Đề bài: Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ để thấy niềm khao khát tự do mãnh liệt và lòng yêu nước thầm kín mà tác phẩm gợi lên.
Bài làm.
Mấy vần thơ ra đời đã để lại một tiếng vang lớn trên thi đàn văn học Việt Nam trước cách mạng năm 1945. Thế Lữ- với hồn thơ rộng mở đã thực sự trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong nền thơ mới Việt Nam. Ông là người có công đầu trong việc cắm ngọn cờ chiến thắng cho Thơ mới. Như vầng sao đột ngột hiện ánh sáng chói khắp cả trời Việt Nam, thơ Thế Lữ mang đầy tâm sự thời thế, niềm khát khao tự do mãnh liệt và lòng yêu nước thầm kín. Nhớ rừng là một bài thơ đẹp và hay như thế.
Trước cảnh mất nước bị ngoại bang thống trị, nhân dân đói khổ lầm than, Thế Lữ và các nhà thơ mới luôn mang trong mình nỗi bất hòa sâu sắc với thực tại xã hội thực dân nửa phong kiến. Họ khao khát được tự do, được khẳng định cái “tôi” của mình. Vì vậy, Thế Lữ đã mượn hình tượng con hổ bị giam giữ trong vườn bách thú để thể hiện tâm trạng: “căm hờn và khát vọng tự do”.
Gậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua,
Hai câu thơ đầu cất lên như một tiếng thở dài, như tiếng kêu của chúa sơn lâm khi bị giam cầm. Từ “gậm” được dùng thật đặc sắc. Gậm có nghĩa là hành động, dùng hai răng gặm nhấm một thứ gì đó từ từ, dần dần. “Khối căm hờn” là khối tình cảm uất ức do lâu ngày tích tụ lại thành một khối chưa giải tỏa. Phải chăng đó là sự dồn nén âm ỉ nỗi căm hờn khi mà chúa tể chốn sơn lâm, chốn non nước hùng vĩ đang bị nhốt chặt trong cũi sắt. Hổ đành nằm dài lười biếng, đành buông xuôi bất lực. Cái dáng vẻ bên ngoài ấy đối lập hẳn với thế giới nội tâm đang ngùn ngụt hận thù. Chỉ với động từ “gậm” và danh từ trừu tượng “khối căm hờn”, tác giả đã khắc họa rõ nét tâm trạng ấy của mãnh hổ. Nó cay đắng khi đường đường là chúa tể chốn non sơn hùng vĩ lại bị nhốt trong cũi sắt và trở thành thứ đồ chơi cho lũ người đáng ghét, ngạo mạn, phải chịu ngang bầy cùng bọn gấu, báo dở hơi. Trong bi kịch cay đắng, chúa sơn lâm vẫn nhìn chúng bằng cái nhìn coi thường, khinh bỉ:
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
…Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Thật nhục nhã khi bị xuống cấp, bị tầm thường hóa. Thế mới biết: “Hùm thiêng bị sa cơ cũng hèn”.
Khao khát tự do với mãnh hổ còn là những nuối tiếc, những hồi ức đẹp về cuộc sống xưa:
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Ước mơ được thoát li khỏi thực tại của Thế Lữ thăng hoa trong những giây phút sống lại những mộng tưởng đẹp đẽ, những huy hoàng của quá khứ. Hai tiếng “ngày xưa” nghe thật xa với, thật mơ hồ như không bao giờ còn trở lại với ông vua rừng xanh cái thời hống hách, nghênh ngang ngày nào.
Nhớ rừng là nhớ đến “Cảnh sơn lâm bóng cả cây già”, nhớ chốn uy nghiêm, nhớ khúc nhạc rừng hùng tráng, dữ dội:
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Chữ “nhớ” và chữ “với” được lặp lại nhiều lần cùng cách ngắt nhịp (4/ 2/2, 5/5, 3/5, 4/2/2…) biến hóa, cân xứng đã làm dội lên những nỗi nhớ tiếc không nguôi, nỗi nhớ cồn cào da diết. Sự phong phú về nhạc điệu khắc họa đời sống nội tâm của hổ. Bằng biện pháp nhân hóa, gió “gào”, giọng nguồn “hét” và từ “gào, hét, thét” đã đặc tả khúc trường ca dữ dội của chốn đại ngàn hùng vĩ. Đó cũng chính là cái nền để nhân vật trữ tình xuất hiện trong tư thế oai hùng:
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng
…Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Con hổ xuất hiện đầy kiêu hãnh, đường bệ và oai nghiêm. Đầu tiên chỉ thấy một bàn chân, một bước chân dõng dạc, đường hoàng. Sau đó là một tấm thân dài với những lớp lông có vằn mềm mại chuyển động từng nhịp thật nhẹ nhàng, uyển chuyển trên những đám cỏ sắc. Cái dáng đi ấy như đoạn phim quay cận cảnh, để tôn lên vẻ đẹp của hổ – vị lãnh chúa muôn loài:
“Ta biết ta chúa tể cả muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi”
Chữ “ta” vang lên đầy kiêu hãnh, tự hào. Những câu thơ sống động giàu chất tạo hình đã diễn tả hình ảnh hổ hiện ra với vẻ đẹp oai phong lẫm liệt – một vẻ đẹp uy nghi, dũng mãnh. Nhớ về quá khứ, về một thời vàng son nơi núi rừng đẹp lộng lẫy, hùng vĩ, hổ nhớ cảnh: “những đêm vàng bên bờ suối” hết sức diễm ảo được tắm mình trong ánh trăng lúc say mồi:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Với biện pháp ẩn dụ và cách sử dụng những từ ngữ giàu hình tượng, nhà thơ đã khắc họa được linh hồn của cảnh vật, tô đậm “cảm xúc thi sĩ” của chúa sơn lâm:
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Trong cảnh những ngày mưa dữ dội, hổ lặng ngắm sự dung chuyển đổi mới của giang sơn. Từ “lặng ngắm” chứa đựng cái nhìn đầy chế ngự của đế vương oai vũ. Khi một ngày mới bắt đầu, một rạng đông bừng sáng, khi vạn vật, chim chóc hòa mình trong bản hòa tấu của thiên nhiên từ chúa rừng cũng ru mình trong giấc ngủ tưng bừng”:
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Từ “gội” nhân hóa cây xanh, khiến cho bức tranh thiên nhiên dệt một màu vàng mơ mộng của ánh nắng ban mai. Thật đẹp biết bao!
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Bằng biện pháp tu từ ẩn dụ, và vận dụng những sắc màu của hội họa, Thế Lữ đã làm cho câu thơ mang vẻ đẹp tráng lệ và trở nên thú vị hơn. “Máu” trong bức tranh này chính là máu của ráng chiều, màu của thời gian, của hoàng hôn. Phép đảo ngữ “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” và từ “mảnh” thể hiện một tâm trạng nghệ thuật. Một thời gian nghệ thuật đầy ám ảnh. Những kỉ niệm da diết, giàu chất họa và những câu hỏi tu từ như xoáy sâu trong nỗi nhớ về một thời đã lùi xa đó chính là chân dung về mặt tâm hồn của chúa sơn lâm. Nhưng tất cả những hoài niệm đẹp ấy, chúa sơn lâm bỗng chợt tỉnh mộng, trở về với thực tại, nơi cũi sắt mà nó đang bị giam cầm. Như một trái núi sụp đổ, hổ cất lời than nghe đau đớn tuyệt vọng và cay đắng vô cùng:
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?
Và cuối cùng sự ham muốn tự do đến tột đỉnh đã trở thành nỗi uất hận cay đắng:
Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
…
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.
Càng căm uất cho số phận của mình lúc sa cơ thất thế, càng luyến tiếc về một quá khứ oai hùng, lẫm liệt, con hổ càng tỏ thái độ khinh bạc, coi thường cuộc sống tẻ nhạt đang diễn ra xung quanh nó. Hổ nhớ rừng, nhớ những gì mà tạo hóa đã ban tặng nhớ tất cả những cái chân thực cao cả hơn cuộc sống của loài người. Chán ghét thực tại, hổ lại khao khát trở về với núi non hùng vĩ để ngự trị sơn lâm, trở về với cuộc sống tự do phóng khoáng tha hồ vùng vẫy, tung hoành:
Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ!
…Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Từ hỡi đã đưa tâm trạng bức bối của con hổ lên đến đỉnh cao của thất vọng, bất lực. Không còn cách nào khác, chúa rừng đã đành chấp nhận thực tại đau đớn, chỉ biết thả hồn theo những hoài niệm đã trôi vào dĩ vãng, để được sống lại những giây phút oanh liệt, để xua tan những ngày ảm đạm thê lương khi bị mất tự do. Lời nhắn gửi thống thiết cất lên như một lời thề chung thủy, sắt son thể hiện niềm ham muốn được quay trở về cuộc sống phóng khoáng khi xưa của mãnh hổ.
Bài thơ nhớ rừng không chỉ thể hiện niềm khao khát tự do mãnh liệt mà còn thể hiện lòng yêu nước thầm kín của Thế Lữ. Bối cảnh lịch sử xã hội bấy giờ đã tạo điều kiện cho ba dòng văn học xuất hiện đồng thời. Thơ Mới là dòng văn học lãng mạn, công khai, hợp pháp, vì vậy các nhà thơ chỉ kín đáo bày tỏ nỗi lòng của mình. Và Thế Lữ đã nhân hóa cao độ hình tượng con hổ trở thành hình tượng ẩn dụ để gửi gắm tâm sự yêu nước. Đó cũng được coi là một trong những thành công về nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
Mượn nỗi uất ức của chúa sơn lâm khi bị mất tự do “nằm dài” trong cũi sắt. Thế Lữ đã âm thầm nói lên tình cảnh đất nước lúc bấy giờ. Nhân dân ta dưới sự áp bức đẫm máu của thực dân Pháp đã lâm vào cảnh “mất nước nhà tan”, phải sống trong ngục tù, trong xiềng xích và trong sự bóc lột dã man của thực dân Pháp. Tâm trạng của con hổ có lẽ cũng đồng điệu với bi kịch của nhân dân ta.
Khi những khoảnh khắc đầy ý nghĩa nhất của cuộc đời bỗng ùa về, hổ sung sướng biết bao, tự hào biết bao. Thời oai hùng ấy của chúa sơn lâm cũng gọi là quá khứ oai hùng của ông cha ta – một quá khứ đáng để ta biết đến, nhớ đến. Nó đẹp và hùng tráng như chính những kỉ niệm của hổ. Nhưng kỉ niệm thì bao giờ cũng thuộc về quá khứ, hổ đau xót nhận ra trong hiện tại, trong giây phút này, hổ vẫn đang bị giam cầm, bị trở thành thứ đồ chơi. Để rồi hổ đã cất lên tiếng thân uất ức từ tận đáy lòng, một lời vĩnh biệt với quá khứ:
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
Tiếng than ấy luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, mỗi cuộc đời đang bị đe dọa từng giờ, từng phút dưới bàn tay của lũ thực dân cướp nước và bọn tay sai. Đó chính là bi kịch đớn đau!
Trở về thực tại, hổ cảm thấy chán ghét cuộc sống buồn tẻ, tầm thường nơi vườn bách thú. Thế Lữ đã mượn hình ảnh đấy để nói lên nỗi bất bình trước thực tại của người dân Việt Nam. Đó chính là tuyên ngôn quyết liệt không chịu hòa mình trong thế giới giả tạo, nhàm chán- thế giới không phải của họ.
Với nhạc điệu du dương, với cảnh sắc thiên nhiên tráng lệ, mạch cảm xúc dạt dào, cuồn cuộn cứ dâng trào trong mỗi từ ngữ đã chiếm lĩnh nơi sâu kín nhất cõi tâm hồn con người. “Niềm khao khát tự do mãnh liệt và lòng yêu nước thầm kín” mà Thế Lữ trang trải, gửi gắm là tư tưởng đẹp nhất, sâu sắc nhất của bài thơ kiệt tác Nhớ rừng mà ta cảm nhận với tất cả say mê.
Trên đây là bài văn phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ để thấy niềm khao khát tự do mãnh liệt và lòng yêu nước thầm kín mà tác phẩm gợi lên. Các em cùng tham khảo nhé.
Chúc các em học tốt!