Ôn Thi Tốt

Phân tích hình ảnh ” người lái đò ” trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Đề bài: Em hãy phân tích hình ảnh ” người lái đò ” trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Nghệ thuật ở đây chính là nó đã nhập thân vào người lái đò cả phương diện hình thức lẫn tính cách. “Trên thác hiên ngang một người lái đò Sông Đà có tự do, vì người lái đò ấy nắm được qui luật tất yếu của dòng sông Đà”

Nhân vật người lái đò được Nguyễn Tuân nhìn như là đối tượng của cái Đẹp. Nó lấp lánh ánh sáng của người nghệ sĩ tài hoa. Theo Nguyễn Tuân, không cứ người hoạt động ở các ngành nghệ thuật họ mới là kẻ tài hoa nghệ sĩ, mà những con người xung quanh chúng ta biết tôn trọng cái Đẹp, đều có thể ứng xử Đẹp và tự giác sáng tạo ra cái Đẹp, những người uống trà trong sương sớm, những kẻ biết thưởng thức “hương cội”, giỏi trong chính nghề nghiệp của mình… đều là những nghệ sĩ tài hoa. Và do vậy “Người lái đò sông Đà” là người lái đò – nghệ sĩ. Chở đò, lái đò là cả một nghệ thuật cao cường và đầy tài hoa.
Người lái đò là người lao động trên sông nước. Cuộc sống của ông là cuộc chiến đấu hàng ngày, là phải đối mặt với “kẻ thù số một” của con người – Sông Đà. Người lái đò xuất hiện trong bối cảnh đầy thử thách – trên dòng sông “hung bạo”.
Hình ảnh người lái đò sông Đà được Nguyễn Tuân dựng tượng khiến cho ta như nhìn ngắm được. Bức tượng ấy không phải là con người chung chung mà nó tạo dáng hết sức riêng biệt không thể đặt tên gì khác hơn là “người lái đò Sông Đà”. Bức tượng hắt chiếu ra tính cách bên trong của con người này. Đọc thiên tùy bút Sông Đà, ta bắt gặp một ông đò: “Tay ông dài lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh… nhỡn giới ông vời vợi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”.
Để làm nổi bật tài nghệ của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một cuộc vượt thác của ông như là một viên tướng ngày xưa lao vào một trận đồ bát quái của Khổng Minh với biết bao nhiêu cạm bẫy: nào là qua khúc sông hẹp, tối; qua những ghềnh như Hát Loóng; những cái hút nước ghê rợn; qua những con thác; những bãi đá sông,… chúng dàn bày thạch trận, hết vòng này đến vòng khác, và mỗi vòng, đá trên thác sông Đà đều có những viên tướng mưu trí và gian thâm chỉ huy. Để áp đảo “kẻ địch” đám “quân thác đá” còn nổi trống chiêng la hò dữ dội “rống lên như ngàn con trâu mộng đang lồng lộn… rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu cháy bùng bùng”. Ông đò đã trổ hết bản lĩnh cũng như tài hoa nghề nghiệp của mình. Ông đã chiến đấu với con sông để giành sự sống từ tay nó về tay mình. Thật là một liên tưởng hết sức bất ngờ. Đây là lối liên tưởng tạt ngang, nối kết hai sự kiện rời nhau dường như chúng không có sự tương đồng. Câu chuyện nói về “nước” lại được liên tưởng với “lửa”. Câu chuyện nói về “đá thác” ở đây lại liên tưởng tới “đàn trâu” và “rừng bị cháy”. Nếu không có phong cách tài hoa táo bạo, Nguyễn Tuân xử lý những hiện tượng trên sẽ khập khiễng, phi lôgich. Nhưng thực tế, đoạn văn được dựng cảnh đầy giá trị tạo hình, nó như một cuốn phim quay cận cảnh và dựng lại, đặc tả các chi tiết (chính Nguyễn Tuân đã có ý định sử dụng vốn văn hóa về môn nghệ thuật thứ bảy này để dựng cảnh, dựng truyện: “Tôi sợ hãi mà nghĩ đến một anh bạn quay phim… những thước phim màu cũng quay tít… cái phim ảnh thu được…”.

Phân tích hình ảnh ” người lái đò ” trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân đã miêu tả cụ thể cuộc vượt thác của ông lái đò:
“Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới”, có hòn đá hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi khiêu chiến, có hòn lại nghênh ngang thách thức, dụ con thuyền “có giỏi thì tiến gần vào”. Ở vòng đầu này, thác nước và đá sông mở ra 5 cửa trận: 4 cửa tử, 1 cửa sinh, hòng đánh lừa con thuyền. Vừa vào trận, sóng nước và đá sông hò la vang dậy, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên tay ông đò. Nước thác “đá trái”, “thúc gối” vào bụng và hông thuyền. Rồi, “nước như đô vật bám lấy thắt lưng ông đò”, thậm chí, chúng đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, đánh vào chỗ hiểm – “bóp chặt vào hạ bộ” ông lái. Ông đò đã “cố nén vết thương”, “hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”, tuy “mặt méo bệch đi” nhưng trên con thuyền sáu bơi chèo vẫn “nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn và tỉnh táo của người cầm lái”=> Con sông đã được nhà văn khắc họa như một con quái vật hiểm ác, hung hăng, ưa gây sự bằng lối so sánh và ẩn dụ
Ta cũng lưu ý lối thuật kể đầy hồi hộp, đầy kịch tính căng thẳng, vốn tri thức về quân sự và võ thuật được đưa ra ứng dụng. Quả là “ông lái đã nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc qui luật phục kích của lũ đá… Ông đã “cưỡi”lên thác sông Đà: “Nắm chặt lấy cái bờm sóng”, “bám chắc lấy luồng nước” lúc “phóng nhanh” lúc “lái miết”, nhớ mặt bọn đá “đứa thì ông tránh” “đứa thì ông đè xấn lên”… Ông lái đò quả là vị tướng đầy thao lược tài ba.

Hình ảnh người lái đò sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân – Văn mẫu lớp 12

Ông đang trình diễn nghệ thuật của mình với qui luật thiên nhiên khắc nghiệt. Nếu thiếu một chút bình tĩnh, thiếu một chút chính xác, ông phải trả giá bằng mạng sống của mình. Nguyễn Tuân quả là ưa khai thác những cảm giác mạnh để tác động những ấn tượng không phai mờ trong tâm não của độc giả!

Qua nhân vật người lái đò, Nguyễn Tuân cho rằng chủ nghĩa anh hùng đâu phải tìm kiếm đâu xa lạ. Nó có trong cuộc sống tìm miếng cơm manh áo của nhân dân lao động đấy thôi. Những người bình dị có trí, dũng, tài hoa. Họ có thể viết nên những thiên anh hùng ca, có thể tạo hình tạc mẫu cho nghệ thuật. Họ là đối tượng của cái đẹp, của ánh sáng thẩm mỹ mới.

Chúc các em học tốt!

 

Exit mobile version