Ôn Thi Tốt

Suy nghĩ của em về vai trò của bộ môn Lịch sử đối với thế hệ trẻ

ĐỀ 18: Suy nghĩ của em về vai trò của bộ môn Lịch sử đối với thế hệ trẻ?

Vai trò của bộ môn Lịch sử đối với thế hệ trẻ

Bài làm

“Lá rụng về cội, sông chảy về nguồn” – mỗi con người từ khi sinh ra đã có một gia đình làm nền tảng, một quê hương yêu thương và một đất nước để tự hào. Những con người ấy khi lớn lên đều muốn hiểu biết về gia đình, tổ tiên nhưng cội nguồn của mỗi con người đâu chỉ là đấng bậc sinh thành, đâu chỉ là tổ tiên của một dòng họ, đó còn là cội nguồn dân tộc, Tổ quốc. Bởi vậy, bộ môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục quốc dân và có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc đời của mỗi công dân.

Lịch sử, hai tiếng thiêng liêng ấy chẳng biết từ bao giờ lại bị gán ghép thêm chữ “phụ” khi đây được coi là môn học phụ trong chương trình. Học sinh học Lịch sử một cách qua loa, phụ huynh không quan tâm đến một môn không thi Đại học, tâm lí ấy vẽ ra một thực trạng đáng buồn trong dạy và học lịch sử nói riêng, trong hành trình tìm về cội nguồn nói chung của toàn dân tộc. Qua các kì thì trung học phổ thông quốc gia, số lượng học sinh lựa chọn thi Lịch sử quá ít mà điểm liệt thì lại quá nhiều. Trong hơn một nghìn thí sinh đăng kí dự thi tại cụm thi Bạc Liêu, chỉ có gần bốn trăm điểm trên năm và mười điểm liệt; cụm thi Tây Ninh chỉ có hơn ba trăm điểm trên năm và bốn mươi bảy điểm liệt. Báo chí 2016 đã đánh giá kết quả thi môn Lịch sử là “bết bát nhất”. Nhìn lại chặng đường chuẩn bị cho kì thi quan trọng này, chúng ta cũng không ít lần đọc được những bài báo kiểu như “hội đồng thi nghỉ sớm vì không có thí sinh” hay “43 người phục vụ 1 thí sinh” viết về một sự kiện cụ thể, cả tỉnh Quảng Ninh chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi môn Lịch sử.

Bước qua cánh cửa trường học, thực trạng ấy cũng không khả quan hơn khi chúng ta có thể thuộc vanh vách sử Tàu, từng đời vua từ nhà Hán sang nhà Thanh, có thể kể thông thạo về cuộc đời Võ Tắc Thiên, về diễn biến Tam quốc diễn nghĩa… nhưng lại hay nhầm Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, không rõ vị vua đầu tiên và mơ hồ về vị cua cuối cùng của sử Việt… Nhiều người thông qua dã sử Trung Quốc mà biết lịch sử, biết cả sự phát triển chữ viết, biết trang phục nhà Hán yểu điệu thướt tha, trang phục nhà Thanh gọn gàng, khuôn khổ mà không nhớ rằng một nghìn năm đô hộ cũng không đồng hóa được dân tộc ta, từ chữ Hán phồn thể được tinh thần dân tộc quật cường tạo nên chữ Nôm, từ những lễ Tết chỉ có thể trùng tháng trùng ngày nhưng khác biệt về ý nghĩa và phong tục.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng môn Lịch sử bị xem nhẹ và lịch sử dân tộc cũng không được giới trẻ quan tâm xứng đáng. Trước hết, đó là do sách giáo khoa và tư liệu lịch sử khô khan, ít sử liệu, thiếu trực quan sinh động. Chương trình học cũ kĩ cùng cách dạy, cách học thiếu cảm hứng đã biến một môn học quan trọng thành môn phụ, một chủ đề hấp dẫn và ý nghĩa trở nên đơn điệu. Thêm vào đó, những cánh tay đắc lực của lịch sử như điện ảnh, sách truyện, các hoạt động văn hóa lịch sử thì ở nước ta chưa phát huy được vai trò hỗ trợ ấy. Phim lịch sử Việt Nam chưa thu hút được người xem và sử liệu còn nặng nề chữ nghĩa, thiếu những câu chuyện cụ thể, những hoạt động có sức lan tỏa lớn. Đề kiểm tra Lịch sử nặng “trình bày”, “nêu”, “tái hiện” mà chưa chú ý đến những câu hỏi khai thác suy nghĩ, cảm nhận và tư duy phản biện của người học.

Bên cạnh đó, tư duy thực dụng phục vụ cho thi cử, cho nghề nghiệp trong tương lai của đông đảo xã hội nhiều khi lấn át hoàn toàn mục đích học Lịch sử để hiểu nước mình, hiểu dân mình, hiểu nguồn cội. Đặc biệt, người học chưa có tinh thần tự học. Chúng ta đã thấy rất nhiều kế hoạch vui chơi, thăm thú đây đó trong các chuyến du lịch vào kì nghỉ hè, nghỉ lễ mà các bảo tàng lịch sử lại vắng bóng người xem, đặc biệt là thiếu bóng người trẻ. Ngoài các giờ học sử trên trường, hầu như chúng ta không có bất kì một hành động nào khác để tìm hiểu về lịch sử mà ngay cả trong những giờ học sử, chúng ta cũng không tập trung chú ý.

Lịch sử từ đó đã không được nhìn nhận đúng đắn với vai trò và sứ mệnh cao cả của mình. Lịch sử không chỉ là những cuộc chiến tranh gìn giữ đất nước mà còn là quá trình hình thành, dựng xây. Không chỉ là đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà lịch sử còn là quá trình hình thành các giá trị văn hóa, các thế hệ nối tiếp nhau. Bởi thế, lịch sử là ngọn nguồn của tình yêu dân tộc. Không có tình yêu lịch sử nước nhà thì tình yêu với Tổ quốc, với những mất mát hi sinh của thế hệ cha anh đi trước đã giảm đi một nửa bởi thiếu hiểu biết; lòng tự hào với những thành tựu của nền văn minh lúa nước, chiếc nôi của loài người cũng không được trọn vẹn. Chỉ khi biết lịch sử, hiểu những thành quả hôm nay chúng ta được hưởng đã phải đánh đổi bằng máu xương của cha ông, chúng ta mới có được ý chí kiên cường dựng xây đất nước, nối tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Lịch sử không phải cái có thể định hình, cũng không thể kết thúc, mỗi thế hệ sẽ cùng nhau chung tay, góp sức viết nên lịch sử quê hương. Lịch sử là chiếc cầu nối gắn kết giữa thế hệ chúng ta với thế hệ trước, là con đường giúp ta truyền lại cho thế hệ mai sau. Sứ mệnh gắn kết đó không gì có thể thay thế.

Bởi thế, hơn lúc nào hết, ngay trong khi chiếc đèn báo động về thực trạng dạy và học lịch sử đang rung hồi chung cảnh tỉnh, chúng ta cần có những biện phát chấn hưng lịch sử, mà quan trọng là bồi đắp tình yêu lịch sử cho người trẻ. PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế – Chủ nhiệm Khoa Lịch sử – Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng nói: “Không thể bắt buộc các bạn trẻ yêu lịch sử. Mà phải làm cho các bạn trẻ biết lịch sử. Có biết sử thì mới yêu được sử. Tuy nhiên, với cách giáo dục hiện nay thì hiểu biết về lịch sử của các bạn trẻ lại quá ít…” Vậy thì giải pháp đầu tiên là phải thay đổi cách giáo dục. Dạy sử trước hết là giáo dục không áp đặt. Giống như cách nhiều nước đã làm và thành công, sách giáo khoa của nước ta cần thay đổi, chỉ đưa vào đó những sự kiện lịch sử để học sinh tiếp nhận một cách tự nhiên mà không có hàng loạt phân tích mang tính gò ép. Cùng với sự kiện là những câu chuyện có tính chất minh họa, vừa tạo hứng thú, vừa dẫn dắt người học đến những kết luận cần thiết. Có như thế, người học mới phát huy được hết trí tuệ của mình trong việc học sử và bồi đắp tình yêu với bộ môn này.

Các phương tiện truyền thông cũng nên chú trọng sứ mệnh truyền bá của mình. Lịch sử chúng ta học là những gì đã qua nên tư duy trực quan sinh động hầu như được sử dụng. Chính những thước phim, những bộ truyện tranh sẽ là tài liệu trực quan đáng giá trong dạy và học lịch sử nói riêng, trong tìm hiểu lịch sử nói chung. Đó cũng phải là những bộ phim, truyện hay có sức lan truyền và được giới thiệu quảng bá chứ không thể như bộ phim ca ngợi về đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ tiêu tốn 21 tỉ đồng lại chỉ được nhiều người biết đến khi công bố hủy chiếu vì ế. Hay như phim Lý Công Uẩn – Đường tới Thành Thăng Long ngay khi tung trailer đã vấp phải sự phản đối của khán giả và không thể công chiếu vì đoàn phim đã Trung Quốc hóa. Chúng ta làm phim về lịch sử dân tộc, cho dân tộc nên điều quan trọng nhất chính là gìn giữ đúng văn hóa dân tộc. Mỗi người chúng ta cũng cần nhìn nhận lại vai trò của lịch sử.

Để mỗi bậc phụ huynh quan tâm hơn đến vấn đề học lịch sử của con và mỗi người trẻ học sử với tinh thần tự giác, tự nguyện và yêu thích. Trước hết, người học cần cảm thấy hiểu và biết lịch sử cũng là một cách nâng cao hiểu biết của mình.

Việc không biết lịch sử dân tộc còn đáng xấu hổ hơn việc không thuộc định lí Ta-let, Pi-ta-go gấp vạn lần. Tổng thống Pháp Mitterrand đã từng cho rằng, những người không hiểu lịch sử dân tộc chỉ là những kẻ mồ côi. Quả thực thế, lịch sử là cội nguồn, một con người sẽ ra sao nếu quên đi nguồn cội của mình và tình yêu quê hương đất nước sẽ được bồi đắp từ đâu nếu không từ lịch sử với bao đau thương, mất mát, hi sinh mà vẫn chói ngời rạng rỡ…

Không vì những cuốn sách chưa hay, không vì những công dân chưa thiết tha với quá khứ dân tộc, cũng không vì bị lạnh nhạt trong những kì thi mà lịch sử nước ta bớt đi những thăng trầm dữ dội, những bài học cao cả, những đỉnh cao kiêu hãnh hay những câu chuyện sâu sắc của mình. Ta không thể sống trong trận thủy chiến oanh liệt trên sông Bạch Đằng vào thế kỉ X; không thể tận mắt chứng kiến cảnh “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) khi kẻ thù giày xéo quê hương; ta cũng không thể nín thở trước những giờ phút quyết định lịch sử của những vị tướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; không thể nhìn thấy giọt nước mắt Bác Hồ rơi nơi góc bể chân trời khi đất nước oằn mình chịu đòn roi xâm lược… Chúng ta không quay lại được những ngày tháng đầu tiên nền văn minh lúa nước gieo xuống những đồng ruộng Việt Nam; không thấy cảnh những chiếc bánh chưng đầu tiên thành hình, không được nghe những thanh âm đầu tiên của tiếng Việt… Nhưng chúng ta đừng bao giờ tự đẩy mình ra khỏi ngọn nguồn cảm hứng lịch sử tuyệt vời của dân tộc, bởi lẽ chính chúng ta cũng đang viết sử của thời đại này và rằng chúng ta chẳng bao giờ lại là những “kẻ mồ côi” trên đất nước của mình.

Lịch sử không gì hơn chính là những tiếng đồng vọng. Đó là “tiếng vọng của quá khứ đến tương lai và phản chiếu tương lai trên quá khứ”. Là tiếng nói mà mỗi người cần nghe, cần hiểu và biết yêu thương để trở thành những người con hướng về nguồn cội, giữ gìn và phát huy những bài học từ lịch sử như Bác từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoànkết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Mong rằng với bài văn trên, các em càng thêm yêu thích môn lịch sử. Đặc biệt, chúc các em tham khảo bài văn và kiểm tra thật tốt nhé.

Exit mobile version