Lịch thi tốt nghiệp THPT: Quá tải cho cả trò và thầy

Việc Bộ GDĐT đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014, với chỉ 4 môn thi (2 bắt buộc và 2 tự chọn) đã được xã hội đồng tình cao. Tuy nhiên, trên các diễn đàn đã có nhiều ý kiến về việc xếp lịch thi như bộ công bố gây khó khăn cho cả thầy và trò.

Áp lực về thời gian

Theo lịch thi Bộ GDĐT công bố: Sáng ngày thứ nhất, thi môn: Văn (bắt buộc), hóa (tự chọn); chiều thi môn: Lý, sử (tự chọn); sáng ngày thứ hai, thi môn: Toán (bắt buộc), ngoại ngữ (tự chọn); chiều thi môn: Địa, sinh (tự chọn). Thời gian làm môn văn, toán là 150 phút. Môn sử, địa (90 phút); môn lý, hóa, sinh, ngoại ngữ (60 phút).

Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) – nói rằng, bộ đã tính toán kỹ để tránh thí sinh phải thi 2 môn trong một buổi. Tuy nhiên, theo phân tích của một số nhà giáo, lịch thi của bộ gây áp lực lớn cho thí sinh, nhất là vào buổi sáng của 2 ngày thi.

Trước ngày thi chính thức, thí sinh phải đến hội đồng thi nghe phổ biến quy chế thi, kiểm tra số báo danh. Như vậy, thi tốt nghiệp THPT kéo dài trong 3 ngày. Theo phương án lịch thi của Bộ GDĐT, buổi thi sáng gồm một môn bắt buộc và một môn tự chọn, thời gian thi của thí sinh phải đến 12 giờ mới kết thúc.

lich-thit-tot-nghiep-2014-qua-tai-cho-thay-va-tro

Thi tốt nghiệp THPT cần tránh quá tải cho cả trò và thầy.

Đặc biệt thời gian thi 2 môn bắt buộc kéo dài tới 150 phút, việc ghép môn thi bắt buộc cùng với môn tự chọn gây áp lực lớn về thời gian cho cả thí sinh lẫn cán bộ coi thi. Cụ thể:

7 giờ 15, thí sinh nhận đề bài, 7 giờ 30 bắt đầu làm bài thi. Kết thúc môn thi văn và toán vào lúc 10 giờ. Sau đó khoảng cách giữa 2 môn thi là 75 phút. Như vậy, 11 giờ 15 thí sinh mới bước vào ca thi thứ 2. 12 giờ 15 mới kết thúc. Vì môn văn và toán là môn bắt buộc thì thí sinh thi ĐH-CĐ khối A sẽ phải thi ba môn trong cùng ngày thi đầu tiên.

Thí sinh thi khối D cũng phải thi hai môn trong cùng một buổi (toán và ngoại ngữ). Hiện nay, học sinh THPT đã học theo chương trình phân ban theo khối thi ĐH-CĐ. Lịch xếp của bộ chỉ thuận lợi cho thí sinh học ban C, trong khi đó thì ban C không tồn tại trong các trường THPT, ngay tỉ lệ thí sinh dự thi khối C tuyển sinh vào ĐH-CĐ năm 2013 đạt 6%, trong khi đó khối B và D tăng cao.
Buổi thi chiều, thí sinh phải có mặt ở hội đồng thi lúc 13h30. Khoảng cách nghỉ trưa giữa buổi thi sáng và chiều là rất ngắn (1h30′ đối với thí sinh, với cán bộ coi thi chỉ được nghỉ khoảng 1h), trong khi đó thời điểm thi tốt nghiệp thời tiết oi bức ( giữa hè), miền Bắc thì oi bức, miền Nam đúng vào mùa mưa.
Hiến kế việc sắp xếp lịch thi
Trên diễn đàn của một số trường THPT, nhiều ý kiến là học sinh, giáo viên và cả những người quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đã hiến kế với Bộ GDĐT việc sắp xếp lịch thi, để tránh căng thẳng về thời gian cho cả thí sinh và cán bộ coi thi. Lao Động tổng hợp các ý kiến về các phương án, với hy vọng Bộ GDĐT sẽ cân nhắc, đưa ra lịch thi được sự đồng thuận của xã hội. Cụ thể:
Theo quy định, ngày đầu tiên thí sinh phải đến nhận phòng thi, nghe phổ biến quy chế thi, đối chiếu số báo danh…; hai ngày sau là ngày thi chính thức. Như vậy, việc tổ chức thi vẫn mất 3 ngày, nên tận dụng buổi chiều ngày đầu tiên để dãn lịch thi trong hai ngày thi chính thức.
Phương án 1: Thi trong 2,5 ngày. Sáng ngày thứ nhất: Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi. Chiều thi hai môn: Địa và hóa.
Sáng ngày thứ hai: Thi môn văn. Chiều thi môn sử , sinh.
Sáng ngày thứ ba: Thi môn toán. Chiều thi môn ngoại ngữ, lý.

Thuận lợi của phương án này: Hiện nay, học sinh đều học theo phân ban trên cơ sở của khối thi ĐH-CĐ; thí sinh thi theo nguyện vọng A,B,C,D sẽ không phải thi 1 buổi với 2 môn thi.

Nếu có trường hợp thí sinh chọn cả hai môn thi tự chọn mà lịch thi đều chung một buổi (ví dụ như địa và hóa) thì từ thực tế bố trí 2 ca thi, vì môn địa (90 phút), hóa (60 phút). Tương tự, đan xen các môn thi tự chọn được bố trí đều giữa hai môn thi có thời gian là 90 phút và 60 phút. Thời gian thi 2 môn tự chọn chỉ bằng thời gian thi của môn bắt buộc.
Phương án 2: Thi trong 2 ngày. Sáng ngày đầu tiên, thi môn văn; chiều thi môn: Lý, sử, ngoại ngữ. Sáng ngày thứ hai, thi môn toán. Chiều thi môn: Hóa, sinh, địa. Phương án này cũng “phân bổ” theo khối thi ĐH-CĐ, sẽ không có trường hợp thí sinh chọn cả hai môn tự chọn đan xen môn tự nhiên và xã hội cùng một buổi thi.

Tránh áp lực về thời gian cho thí sinh, Bộ GDĐT không nên xếp thi môn bắt buộc và môn tự chọn vào buổi thi vì hai môn đều là môn chính.

Nên để hai môn văn, toán thi riêng, chỉ ghép môn tự chọn vào một buổi thi sẽ hợp lý hơn về thời gian cho thí sinh và khâu tổ chức của hội đồng thi.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *