Em sẽ xử lý ra sao nếu anh trai mình xem việc nhà là của nữ giới

ĐỀ 17: Hai anh em trong một gia đình nọ tranh cãi về vấn đề làm việc nhà giúp cha mẹ, người anh dõng dạc nói: “Anh là con trai, anh chỉ làm công to việc lớn. Mấy việc rửa bát, quét nhà là của con gái các em”. Nếu là người em gái trong tình huống này, em có suy nghĩ gì và sẽ xử lí ra sao?

Suy nghĩ về vấn đề bình đẳng giới và hướng xử lí

Bài làm

Chúng ta vẫn thường tin rằng thế kỉ 21 là kỉ nguyên văn minh khi những bất bình đẳng về giới đã được xóa nhòa. Nhưng có thực sự như vậy không khi không ít gia đình vẫn còn tồn tại những câu chuyện như trong một gia đình nọ, hai anh em tranh cãi về vấn đề làm việc nhà giúp cha mẹ, người anh dõng dạc nói: “Anh là con trai, anh chỉ làm công to việc lớn. Mấy việc rửa bát, quét nhà là của con gái các em”.

Nếu là người em, chũng ta có thể đùa lại một cách vui vẻ rằng, cách đây bốn – năm vạn năm, khi chế độ mẫu quyền còn tồn tại thì người nói câu đó sẽ là người phụ nữ. Hay nếu cách đây hơn một thế kỉ khi tư tưởng: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là chính thống thì người em gái sẽ làm hết mọi việc mà chẳng hề tranh cãi. Nhưng nhận thức về giới ngày nay đã có nhiều tiến bộ và ai cũng có thể chỉ ra rằng cách nghĩ và cách nói của người anh thực sự vô lí và bất công trong tình huống này. Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều tình huống của thực tế cuộc sống và là một biểu hiện cụ thể của bất bình đẳng giới.

“Công to việc lớn” là những sự việc trọng đại, có ảnh hưởng tới nhiều người. “Rửa bát quét nhà” là những công việc nhỏ nhặt hằng ngày nhưng có ý nghĩa quan trọng giúp mỗi gia đình có thể sinh hoạt bình thường. Mỗi loại công việc đều có ý nghĩa riêng dù có những hoàn cảnh, tình huống khác nhau và đều nhằm đem lại cuộc sống hạnh phúc, an lành cho con người. Không hiểu điều đó, câu nói của người anh đã phủ nhận hết mọi trách nhiệm của con trai đối với công việc nhà, đồng thời cũng đặt gánh nặng ấy lên vai con gái. Dù cho, con trai hay con gái đều là những thành viên ruột thịt và có vai trò quan trọng trong gia đình. Câu nói tuy nhỏ nhặt nhưng có nguồn gốc sâu xa là một vấn đề lớn, vấn đề bất bình đẳng giới.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bất bình đẳng giới là sự đối xử phân biệt, không công bằng giữa nam giới và nữ giới tạo nên các cơ hội khác nhau, sự tiếp cận các nguồn lực khác nhau, sự thụ hưởng khác nhau giữa nam và nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bất bình đẳng giới là vấn nạn từng dai dẳng trong nhiều thế kỉ và xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có nước ta. Ngày nay, dù bất bình đẳng giới đã được đẩy lùi một cách tích cực nhưng những dư âm của nó vẫn còn khiến ta phải suy ngẫm.

Tác hại của bất bình đằng giới hết sức nghiêm trọng mà ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp dồn lên người phụ nữ và sau đó là những tác động tiêu cực đến mái ấm gia đình và sự phát triển của xã hội. Dưới tác hại của bất bình đẳng giới, những người phụ nữ bị đối xử bất công, các quốc gia rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính, gia đình tiềm ẩn rủi ro và hệ lụy xã hội lâu dài. Ở nhiều nơi, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái diễn biến hết sức phức tạp. Những câu chuyện đau lòng ở các bản làng vùng biên giới khi mất đi người mẹ, người con gái vẫn đang diễn ra hàng ngày bởi nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái. Nhiều mái ấm gia đình tan tành trước cảnh bạo hành mà người mẹ, người vợ là nạn nhân. Trong nhiều cơ quan đoàn thể, người phụ nữ thường xếp sau nam giới trong thứ bậc. Hay nhận thức sai lầm ấy thể hiện một cách tự nhiên trong những câu nói hàng ngày mà người anh còn chưa đến tuổi trưởng thành ở trên là một ví dụ.

