Suy nghĩ về ý kiến kết quả của cuộc điều tra tỉ lệ nói dối ở cha mẹ và học sinh

ĐỀ 24: GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm văn hóa học lí luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) công bố kết quả của một cuộc điều tra xã hội học cho thấy: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%”. Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về cảnh báo trên.

Suy nghĩ tỉ lệ nói dối ở giới trẻ ngày càng tăng theo các cấp độ cấp 1, cấp 2, cấp 3 và sinh viên

Bài làm

Ngày nay, nhiều người còn kể cho nhau nghe một câu chuyện đã xảy ra cách đây từ rất lâu. Một ngày nọ, Sự Thật và Giả Dối cùng tắm chung trên một dòng sông. Giả Dối tắm xong trước và khoác bộ áo của Sự Thật còn Sự Thật nhất định không chịu mặc quần áo của Giả Dối. Con người đã yêu những lời nói dối với bộ mặt tử tế, ngọt ngào của Sự Thật mà không ưa gì những sự thật trần trụi và đắng cay. Câu chuyện ngụ ngôn ấy một lần nữa khiến ta phải suy ngẫm khi đứng trước những số liệu đáng giật mình, GS.TSKH

Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm văn hóa học lí luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) đã công bố kết quả của một cuộc điều tra xã hội học cho thấy: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%”.

Dòng thông tin ngắn ngủi trên cho thấy, việc nói dối tăng tỉ lệ thuận theo độ tuổi. Tại sao càng trưởng thành hơn, người ta lại càng lựa chọn nói dối trong cuộc sống của mình? Nói dối là nói không đúng sự thật nhằm thực hiện một mục đích nào đó thường là có lợi cho người nói. Nói dối là một hiện tượng tiêu cực, một thói quen xấu với nhiều biểu hiện phong phú đa dạng.

Ngày còn nhỏ, đó là những lời nói dối ngô nghê giúp ta thoát khỏi bao trận đòn. Đó là lần mẹ hỏi ai làm vỡ lọ hoa, ta thỏ thẻ là con mèo. Đó là khi cậu bé đùa nghịch, trêu chọc bạn khác khi đang xếp hàng trong giờ thể dục sáng bị cô nhắc nhở, cậu bé nhăn mặt, ôm bụng nói bụng con đau. Lời nói dối ấy không gây nhiều tác hại, thậm chí còn mang đậm sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ nhưng nhờ nó, cậu bé thoát khỏi việc phải xin lỗi bạn hay úp mặt vào tường thì dần dần sẽ hình thành thói quen nói dối để thoát khỏi trách nhiệm. Lớn thêm chút nữa, khi bước chân vào trường tiểu học, khi việc học đã thay vị trí cho hoạt động vui chơi, trở thành hoạt động chủ đạo, những lần nói dối để che giấu điểm kém trong bài kiểm tra, để cha mẹ không biết về những nội quy em đã vi phạm. Nói dối để trong mắt cha mẹ, em luôn là người giỏi giang nhất, luôn đạt điểm cao trong các kì thi, hay được cô khen mỗi ngày đi học. Thói quen nói dối cứ thế hình thành, khi lên cấp 2, cấp 3, nói dối để lấy tiền nộp học đi chơi điện tử, mỗi buổi học nhóm nhà bạn này bạn kia là buổi tụ tập, xúng xính váy áo đi chơi. Nói dối không chỉ biểu hiện trong từng lời nói mà còn trên những con chữ, phép tính trong bài kiểm tra gian lận. Bước chân vào cánh cổng đại học, khi sự phát triển của cơ thể và trí tuệ đã hoàn thiện hơn, những lời nói dối lại càng chặt chẽ và tinh vi khó dò. Nó hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta như một hiện tượng không thể loại bỏ. Không chỉ một cá nhân nói dối, ta đau xót khi thấy cả tập thể cùng nhau lấp liếm sự thật. Câu chuyện tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên – Hà Nội xảy ra hồi cuối năm 2016 là tiếng chuông báo động nguy cấp nhất. Lời nói dối không chỉ thể hiện trong sự khẳng định chắc chắn của cô hiệu trưởng, rằng không có chiếc taxi nào vào trường và em bé tự ngã do đùa nghịch. Lời nói dối còn có căn cứ vững chắc của những phiếu điều tra học sinh và giáo viên trong trường cùng khẳng định điều đó. Và nói dối không chỉ thể hiện ra từ những lời giả trá, nó ở ngay trong sự im lặng của mọi người trước sự thật. Như Henri Frederic Amiel đã từng nói: “Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại mà còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng”.

Với những biểu hiện như thế, nói dối để lại những hệ lụy, hậu quả rất nghiêm trọng. Đối với bản thân mỗi người, lời nói dối sẽ triệt tiêu phẩm chất trung thực quý báu của con người, khiến con người trở nên hèn nhát, thay vì dũng cảm chịu trách nhiệm về một hành vi của bản thân lại tìm mọi cách để nói dối, để bao biện. Khi nói dối, mũi chúng ta không dài ra như Piochino, nhưng rõ ràng sự nghi ngờ, dè chừng mọi người dành cho ta sẽ lớn dần.

Sau khi lời nói dối bị phát hiện, bản thân sẽ đánh mất niềm tin ở những người xung quanh. Giống như chú bé chăn cừu, người nói dối sẽ bị xa lánh và coi thường ngay cả khi đang nói thật. Không ai muốn giúp đỡ, kết thân với một người mà mọi lời nói đều phải đề phòng, đều phải tìm cách xác thực. Nói dối khiến con người trở nên lạc lõng, tự cô lập mình với mọi người. Hơn nữa, nói dối có khả năng trở thành thói quen không thể từ bỏ, một căn bệnh nan y. Không chỉ với bản thân mỗi người, nói dối gây tác hại nghiệm trọng đến cộng đồng. Thử tưởng tượng một xã hội sẽ ra sao nếu con người đối mặt với nhau bằng sự dối trá, rồi đây, những em nhỏ sẽ học được gì khi thấy trong gia đình anh chị nói dối bạn bè, nói dối cha mẹ, thầy cô, hay khi chứng kiến bố mẹ nói dối nhau, nói dối đồng nghiệp. Quay trở lại với vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, ta thấy rất rõ điều này. Những mầm non ấy sẽ học được gì sau vụ việc, đặc biệt là bản thân cậu bé bị gãy xương đùi. Vết thương có thể sẽ lành nhưng niềm tin sẽ rất khó để gây dựng lại. Từ lời nói dối của cô hiệu trưởng, cậu bé đã phải chịu bao nhiêu nghi hoặc về việc mình tự ngã, các bạn, đặc biệt những bạn có mặt trên sân trường lúc ấy, trực tiếp dìu bạn sẽ nhìn nhận thế giới của người lớn như thế nào, sẽ tiếp tục học tập, tu dưỡng đạo đức ra sao. Lời nói dối của một người có cương vị càng cao thì phạm vi và mức độ nguy hại càng lớn. Dù phải mất tới hai tháng với sự can thiệp của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành, báo chí và dư luận mới có thể để sự thật chiến thắng lời nói dối hiển nhiên. Nói dối gây hậu quả nghiêm trọng và tàn phá những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Với những hậu quả nghiêm trọng ấy, phía sau lời nói dối là vô vàn những nguyên nhân. Đó là tâm lí lo sĩ diện, lo sợ bị trách phạt, lo sợ chịu trách nhiệm. Do muốn được người khác công nhận, ngợi khen nên có những lời nói dối khoe mẽ. Trong ngữ giới của nhà Phật có quy tắc “không vọng ngữ”, tức là không nói dối, không nói láo. Chính cách gọi vọng ngữ đã thể hiện nguyên nhân dẫn đến sự giả trá. Nhiều người vì tham lam mà nói dối, vọng không chỉ là nói sai sự thật mà còn là hướng về hư danh, vinh hoa, chức quyền, địa vị, từ đó dễ sinh lời nói dối. Ngoài ra, tâm không kiên định, không hướng đến giá trị cốt lõi là sự thành thực lại dễ sa ngã, dễ bị bóng đêm của những lời nói dối bao trùm.

Nói dối là căn bệnh không có thuốc đặc trị nhưng có biện pháp phòng tránh. Biện pháp ấy có thể bắt đầu từ nhà trường và gia đình, chiếc nôi nâng đỡ, hình thành và phát triển nhân cách con người. Đó là những hành vi, bài học ứng xử đẹp về trung thực để mỗi người biết trân trọng sự thật, yêu quý và ca ngợi lòng trung thực, lên án, bài trừ thói dối trá. Bản thân mỗi cá nhân cũng cần rèn luyện, tu dưỡng bản thân, nhìn nhận đúng vấn đề, những lợi ích đạt được nhờ nói dối không phải thành tựu bền vững và cũng không được trân trọng, cũng như nhận thức tác hại của nói dối để tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Đồng thời, nên suy xét thật kĩ, nhìn nhận thấu đáo khi đứng trước một thông tin để xác nhận được thật giả, đúng sai để không bị lời nói dối đưa đường. Đó cũng là cách chúng ta tiếp nhận thông tin từ những người xung quanh, từ mạng xã hội, từ người lạ…

Trong cuộc sống với nhiều sự kiện không ngờ, cũng có tình huống, cảnh ngộ cụ thể buộc lòng chúng ta phải nói dối. Trước một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, vị bác sĩ phải nói dối để lưu giữ nguồn hi vọng sống của người bệnh. Khi nói chuyện với trẻ nhỏ, để nuôi dưỡng những ước mơ tốt đẹp, để gìn giữ những điều kì diệu của thế giới tuổi thơ, lời nói dối về ông Bụt, bà Tiên và những phép màu có thực là lời nói dối ngộ nghĩnh nhằm phát triển trí tưởng tượng của trẻ. Khi hai người bạn đang cãi nhau nảy lửa, lời nói thật mà làm tình hình căng thẳng cần được lựa chọn thời điểm phù hợp để nói ra.

Nhưng như vậy không có nghĩa là nên lạm dụng nói dối. Bởi cuộc sống, không ai muốn nghe những lời nói dối, ngay cả trong thiện ý. Nếu buộc phải nói dối, nên lựa chọn thời điểm và cơ hội để nói lại sự thật trước khi người đó tự phát hiện ra.

“Lòng tin giống như một tờ giấy, nếu đã bị vò nát một lần sẽ không bao giờ trở lại hoàn hảo như lúc đầu”. Để giữ cho tờ giấy ấy luôn được phẳng phiu, chẳng cách nào hơn mỗi chúng ta hãy cùng nhau bồi đắp lòng tin, trân trọng sự thực và nêu cao lòng thành thực để những lời nói dối không còn hiện hữu.

Mong rằng với bài văn mẫu ở trên, các em tham khảo và có một bài kiểm tra và kỳ thi thật tốt nhé.

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *