Nghị luận xã hội về về giá trị của đồng tiền

ĐỀ 22: SỐ KIẾP CỦA MỘT ĐỒNG TIỀN

Ông cho một tờ bạc năm trăm mới cứng. Chú bé lôi ra lôi vào, ngắm nghía nó hoài. Ít hôm sau chú đem tiền mua mấy viên bi. Cô bán hàng nhận được tờ bạc đẹp, tỉ mỉ ghép xếp nó với mấy tờ bạc mới tặng một người bạn cùng lớp. Một ngày anh chàng tặng niềm hi vọng nho nhỏ đó cho một người ăn mày tật nguyền. Người ăn mày nhập tờ bạc với những đồng tiền cũ bẩn khác. Đối với ông, điều quan trọng lúc đó là phải có đủ tiền để mua thuốc chữa cảm. Tờ bạc nằm trong tiệm thuốc tây dưới bàn tay sạch sẽ của anh dược sĩ trẻ vài ngày rồi được dùng trả tiền thừa cho một người phụ nữ trung niên. Người phụ nữ ra đường, bất ngờ bị giật giỏ. Tất cả tiền trong giỏ chỉ đủ cho tên cướp mua ma túy thỏa mãn một cơn vật vã.

Tờ bạc bắt đầu rách dần, rách vài lỗ nhỏ. Nó trải bao vui buồn, qua tay bao người: chị hàng cá, người quét rác…, có lần còn thấm cả máu của một người lượm ve chai do chị cào phải mảnh thủy tinh. Rồi tờ bạc đến tay chị bán chè. Chị dùng nó thối lại cho cô bé ăn quà xinh xắn. Khi về đến nhà, mẹ cô bé nhìn thấy tờ tiền đen đủi, cáu xỉn. Chị ta hét lên giận dữ, nói rằng tiền này đầy rẫy vi trùng. Chị giật lấy tờ bạc trên tay cô bé làm nó rách đôi rồi vứt xuống đường.

Gió thổi một nửa tờ bạc bay đến gốc cây, nửa kia bay xuống cống. Sáng hôm sau, có cụ già đi ngang, nhặt lấy nửa tờ tiền ướt đẫm sương, đem về nhà. Bà cho nó kết hôn với nửa tờ tiền khác bằng miếng băng keo trong. Khi cụ già đi lĩnh lương hưu, xe đạp bị xẹp bánh. Bà lấy tiền trả công cho anh chàng bơm xe. Anh chàng trông còn trẻ lắm, độ 15,16 tuổi là cùng.

Tối đó, đồng tiền với đủ mùi thơm, thối, hôi, tanh, chua, cay cùng bao nhiêu vi khuẩn bám trên mình còn thấm đẫm vị mặn của nước mắt cậu con trai mới lớn. Bây giờ tờ bạc cũ mèm đang nằm ngủ ngon lành trong tấm giấy học trò ghi nguệch ngoạc: “Giữ mãi! Đây là số tiền đầu tiên mình kiếm được.”

Câu chuyện trên gợi cho em những suy nghĩ gì về giá trị của đồng tiền. Hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ những suy nghĩ đó.

Nghị luận về giá trị của đồng tiền

Bài làm

Chẳng biết từ bao giờ người ta coi tiền như một điều kị húy. Nhắc đến tiền, nhiều người xem đó là biểu tượng của sự cám dỗ xấu xa và đối lập nó với tình cảm tốt đẹp. Nó thường bị gắn với thói xấu, những điều tiêu cực. Nhưng đồng tiền, tự nó không làm ra điều tốt, cũng không gây ra chuyện xấu. “Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật. Bạc xài lầm, bạc ác hơn ma”. Giá trị của đồng tiền không nằm trên con số in trên giấy mà ở cách con người kiếm ra và sử dụng nó, cũng như tờ bạc năm trăm trong câu chuyện “Số kiếp đồng tiền”.

Trong câu chuyện giàu ý nghĩa trên, tờ bạc năm trăm đã trải qua bao vui buồn, qua tay bao nhiêu người: người ông, người cháu, cô bán hàng, người bạn cùng lớp, người ăn mày tật nguyền, anh dược sĩ trẻ, người phụ nữ trung niên, tên nghiện giật túi, chị hàng cá, người quét rác… Từ tờ bạc mới cứng, đồng tiền ấy đã bị rách dần, có lần còn dính cả máu của một chị lượm ve chai do chị cào phải mảnh thủy tinh; tờ giấy bạc bị xé làm đôi, vứt xuống đường bởi sự cáu xỉn, đen đủi bị cho là nhiều vi khuẩn. Nó được cụ già nhặt về cho kết đôi với một nửa tờ tiền khác bằng băng keo và trả cho anh chàng bơm xe 15, 16 tuổi. Hai nửa đồng tiền với “đủ mùi thơm, thối, hôi, tanh, chua, cay cùng bao nhiêu vi khuẩn bám trên mình còn thấm đẫm vị mặn của nước mắt cậu con trai mới lớn” nằm ngon lành trong trang giấy với sự nâng niu, trân trọng cậu dành cho số tiền đầu tiên mình kiếm được trong đời. Như vậy, ý nghĩa của đồng tiền không ở giá trị tự thân của nó mà phụ thuộc vào cách mà con người kiếm ra và tiêu dùng nó, vì về bản chất, đồng tiền chân chính là mồ hôi nước mắt, sức lao động, là tình cảm, suy nghĩ của con người.

Cho dù còn mới cứng hay khi đã cũ rách, giá trị của đồng tiền không thay đổi trong suốt kiếp đời của nó. Nhưng đồng tiền ấy từng là hiện thân của tình yêu ông dành cho cháu, của tình cảm bạn bè chân thành, của lòng thương con người dành cho nhau, của những vất vả mưu sinh. Nó cũng từng là mục tiêu của cái ác trong vụ cướp giật, trong cơn đói thuốc. Đồng tiền ấy từng bị hắt hủi, bị xé làm đôi nhưng lại cũng được nâng niu, trân trọng như một kỉ vật lưu giữ mãi mãi.

Trong chuỗi giá trị con người từng tạo ra ở nó, chỉ những giá trị tốt đẹp mới đáng quý trọng và khi ấy, nó chính là đồng tiền chân chính. Nó là phát minh tốt đẹp, giúp kinh tế phát triển và đời sống trở nên thuận tiện. Đồng tiền, với chức năng là vật quy ước chung để thực hiện các giao dịch buôn bán, trao đổi hàng hóa đã có lịch sử lâu đời. Không chỉ thế, đồng tiền còn là kết tinh văn hóa của một quốc gia. Đồng Đô-la Mĩ in hình ảnh của các vị tổng thống như Washington, Jefferson hay Lincohn,… Đồng Yên Nhật in chân dung những nhân vật nổi tiếng như nhà vi trùng học Noguchi Hideyo, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi hay nhà văn Higuchi Ichiyo… Đồng tiền Việt Nam lại in hình những địa điểm sản xuất, những danh thắng quê hương: nhà máy dệt Nam Đinh, bến cảng Hải Phòng, mỏ dầu Bạch Hổ, tháp chùa Phổ Minh, chùa Cầu Hội An, hòn Trống Mái, làng Sen quê Bác; chân dung Bác Hồ… Đồng tiền là sự kết tinh của quá trình phát triển lao động, sản xuất và là sự thể hiện, truyền bá văn hóa của mỗi quốc gia. Với những giá trị ấy, đồng tiền có tác động không nhỏ đến đời sống con người. Nó có thể là một “người đầy tớ tốt” giúp đỡ, phục vụ cho cuộc sống của chúng ta nhưng cũng có khi trở thành một “ông chủ tồi” với khả năng chi phối, điều khiển hành vi của những người tham lam, coi đồng tiền hơn tất cả mọi thứ. Chỉ có những đồng tiền chân chính mới có thể là người bạn tốt trong cuộc sống của chúng ta.

Đồng tiền chân chính là đồng tiền được kiếm ra bằng sức lao động, sự sáng tạo, ý thức nghiêm túc và tinh thần vươn lên của con người. Nó không chỉ được kiếm ra một cách đáng quý mà còn được tiêu dùng một cách đáng trọng. Điểm nhấn trong câu chuyện trên là điểm dừng cuối cùng của đồng tiền khi nó nằm ngủ ngon lành trong tờ giấy học trò của cậu thanh niên cùng giọt nước mắt trưởng thành khi con người đã hiểu giá trị của sự lao động. Dòng chữ “Giữ mãi! Đây là số tiền đầu tiên mình kiếm được” là một lời tự nhắc nhở về niềm hạnh phúc của quá trình lao động thiện lương. Chúng ta tràn đầy hi vọng vào nhân cách và tương lai của cậu thanh niên sớm tự lập và sớm nhận thức được giá trị của đồng tiền chân chính.

Đồng tiền, vốn tự thân không xấu, chỉ lòng tham, sự bất chấp thủ đoạn của con người mới là cái xấu. Khi con người đặt tiền là mục tiêu sống, làm tất cả mọi việc để có được đồng tiền dù là việc phi nghĩa, bất chính, tự biến mình thành nô lệ thì cùng lúc cũng biến đồng tiền thành “ông chủ xấu”. Cùng với lòng tham, con người có thể vì đồng tiền mà mất đi tình cảm, lí trí:

Anh em hiền thậm là hiền

Vì một đồng tiền mà mất anh em.

Cũng vì lòng tham, nhiều người vì tiền mà duy trì những quan hệ giả dối:

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.

(Thói đời – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Thật đúng như O.W.Homel từng nói: “Đồng tiền là phương tiện của người thông minh, là mục đích của kẻ ngu dốt”.

Số kiếp của đồng tiền quả thực là một câu chuyện ý nghĩa, khi đề cao ý thức trân trọng của cải của học sinh, nhấn mạnh quy luật người ta sẽ quý trọng những gì mình vất vả làm ra. Ngay khi còn là học sinh, các bạn nhỏ ở nhiều nước đã được học cách kiếm tiền từ đồ cũ, các dự án nhỏ xinh do các bạn tự thực hiện… và được dạy cách tiêu tiền thông minh, ý nghĩa… Đó sẽ là những bài học trải nghiệm quý báu trên con đường lập nghiệp sau này của mỗi người. Khi là học sinh, chúng ta chưa thực sự tham gia vào quá trình lao động sản xuất nhưng vẫn có thể kiếm ra tiền bằng cách phấn đấu học tập, giành những học bổng giá trị, dành thời gian rảnh rỗi cho các công việc làm thêm, các sản phẩm từ rác thải, phế liệu hay đơn giản hơn là tiêu dùng tiết kiệm, hợp lí, tránh lãng phí… Quan trọng hơn, chúng ta phải biết trân trọng những đồng tiền vốn là mồ hôi nước mắt của cha mẹ.

Với những người lương thiện, kiếm tiền bằng con đường lao động chân chính, bằng sự sáng tạo và năng lực của bản thân giúp họ tự lập trong đời và có thể giúp đỡ được những người xung quanh. Người hiểu giá trị đồng tiền sẽ không bao giờ chê bai nó và càng không bao giờ coi nó là mục đích sống. Có lẽ bản thân đồng tiền cũng mong muốn được ở đúng vị trí của nó trong cuộc đời để sống những cuộc đời ý nghĩa của mình.

Qua bài văn mẫu: “Nghị luận về giá trị của đồng tiền” ở trên, các em tham khảo và có một kỳ thi thật tốt nhé.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *