Ôn Thi Tốt

Suy nghĩ của em về câu chuyện cổ tích và ngọn nến

ĐỀ 21: Cổ tích về ngọn nến:

Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng.  Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng.

Mọi người đều trầm trồ: “Ồ nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh.

Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra, lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”.

Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm.

Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một người đề nghị:“Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu”. Đèn dầu được thắp lên, còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ.

Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến. (http://www.songdep.xitrum.net)

Câu chuyện của ngọn nến gợi cho em những suy nghĩ gì? Hãy viết bài văn bày tỏ những suy nghĩ đó.

Suy nghĩ về sự ích kỷ qua câu chuyện cổ tích và ngọn nến

Bài làm

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau

Lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia giữa con người với con người luôn khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp và ấm áp. Dù vậy, đôi khi sự ích kỉ ngự trị trong mỗi chúng ta lại khiến ngọn lửa ấm ấy bị phai tàn. Câu chuyện của ngọn nến ở trên chứa đựng bài học nhân sinh sâu sắc về thói ích kỉ và hậu quả của nó.

Câu chuyện ngụ ngôn về cây nến vì sợ tan chảy, sợ thiệt thòi mà mượn gió tự thổi tắt mình. Cây nến bị cho vào ngăn bàn trong quên lãng trong khi đèn dầu đã thay nó chiếu sáng cho mọi người. Như vậy, ẩn sau câu chuyện ngụ ngôn là bài học về thói ích kỉ. Đằng sau hình tượng ngọn nến là bóng dáng con người và cách ứng xử giữa con người với con người. Cũng giống ngọn nến, chúng ta luôn mong muốn mình tỏa sáng, được mọi người chú ý, khen ngợi, nhưng khi thấy mình phải chịu thiệt thòi, ai sẽ là người vững lòng tiếp tục cống hiến cho cuộc đời?

Ích kỉ được hiểu là lợi ích của bản thân. Phật từng răn dạy: “Nhân sinh vi kỉ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỉ, thiên tru địa diệt”, làm lợi cho mình mà không hại đến người khác cũng là việc thiện. Nếu hiểu như thế, lối sống ích kỉ có gì là sai? Nhưng ích kỉ mà chỉ lo cho mình, vô cảm với khó khăn của người khác, không muốn sẻ chia cho người khác, đó thực sự là lối sống tiêu cực, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng, bất chấp lợi ích của người khác, thậm chí không ngần ngại gây tổn hại tới mọi người. Đây là lối sống chỉ biết chăm chăm tới lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Khi người ta sống ích kỉ với nhau, họ đóng cửa trái tim mình và nhìn đời bằng đôi mắt ráo hoảnh, sự vô cảm lấn át tình thương và lòng cảm thông.

Ích kỉ là thói xấu nguy hại đến cuộc sống của bản thân và những người xung quanh. Thói ích kỉ khiến con người luôn so tính thiệt hơn với tâm lí lo sợ người khác sẽ hơn mình. Điều đó khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi và vô nghĩa. Những người ích kỉ mấy khi có được niềm vui, sự phấn chấn, niềm hạnh phúc sẻ chia và được chia sẻ. Bởi vậy, có những người có thể chi nhiều tiền để mua vui cho mình nhưng cảm thấy thiệt thòi quá mức khi phải giúp đỡ những người khó khăn. Thói ích kỉ còn khiến cuộc sống trở nên lạnh lẽo với đầy những ranh giới và khoảng cách. Đó cũng là nguồn gốc của sự vô cảm trong lối sống. Từ chối giúp người bị tai nạn vì sợ tốn tiền, sợ liên lụy, mất thời gian; luôn đùn đẩy công việc cho người khác để mình được nhàn hạ hơn; hay đơn giản như không muốn giúp đỡ các bạn học yếu hay khó khăn trong lớp; luôn chỉ lo cho mình trong những hoạt động tập thể… đó đều là những biểu hiện cụ thể của thói ích kỉ.

Trong câu chuyện trên, cây nến ban đầu cũng hạnh phúc khi được tỏa sáng và sống có ích cho mọi người xung quanh. Nhưng thói ích kỉ đã vượt lên trên niềm vui sống, niềm vui cống hiến mà gieo vào lòng cây nến sự hoài nghi và sự so đo tính toán. Là con chim thì phải cất tiếng hót cho đời, là bông hoa thì phải tỏa hương, là ngọn nến thì để thắp sáng… Tất cả những điều tưởng chừng hiển nhiên ấy lại là niềm vui khi được sống đúng với sứ mệnh của mình. Nhưng thói ích kỉ khi thức dậy ngay lập tức trở thành rào cản phá tan niềm hạnh phúc ấy. Đáng buồn hơn, khi thói ích kỉ không còn mang biểu hiện cá nhân mà trở thành diện mạo tập thể, ngay trong những đoàn người hành hương về quê cha đất tổ dâng lễ vua Hùng, thực hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” từ bao đời nay cũng bị thói ích kỉ bóp méo. Ai cũng sợ thiệt hơn người khác, sợ dâng sau người khác thì mất thời gian mà tổ tiên lại không “chứng lễ”. Cứ thế, dòng người dâng lễ mong cầu bình an, yên tĩnh mà bản thân họ đã mang bao nhiêu lo sợ về sự thiệt thòi của bản thân. Thay vì hình ảnh hiếu lễ thì ấn tượng mạnh mẽ nhất về những lễ hội lại là hình ảnh những em thơ la khóc vì sợ hãi, những đám đông chen chúc, xô đẩy tranh giành lấy lộc.

Cùng những biểu hiện ấy là những hậu quả mà lối sống ích kỉ gây ra. Đối với bản thân mỗi người, lối sống ấy là liều thuốc đầu độc nhân cách. Người sống ích kỉ không bao giờ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn, bởi mỗi ngày họ đều lo lắng, đều toan tính sợ mình chịu thiệt hơn người khác. Không chỉ thế, sống ích kỉ còn khiến chúng ta bị mọi người xa lánh. Đối với một tập thể, lối sống ích kỉ là kẻ chia rẽ ghê gớm nhất. Ai cũng muốn phần hơn thuộc về mình, sự ganh ghét, đố kị dẫn đến khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung, không thể tìm thấy một mục tiêu, lợi ích chung để đồng lòng thực hiện. Đối với xã hội, đây cũng là một lối sống gây hậu quả nghiêm trọng. Đạo đức suy đồi, nhân cách tha hóa gây ra hiện trạng vô cảm đáng báo động. Chỉ nói riêng thực phẩm bẩn, người ta đầu độc nhau gây ra những cái chết thương tâm vì ung thư, sức và lực của giống nòi trở nên suy kiệt. Như vậy, thói ích kỉ là một loại trở lực ghê gớm kìm hãm sự phát triển của toàn xã hội, đẩy lùi sự tiến bộ của đất nước. Điều đó khiến chúng ta phải trăn trở với những câu hỏi về cách sống của mình, về lối đối nhân xử thế lâu nay như nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng hỏi:

Tôi hỏi đất:

– Đất sống với đất như thế nào?

– Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:

– Nước sống với nước như thế nào?

– Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

– Cỏ sống với cỏ như thế nào?

– Chúng tôi đan vào nhau.

Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

(Hỏi)

Do xã hội hiện đại, với lối sống nhanh, sống gấp cuốn con người vào vòng xoáy của cải vật chất, nên đối với nhiều người, lợi ích bản thân mới là điều đáng quan tâm nhất. Sự tham lam cũng là căn nguyên của thói ích kỉ. Trong chúng ta luôn chứa đựng cả điều tốt lành và những mầm mống tham lam, ích kỉ. Một phút mềm lòng, thiếu bản lĩnh sẽ khiến bản tính thiện lương trong ta thua cuộc, cái ác lên ngôi, sự ích kỉ, hẹp hòi trở thành kẻ chiến thắng. Muốn đẩy lùi hiện tượng ấy, trong cuộc đấu tranh hoàn thiện bản thân, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về những nguy hại do lối sống ích kỉ gây ra để loại bỏ nó khỏi nhân cách của mình. Gia đình và nhà trường, với tư cách là những chiếc nôi đầu tiên mà trí tuệ, nhận thức của mỗi cá nhân hình thành, phải tham gia tích cực vào việc giáo dục lối sống vị tha, bao dung và truyền cho học trò niềm cảm hứng, niềm vui hồn nhiên được sẻ chia với mọi người. Để mỗi người khi bước vào đời, đều biết cống hiến và đấu tranh, lên tiếng phê phán những hành vi tiêu cực của lối sống ích kỉ, biết vui mừng, ngợi ca và nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung của cộng đồng.

Chúng ta không thể phủ nhận sự lớn dần lên của thái độ sống thờ ơ, khiến nhiều người nhìn đời chỉ thấy màu đen, mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người. Bởi chúng ta nhỏ bé, thời gian thì hữu hạn mà cuộc đời lại rộng lớn vô cùng, có thể chúng ta bắt gặp những đôi mắt ráo hoảnh nhiều hơn nhưng không có nghĩa sự tử tế, đức hi sinh, niềm vui chia sẻ đã không còn.

Hãy tin vào những điều tốt đẹp và bài trừ thói ích kỉ đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Người trẻ, với sự thiếu thốn kinh nghiệm, chưa từng trải hay va vấp nhiều với thử thách của cuộc đời dễ bị cuốn vào vòng xoáy của lối sống ích kỉ, càng cần tự nhắc nhở mình về hậu quả của lối sống này và không ngừng đấu tranh với nó, đừng để mọi người “sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình…”. Hãy để mỗi người là một hạt mầm, một sứ giả của tình yêu thương và tinh thần tương thân tương ái.

Qua câu chuyện “cổ tích và ngọn nến” ở trên, các em tham khảo và có một kỳ thi tốt nhé.

Exit mobile version