Lịch thi vào lớp 10 tỉnh Thái Bình

B. TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN

1. Nguyên tắc tuyển sinh:

a) Tuổi của học sinh tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên năm học 2015-2016 là 15 tuổi (sinh từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2000). Riêng các trường hợp ít hơn hoặc nhiều hơn 15 tuổi, thực hiện theo Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện hành;

b) Đảm bảo lựa chọn được những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả học tập xuất sắc ở cấp trung học cơ sở, đủ năng lực học lớp chuyên;

c) Đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng.

2. Điều kiện dự tuyển:

– Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp trung học cơ sở từ khá trở lên;

– Xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở từ khá trở lên.

3. Chỉ tiêu tuyển sinh: 475 học sinh, trong đó:

– 11 lớp chuyên x 35 học sinh/lớp = 385 học sinh;

– 02 lớp không chuyên x 45 học sinh/lớp = 90 học sinh.

4. Đăng ký dự tuyển: Tất cả học sinh đủ điều kiện dự tuyển, có hộ khẩu thường trú tại Thái Bình đều được đăng ký dự tuyển một môn chuyên. Trường hợp hộ khẩu thường trú tại tỉnh khác, Hiệu trưởng THPT chuyên lập danh sách trình Giám đốc Sở duyệt.

5. Hồ sơ dự tuyển: Bản sao giấy khai sinh; Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời; Đơn xin dự tuyển; Học bạ trung học cơ sở.

6. Tổ chức tuyển sinh: Thực hiện qua 02 vòng.

– Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển. Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí sau:

+ Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực và quốc tế;

+ Kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực 4 năm cấp trung học cơ sở;

+ Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở.

Quy định cách thức quy ra điểm và mức sơ tuyển cần đạt của các tiêu chí để chọn học sinh vào thi tuyển vòng 2 thực hiện như Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên năm học 2014-2015.

– Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển vòng 1.

a) Môn thi và đề thi:

– Môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh) và 01 môn chuyên. Nếu môn chuyên là Toán, Ngữ văn hoặc môn Tiếng Anh thì mỗi môn này phải thi 2 bài: một bài thi không chuyên và một bài thi chuyên với mức độ yêu cầu cao hơn;

– Đề thi theo hình thức tự luận; môn Ngữ văn (bài thi không chuyên) đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn.

b) Thang điểm thi và hệ số điểm bài thi:

– Điểm bài thi tính theo thang điểm 10, nếu chấm bài thi theo thang điểm khác thì kết quả điểm các bài thi phải quy đổi ra thang điểm 10;

– Hệ số điểm bài thi: Điểm các bài thi không chuyên tính hệ số 1, điểm các bài thi chuyên tính hệ số 2.

c) Thời gian làm bài thi:

– Các bài thi môn không chuyên: Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút; môn Tiếng Anh theo hình thức trắc nghiệm khách quan (học sinh làm bài vào Phiếu trả lời trắc nghiệm), thời gian là 60 phút;

– Các bài thi chuyên: Môn Hóa học và Tiếng Anh (theo hình thức tự luận và trắc nghiệm) là 120 phút; các môn khác là 150 phút.

d) Điểm xét tuyển:

– Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng điểm các bài thi không chuyên, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số);

– Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên là tổng số điểm các bài thi môn không chuyên và môn chuyên (điểm các bài thi đều tính hệ số 1).

e) Nguyên tắc xét tuyển: Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.

– Xét tuyển vào lớp chuyên: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên: có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.

– Xét tuyển vào lớp không chuyên: Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp không chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu các lớp không chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: có điểm thi môn chuyên tham gia tính điểm xét tuyển vào lớp không chuyên cao hơn; có điểm sơ tuyển cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm học lớp 9 cao hơn.

7. Ngày thi: 08, 09 tháng 6 năm 2015.

8. Tổ chức thực hiện

a) Sở GDĐT thành lập hội đồng ra đề và sao in đề thi, hội đồng chấm thi và phúc khảo;

b) Hiệu trưởng trường THPT chuyên lập kế hoạch tuyển sinh chi tiết trình Giám đốc Sở duyệt trước ngày 15/5/2015, công bố rộng rãi cho học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân toàn tỉnh biết.

c) Các trường THPT công lập: mỗi trường chọn cử 10 giáo viên đi coi thi; các môn Ngữ văn, Toán, mỗi trường, mỗi môn cử 2 giáo viên đi chấm thi; các môn Lịch sử, Ðịa lí, Tiếng Anh, Vật lí, Hoá học, Sinh học, mỗi trường, mỗi môn cử 01 giáo viên đi chấm thi (lựa chọn những giáo viên giỏi chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao); lập danh sách và nộp về Phòng KT&QLCLGD (đ/c Nguyễn Minh Tuân nhận) trước ngày 20/5/2015.

(Lưu ý: Học sinh đã trúng tuyển vào trường THPT chuyên, Sở sẽ loại khỏi danh sách dự thi vào các trường THPT để tránh tình trạng có nhiều thí sinh ảo, học sinh ảo ở các trường THPT).

C. TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC THI

1. Phương thức tuyển sinh:  Các trường THPT công lập áp dụng phương thức thi tuyển.

2. Đối tượng: Người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi quy định (sinh từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2000). Riêng các trường hợp ít hơn hoặc nhiều hơn 15 tuổi, thực hiện theo Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện hành.

3. Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích

3.1. Tuyển thẳng vào THPT các đối tượng:

a) Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú;

b) Học sinh là người dân tộc rất ít người;

c) Học sinh khuyết tật;

d) Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

3.2. Chế độ ưu tiên:

a) Cộng 3 điểm cho một trong các đối tượng:

– Con liệt sĩ;

– Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;

– Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”;

– Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

– Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

– Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

b) Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng sau:

– Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

– Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;

– Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;

– Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.

c) Cộng 1 điểm cho đối tượng sau:

– Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;

– Người dân tộc thiểu số;

– Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

3.3. Chế độ khuyến khích:

a) Đạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa:

– Giải nhất cấp tỉnh: Cộng 2,0 điểm;

– Giải nhì cấp tỉnh: Cộng 1,5 điểm;

– Giải ba cấp tỉnh: Cộng 1,0 điểm.

b) Đạt giải cá nhân hoặc đồng đội do ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học cơ sở trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi vẽ; thi viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi thí nghiệm thực hành một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn:

– Giải cá nhân:

+ Đạt giải quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc huy chương vàng: Cộng 2,0 điểm;

+ Đạt giải nhì cấp tỉnh hoặc huy chương bạc: Cộng 1,5 điểm;

+ Đạt giải ba cấp tỉnh hoặc huy chương đồng: Cộng 1,0 điểm.

– Giải đồng đội (hội thi giáo dục quốc phòng, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, điền kinh, tốp ca, song ca…):

+ Chỉ cộng điểm với giải quốc gia;

+ Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo qui định cụ thể của ban tổ chức từng giải.

c) Học sinh được cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp trung học cơ sở:

– Loại giỏi: Cộng 1,5 điểm;

– Loại khá: Cộng 1,0 điểm;

– Loại trung bình: Cộng 0,5 điểm.

d) Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân được quy định tại điểm b phần này.

e) Những học sinh đoạt nhiều giải khác nhau trong các cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.

4. Tổ chức công tác tuyển sinh

4.1. Môn thi:

a) Thi viết ba môn: Toán, Ngữ văn và môn thứ ba.

b) Môn thứ ba được chọn trong số những môn học còn lại, phù hợp cho các đối tượng tuyển sinh. Nếu là một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, học sinh làm bài vào Phiếu trả lời trắc nghiệm; nếu là một trong các môn Lịch sử, Địa lý sẽ thi theo hình thức tự luận. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chọn và công bố môn thi thứ ba sớm nhất 15 (mười lăm) ngày trước ngày kết thúc năm học căn cứ biên chế năm học của Bộ GDĐT.

4.2. Đề thi do Sở GDĐT ra và sao in đến từng thí sinh; đóng bì đề thi đến từng phòng thi. Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GDĐT ban hành, chủ yếu ở chương trình lớp 9. Môn Ngữ văn đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn.

4.3. Thời gian thi:

a) Môn Toán, Ngữ văn: 120 phút/môn thi.

b) Môn thứ ba: 60 phút.

4.4. Điểm bài thi, hệ số điểm bài thi:

a) Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.

b) Hệ số điểm bài thi:

– Hệ số 2: Môn Toán và Ngữ văn;

– Hệ số 1: Môn thứ ba.

4.5. Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 5 điểm.

4.6. Điểm thi tuyển là tổng điểm ba bài thi đã tính hệ số và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh trúng tuyển phải không có bài thi nào bị điểm 0.

5. Lịch thi

6. Chỉ tiêu tuyển sinh: Giữ nguyên như năm học 2014-2015.

7. Hồ sơ tuyển sinh, đăng ký dự thi và đăng ký tuyển thẳng

a) Hồ sơ tuyển sinh:

– Đơn xin dự thi và xét tuyển;

– Bản sao giấy khai sinh hợp lệ;

– Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tạm thời hoặc Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (đối với thí sinh tốt nghiệp THCS từ những năm học trước);

– Học bạ cấp trung học cơ sở;

– Giấy xác nhận (bản chính) được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có);

– Giấy xác nhận do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp (đối với người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở từ những năm học trước) không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật.

b) Ðăng ký dự thi:

Học sinh được chọn trường THPT trong phạm vi huyện, thành phố nơi cư trú để đăng ký dự thi và nộp hồ sơ dự thi. Các trường hợp đặc biệt khác, Hiệu trưởng lập danh sách báo cáo Giám đốc Sở duyệt.

c) Ðăng ký tuyển thẳng:

– Học sinh thuộc diện vào thẳng phải nộp đơn và Giấy chứng nhận được hưởng chế độ tuyển thẳng cho 1 trường THPT thuộc huyện, thành phố nơi cư trú (cùng với thời điểm trường thu hồ sơ tuyển sinh) để nhà trường lập danh sách trình Giám đốc Sở duyệt.

– Học sinh thuộc diện tuyển thẳng đã nộp hồ sơ tuyển thẳng không được nộp đơn dự thi ở bất kỳ trường THPT nào trong tỉnh (trừ Trường THPT Chuyên).

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *