi. Bởi con người sống trong một xã hội cần có sự hỗ tương, nếu chỉ mình hiện hữu trong một góc nào đó của cuộc sống thì cuộc đời cô đơn lắm. Cuối cùng kêu gọi các nhà sản xuất hãy ngừng ngay lối suy nghĩ ngụy biện “cung không đủ cầu”, nhưng hãy thực hiện công việc sản xuất làm sao mang đến ích lợi cho người tiêu dùng và làm việc đúng với cam kết trong giấy phép kinh doanh. Đành rằng, sản xuất thì cần có lợi nhuận, nhưng ít thôi, đúng với mức cho phép của lương tâm. Đừng vì ham giàu mà lấy tiền trên mồ hôi, xương máu của người khác. Bởi hiện hữu con người trong trần gian ngắn lắm, cứ hỏi những người đang ở tuổi xế chiều về ý nghĩa của cuộc sống vì tình hay vì tiền cái nào quan trọng hơn.

Trong cuộc sống, vấn đề sức khỏe ai cũng quan tâm, được sử dụng thực phẩm sạch và tốt ai lại không muốn. Nhưng cái quan tâm và ước muốn này chỉ mới dừng lại ở mức độ cá nhân mà bỏ qua ích lợi của tập thể. Quả thật, một món ăn nhìn rất bắt mắt, mớ trái cây trông có vẻ tươi, nắm rau có vẻ xanh, ký thịt nhìn thì ngon, con cá trông không bị ươn nhưng tiềm ẩn phía sau chúng là cả những nguy hiểm, những mầm mống gây bệnh bởi người ta ngang nhiên dùng các chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Người ta dùng hàn the để ướp cá, ướp thịt được tươi lâu hơn. Trong rau, củ quả thì sử dụng chất kích thích. Phía sau những món ăn là một quá trình chế biến không hợp vệ sinh hay sử dụng nguyên liệu đã hết hạn. Tất cả những tình trạng này đều phát xuất từ suy nghĩ chỉ biết tìm kiếm lợi nhuận mà quên đi vấn đề sức khỏe. Vì thế, ngang qua vấn đề “vệ sinh an toàn thực phẩm” là một lời kêu gọi mỗi người hãy ý thức hơn trong việc sử dụng thực phẩm, tẩy chay những mặt hàng không rõ nguồn gốc, đừng vì “giá rẻ mà đánh mất tuổi trẻ” nhưng hãy vì sức khỏe mà chọn cho mình những thực phẩm tốt nhất. Một ngày ngã bệnh ta mới biết thân phận con người mỏng dòn như thế nào và ích lợi của sức khỏe lớn lao ra sao. Sống cả một kiếp người chỉ làm những chuyện phi pháp, hại đến mạng sống người khác thử hỏi lúc đến tuổi xế chiều dù có giàu sang, phú quý liệu có sống bình an được không? Bởi lương tâm của con người rất nhạy bén trước những việc làm sai trái.

Bên cạnh đó, trong khâu quản lý nhà nước hãy đặt những người làm việc vì nghĩa hơn vì tiền, tiêu chí chọn người phải dựa trên người có đức hơn hơn người có tài, nếu có cả hai thì càng tốt. Đừng đặt những người coi mạng sống của người dân là cỏ rác, bởi họ là những người một cách gián tiếp đang tiếp tay cho những đối tượng vi phạm. Cần có những phương án thật mạnh tay vào những ai đang vi phạm. Thực hiện tốt những công việc này là đang xây dựng một xã hội ấm no và hạnh phúc.

Sức khỏe có một tầm quan trọng rất lớn trong đời sống thì ai cũng công nhận. Vì thế, lên án hay bài trừ những hành động đang phá hoại đến sức khỏe của cộng động là việc cần làm ngay từ hôm nay. Hiểu cho sâu tầm quan trọng của sức khỏe mỗi người hãy lựa chọn cho mình những thực phẩm tốt nhất, cũng cần tẩy chay những mặt hàng không rõ nguồn gốc. Hơn nữa cần ý thức hơn trong việc bảo đảm sức khỏe cho tha nhân bằng những hành động cụ thể như: sản xuất đúng chất lượng, đạt tiêu chuẩn, không sử dụng các chất kích thích. Bắt người khác thực hiện tốt “vệ sinh an toàn thực phẩm thẩm” thì phải có thời gian, nhưng chính bản thân mình ra tay hành động thì hoàn toàn có thể. Vậy ngay từ hôm nay, chúng ta hãy bắt tay hành động và tuyên truyền bảo vệ “an toàn thực phẩm” để mang lại không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng một cuộc sống hạnh phúc.

Bài văn mẫu số 2

Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa, kinh tế phát triển khiến nhu cầu của người dân càng ngày càng cao. Không còn “chỉ tiêu” ăn no, mặc ấm nữa mà lại trở thành ăn ngon, mặc đẹp. Tuy vậy, việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được nhiều người chú ý đến.

Vệ sinh thực phẩm ở đây là một khái niệm khoa học để chỉ thực phẩm không chứa vi sinh vật gây bệnh và không chứa độc tố. Khái niệm đó còn bao gồm khâu tổ chức vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm. An toàn thực phẩm được hiểu là khả năng không gây ngộ độc của thực phẩm đối với con người. Như vậy, có thể nói là khái niệm này có nội dung rộng hơn do nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm không chỉ hạn chế ở vi sinh vật. Nói chung vệ sinh an toàn thực phẩm là việc bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lí, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Thực trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra thường xuyên ở nước ta, chỉ một đoạn đường nhỏ ở thị trấn hay thành phố, cảnh quan, hình ảnh quán cóc, quán vỉa hè, các gánh hàng rong đã trở thành quen thuộc, nhắc đến thì ai cũng biết. Thử đặt một câu hỏi nhỏ rằng: “Liệu những quán đó có hợp vệ sinh an toàn thực phẩm?”. Chắc hẳn ai cũng đã rõ câu trả lời. Vệ sinh đâu khi ngồi thưởng thức một bát phở mà bên cạnh lại là những bãi rác bốc mùi nồng nặc, nước cống đen ngòm, khói bụi dày đặc trong. Vệ sinh đâu khi người bán dùng tay không bốc những thức ăn rồi đặt vào tô. Những điều đó ai cũng biết nhưng vẫn thản nhiên ngồi thưởng thức những món ăn một cách bình thường, thậm chí là ngon lành với lí do: “Giá ở đây rẻ, hợp túi tiền”, “Ăn ở đây vừa nhanh, vừa tiện” còn có ý kiến cho rằng “Ngồi đây cho thoáng mát”.

Nếu như trước đây, những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ dừng lại ở các hành vi vi phạm quy định như: hàn the trong đồ ăn sẵn, phẩm màu công nghiệp trong bánh mứt, formal trong phở, để tẩy ướp thủy hải sản hay chất 3-MCPD trong nước tương đã làm nhiều người choáng váng, vứt bỏ những thức ăn, gia vị đã quen sử dụng trong nhiều năm thì giờ đây, trong dịp trước tết và trong tết, nhiều vụ việc, kiểu vi phạm đã xuất hiện với nhiều hành động tinh vi hơn để tung hàng kém chất lượng ra thị trường “cung không đủ cầu”. Nhiều người khi ăn chỉ nhìn món ăn sau khi chế biến rất ngon lành mà đâu ngờ rằng trước đó nó là cái gì? Là một con cá tươi ngon hay chỉ là một đống thịt đang lúc phân hủy.

Vừa rồi, thanh tra và các tổ chức y tế nhiều nơi đã phát hiện nhiều vụ làm chấn động dư luận và người dân. Ví dụ như ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện cơ sở sản xuất lạp xưởng sử dụng hóa chất trôi nổi, nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt, phục vụ cho dịp tết có danh tiếng và tên tuổi trong bánh mứt và đã được cấp giấy chứng nhận đạt đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện sử dụng các nguyên liệu đã mốc, lên men, chứa đầy dòi và ấu trùng đang được ngâm với hóa chất để chuẩn bị chế biến thành sản phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều cơ sở đã thừa nhận rằng trong lúc chế biến thiếu sân phơi và đã đem ra phơi trên vỉa hè. Tại Hà Nội đã phát hiện trên hai mươi năm tấn mỡ thối nát, đã bốc mùi hôi thối nồng nặc chở từ một cơ sở để đưa vào miền Nam tiêu thụ. Chưa hết những thứ mỡ thối kinh khủng thì lại tới chuyện lòng heo, nội tạng gia súc, động vật. Các cơ quan chức năng đã bắt giữ liên tục hàng chục vụ vận chuyển, tàng trữ nội tạng động vật, thịt bẩn, bì lợn thối được chuyển từ Hà Nội về Lào Cai, chuyển sang Trung Quốc để tẩm thuốc, sơ chế rồi chuyển về lại Việt Nam để tiêu thụ, phục vụ cho những thực khách sành ăn, ham giá bình dân. Nhiều vụ lên đến hàng tấn. Các đoàn thanh tra còn bắt được hàng tạ thịt chim cút đang trong thời gian phân hủy, không còn giữ được nguyên vẹn thực trạng ban đầu. Các vụ vận chuyển hàng trăm cân gia cầm chết hay bị bệnh chưa qua sự cho phép của chính quyền nhà nước đã xâm nhập vào thị trường nước ta. Một số vụ vận chuyển một lượng lớn chất Phodamine B là một loại hóa chất công nghiệp phát quang dùng trong y học để chuẩn đoán vi khuẩn và một số xét nghiệm sinh hóa hay để nhuộm quần áo được trộn chung với ớt bột rồi tung ra thị trường. Các vụ trên đa phần đều có tổ chức, đường dây lớn và dẫn về các tiệm ăn nhỏ, quán cóc hay thậm chí là những nhà hàng sang trọng, sạch sẽ. Theo thông tin của một cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đột xuất, không khỏi bất ngờ và choáng váng khi phát hiện ra rằng hầu hết các điểm được kiểm tra đều xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm như sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, giấy tờ, bao bì hay nhãn mác. Đem một số mẫu về xét nghiệm thì có tới 56% mẫu bị nhiễm vi khuẩn, nhiều loại bị nhiễm hóa chất, chất kích thích tăng trưởng, chất hỗ trợ chế biến, chất chống oxi hóa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể con người. Có nhiều loại trái cây nhập lậu từ Trung Quốc nhìn bề ngoài thì rất tươi ngon nhưng bên trong đã thối rữa.

Những vụ mà báo chí đã phanh phui khiến chúng ta không khỏi giật mình. Đa phần là do những nguyên nhân như: những người dân đã dùng những thực phẩm đó một cách quen thuộc từ lâu nhưng chỉ khi được phát hiện thì mới bắt đầu phòng tránh. Những bất cập trong việc quản lí về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân.

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay trên thế giới rất đáng quan ngại, đặc biệt là tại những nơi vừa xảy ra thiên tai như lụt lội, mất mùa. Thực phẩm trôi nổi bán ngoài thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Mầm bệnh có thể nhiễm vào thực phẩm từ khâu sản xuất đến vận chuyển và bảo quản. Cách tổ chức sản xuất sản phẩm còn quá kém, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm còn nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu. Ta chưa kiểm soát được kĩ thuật canh tác và việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm. Chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng và giết mổ gia súc, gia cầm, thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, thiếu hệ thống quản lí, kiểm nghiệm… Đặc biệt, thiếu trầm trọng thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương. Lượng công nhân viên chức, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất ít. Nhiều người tham lam, muốn kiếm tiền dễ dàng một cách độc ác đã làm ra những sản phẩm kém chất lượng mà rẻ nhằm đánh vào tâm lí của người tiêu dùng. Vấn đề còn lại là phải có một cơ quan chuyên trách, giữ vai trò “nhạc trưởng” để tránh xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Tuy Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc này hơn nhưng vẫn là chưa đủ. Vì vậy chúng ta cần có biện pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng này. Sản xuất phải chuyên nghiệp, sạch sẽ từ khâu trồng trọt đến sản xuất và tiêu thụ. Cần có nhiều cán bộ, tổ chức vệ sinh an toàn thực phẩm hơn, chính sách nhà nước chặt chẽ hơn, có chế tài xử lí rõ ràng và nghiêm khắc hơn. Nhưng đặc biệt là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, như vậy người tiêu dùng cần có kiến thức tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chúng ta nói chung và những bà nội trợ nói riêng lo lắng làm thế nào để có được một cái tết an lành với mọi thành viên trong gia đình. Hãy làm người tiêu dùng thông minh, và hãy nói không với “mất an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm tiến đến một ngày mai xanh, sạch.

Exit mobile version