Suy nghĩ về hiện tượng xả rác bừa bãi nơi công cộng
Bài làm
Những biển báo buồn từ rác!
Dù bạn ghé qua bất kì đâu, một quán cà phê, công viên, trường học, cơ quan, khu du lịch… hay thậm chí là phòng vệ sinh, bạn đều không khó để bắt gặp những biển báo nhắc nhở như “Cấm vứt rác”, “Cho tôi xin rác”, “Đề nghị cho rác vào sọt”, “Văn hóa là vứt rác đúng nơi quy định”… Và dù những lời nhắc nhở đã thẳng thắn và chu đáo đến vậy nhưng rác vẫn cứ xuất hiện bừa bãi ở nhiều nơi, ngay cả những khu danh thắng, những ao hồ quê hương, dù là hồ đẹp nổi tiếng, người ta cũng tiện tay vứt xuống… Mỗi lần “tiện tay” là một lần nguy hại. Nó là biểu hiện cụ thể của ý thức và thái độ của con người trước môi trường sống, trước “ngôi nhà” của chính mình.
Tôi gọi những biển bảo ấy là “những biển báo buồn”. Bởi lẽ chúng phản ánh một thực trạng khiến ta phải bất bình, coi thường và đau xót: vứt rác bừa bãi đã trở thành một hiện tượng phổ biển, một thói quen khó bỏ và tệ hơn nữa, nó có mặt ở khắp mọi nơi. Nếu đến công viên, người ta chỉ để lại dấu chân, không vứt rác lên cỏ, xuống hồ thì những biển cấm kia cũng không quá cần thiết. Nếu ngôi trường chúng ta đang học, không có những bạn “tiện tay” để vỏ hộp xôi, giấy gói bánh mì, chai nước, hộp sữa trong ngăn bàn, trên sàn lớp hay ngay giữa sân trường thì ta cũng đâu thương những dòng nội quy bị lãng quên đến thế. Mỗi tấm biển như tiếng chuông báo hiệu hiện tượng vứt rác bừa bãi vẫn đang hiện hữu, đang lan rộng như một sự ganh đua thiếu văn hóa: “Người ta vứt được mình cũng vứt được”.
Tôi nhớ trước đây trong chuyên mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa học trò, Đoàn Công Lê Huy từng viết về con đường Nguyễn Chí Thanh tràn ngập những “vỏ giấy kẹo, bao ni lông, vỏ hoa quả và rác thải sau đêm phá cỗ trông trăng của các anh chị sinh viên”. Đó là bài viết nhẹ nhàng mà thấm thía, trò chuyện về “một hành trình hấp dẫn trong niềm kiêu hãnh của mỗi con người”. Vậy tại sao bài viết không bắt đầu bằng một hiện tượng khác? Phải chăng bởi đây là hiện tượng dễ thấy nhưng khó chữa?
Có lẽ lí do ấy đúng, nhưng còn vì hiện tượng này “lộng hành” gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta chứ không riêng một ai trong môi trường này. Vứt rác xuống hồ, ta mất đi những mặt hồ trong xanh, đẹp mắt. Nguồn nước cũng trở nên ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống của chính con người, đặc biệt là dân cư sống xung quanh khu vực ấy. Dịch bệnh cũng từ đó mà nảy sinh. Chúng ta đã bao đời tự hào về một đất nước “đâu trời đẹp hơn” nhưng còn “đẹp” được không khi ven hồ Hoàn Kiếm đầy rẫy rác thải, trên sông “Bạch Đằng” xác cá nổi trôi, những khu rừng nguyên sinh sau một đêm bỗng mọc lên xiết bao vỏ bánh kẹo, túi đựng thực phẩm bên đám tro tàn chưa dọn.
Mảnh đất quê hương bị những lần “tiện tay” hủy hoại, làm mất mĩ quan. Không chỉ thế, hình ảnh “quê cha đất mẹ” trong mắt chúng ta còn thấy “thiếu đẹp”, liệu rằng trong mắt bạn bè năm châu, những con người đến đây để khám phá, thăm thú, trải nghiệm sẽ cảm nhận như thế nào? Có thể một số người sẽ tặc lưỡi “Chỉ là tiện tay thôi mà” nhưng điều đó lại khiến du lịch Việt Nam mất điểm trong mắt du khách quốc tế. Mà đâu chỉ có hình ảnh của thiên nhiên, “cảnh sắc” ngập tràn trong rác và những tấm biển báo buồn là lời tố cáo mạnh mẽ, đanh thép nhất về lối sống thiếu văn hóa, kém văn minh của con người. Nếu được hỏi, tôi và bạn sẽ trả lời như thế nào về những tấm biển? Một đất nước đang trên đà phát triển, mỗi năm lại tốn biết bao nhiêu tiền của cho việc làm xanh – sạch môi trường, lẽ ra khoản tiền ấy có thể đến với đồng bào lũ lụt, đến với những em nhỏ nơi đảo xa hay trên miền cao, nhưng tiếc rằng ta phải dành chúng để dọn dẹp ý thức của chính mình. Như vậy, một hiện tượng chúng ta vốn nghĩ không đáng ngại kì thực lại làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, làm xấu đi hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống và thiệt hại về cả kinh tế nước nhà.
Vậy vì sao những tấm biển vẫn còn tồn tại và hiện tượng ấy vẫn chưa mất đi? Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía mà dường như chúng ta cứ cố gắng vin vào những nguyên nhân khách quan để ngụy biện cho mình. Nào là do hệ thống thùng rác chưa hợp lí, còn quá ít, ở quá xa. Nào là do ở những địa điểm du lịch, đặc biệt trong khoảng thời gian cao điểm biết bao người đổ xô đến, đất chật người đông, rác để đâu cho hết. Dù vậy, những lí do ấy cũng không thể phủ nhận được lí do quan trọng nhất: ý thức kém của con người. Có nhiều người cho dù thùng rác ngay phía trước cũng “vứt tạm” hay không ít người có lối sống vị kỉ, luôn cho rằng chỉ cần giữ nhà cửa của mình sạch sẽ là được. Mỗi con đường, khu phố, khu rừng, con sông đều chịu cảnh “cha chung không ai khóc”. Vì là môi trường chung nên không của riêng ai, không ai muốn chăm sóc, bảo vệ môi trường đó, tiện đâu vứt đấy. Đáng buồn hơn, thói quen ấy lại được “lưu truyền” rộng rãi từ người này sang người khác, “lưu truyền” từ đời này sang đời khác. Đi chơi cùng bạn, nghe một câu: “Có sao đâu, ai chẳng thế” rồi bản thân cũng lại “tiện tay” bắt chước. Đi cùng gia đình, nếu ông bà, bố mẹ cũng vứt rác bừa bãi thì ai sẽ uốn nắn các em nhỏ? Một lần, hai lần thành quen, thói quen ấy cứ đeo bám mãi cuộc sống của nhiều người…
Phàm cái gì đã trở thành thói quen cũng khó bỏ. Nhưng khó chứ không phải là không làm được. Để loại trừ những tác hại do hiện tượng ấy gây ra thì giải pháp khắc phục là điều vô cùng cần thiết. Những tấm biển, chắc chắn phải giữ lại như một lời nhắc nhở để mọi người giữ gìn môi trường chung và nhắc nhở cộng đồng về một tật xấu chưa bị xóa bỏ. Thậm chí, cần phải có nhiều hơn những tấm biển như thế để tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo chúng ở những nơi dễ thấy. Sự tuyên truyền cần trở thành sự lan truyền từ người này sang người khác. Ai cũng chung tay góp sức thì hiện tượng ấy rất nhanh sẽ bị xóa bỏ. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt. Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, chúng ta tưởng xã hội được vận hành bởi đạo đức nhưng kì thực nó được vận hành bằng pháp luật. Tất nhiên, nếu có thể vận hành bằng những điều tốt đẹp, bằng sự tự giác, tự nguyện của mỗi người là điều tuyệt vời nhất. Nhưng khi điều tuyệt vời đã không xảy ra thì chúng ta cũng cần có biện pháp khác. Quan trọng nhất chính là tự mỗi người cần nhận biết và điều chỉnh hành vi của mình. Hãy luôn hỏi: “Ta trong mắt người khác như thế nào? Ta muốn trở thành người như thế nào?” để sống tốt hơn và ứng xử đẹp hơn, để những tấm biển buồn sẽ bị chính lối sống văn minh, ứng xử văn hóa của chúng ta gỡ bỏ, để môi trường sinh thái dễ chịu, văn minh và thân thiện, để cảnh sắc quê hương mãi mãi tươi đẹp.
Mỗi bước đi của chúng ta trên hành trình hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức của bản thân sẽ góp phần bài trừ những thói quen xấu, thói quen vứt rác bừa bãi cũng không ngoại lệ. Không cần điều gì quá to tát, siêu phàm, chúng ta có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Chỉ là từ nay sẽ không còn vỏ đồ ăn sáng, gọt bút chì hay giấy nháp trong ngăn bàn, dưới sàn lớp hay trên sân trường, sẽ không ngần ngại nhắc nhở khi thấy ai đó vứt rác bừa bãi. Những bước chân nhỏ sẽ góp nhặt nên một hành trình lớn…