Phái nam và phái nữ có những khác biệt tự nhiên về thể chất, tình cảm, tâm lí… Nhưng họ đều có thể cống hiến cho xã hội và có quyền khẳng định năng lực của mình. Tuy vậy, có nhiều nguyên nhân khiến chân lí hiển nhiên ấy bị xâm phạm như tàn tích của tư tưởng trọng nam khinh nữ trong chế độ phong kiến, quan niệm con trai nối dõi tông đường, trình độ dân trí lạc hậu…

Để thực hiện bình đẳng giới trong mỗi gia đình, chúng ta cần tiến hành nhiều biện pháp ở nhiều cấp độ khác nhau. Tăng cường việc nâng cao nhận thức trong nhân dân, thể hiện bình đẳng giới trong luật pháp, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho những nạn nhân của bất bình đẳng giới có cơ hội phát triển.

Mỗi người phụ nữ từ khi là những cô bé nên có sự tự tin, tinh thần phấn đấu vươn lên, không ngừng trau dồi tri thức và đạo đức, rèn luyện bản lĩnh để từng bước khẳng định vai trò và vị thế của mình. Những người đàn ông từ khi còn là cậu bé nên chủ động san sẻ công việc nhà cùng mẹ, cùng chị, cùng em gái của mình. Và họ, khi còn là những thanh thiếu niên cần được giáo dục một cách đầy đủ, cơ bản và hệ thống về bình đẳng giới, bởi chính những thanh thiếu niên hôm nay là người thực hiện quyền bình đẳng giới trong mỗi gia đình và trong các hoạt động xã hội mai sau. Muốn thế, trong mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cần đối xử công bằng giữa con trai và con gái. Trong mỗi nhà trường, học sinh nữ và học sinh nam cần được giáo dục về bình đẳng giới. Trong xã hội, cần thực hiện bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… Bản thân các bạn học sinh, cần hiểu điều này để đối xử với nhau công bằng và lên tiếng khi thấy có hành động hoặc lời nói bất bình đẳng dù ở nhà, ở trường hay trong tình huống nào đó.

Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về Bình đẳng giới năm 1980 và Quốc hội nước ta thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006. Ngày càng nhiều phụ nữ được tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động xã hội. Chúng ta có thể tự hào vì nhiều tấm gương phụ nữ xuất sắc như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nữ doanh nhân quyền lực – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Vinamilk Mai Kiều Liên; các nhà khoa học nữ tài năng… Nhìn vào lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào vì những gì mà người phụ nữ Việt Nam đã làm được như nữ tướng Nguyễn Thị Định; nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai; nữ tình báo mưu trí Đinh Thị Vân, nữ anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu. Lùi xa vào lịch sử, chúng ta có Hai Bà Trưng trả nợ nước, báo thù nhà; Nguyên phi Ỷ Lan tài sắc vẹn toàn; Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân…

Dù là nam hay nữ đều có những thế mạnh và năng lực riêng của mình, hãy để họ được sống bình đẳng, hạnh phúc và khẳng định năng lực, đóng góp của bản thân cho cộng đồng, đất nước. Bên cạnh đó, có những công việc cần sự chung tay của cả hai phía để có được niềm vui và hiệu quả, vun vén gia đình là một công việc như thế. Ví như với tình huống trong đề bài, dù là anh trai hay em gái đều phải có trách nhiệm làm việc nhà để rèn tính tự lập, chăm sóc ngôi nhà của mình và giúp đỡ cha mẹ. Yêu thương và trân trọng lẫn nhau sẽ quyết định cách chúng ta ứng xử với nhau. Lựa chọn làm một người văn minh, tiến bộ hay một người cũ kĩ, lạc hậu trước những tình huống về giới cụ thể như trên, tùy thuộc vào suy nghĩ, hành động và cách xử lí của chính bạn.

Với bài văn trên, mong rằng sẽ không có hiện tượng phân biệt giữa nam và nữ, xã hội hiện đại, con người bình đẳng về mọi mặt.

Chúc các em thi tốt.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *