Đề bài: Phân tích và nêu cảm nhận của em về bài:” Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” của Phạm Văn Đồng.
Bài mẫu: Nghị luận văn học:Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc là bài viết của Phạm Văn Đồng đăng trên Tạp chí Văn học số 7-1963 nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3-7-1988). Phạm Văn Đồng không chỉ là nhà cách mạng lớn của dân tộc ta mà còn là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luật băn hóa, văn nghệ lớn. Có thể coi bài nghị luận này của ông là một chân dung văn học rất đặc sắc viết về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ XIX.
Bằng sự từng trải cách mạng, sự gắn bó sâu sắc với đất nước, với nhân dân và cách nghĩ sâu rộng của một nhà văn nghệ lớn, tác giả đã nhìn nhận cuộc đời và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong mối liên hệ khăng khít với hoàn cảnh của Tổ quốc lúc bấy giờ và với thời đại hiện nay,từ đó phát hiện ra những điều mới mẻ về nhà thơ yêu nước lớn ở miền Nam, giúp ta càng thêm yêu quý con người và tác phẩm của ông.
Mở đầu bài văn, Phạm Văn Đồng lấy hình ảnh “ngôi sao” để ca ngợi tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu-nhà thơ lớn của nước ta. “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”. Lúc này-là lúc mà đế quốc Mĩ đang ồ ạt đổ quân vào miền Nam, quân và dân ta đang đấu tranh quyết liệt với quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước. Tác giả khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao mà “càng nhìn thì càng thấy sáng”. Tại sao vậy?
Phạm Văn Đồng đã chỉ ra sự phiến diện, của độc giả ở chỗ ” chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược. Tác phẩm của Đồ Chiểu “ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại”.
Hơn nữa, cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là cuộc đời của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì nghĩa lớn. Mặc dù bị mù cả hai mắt, không trực tiếp cầm súngông đã cầm bút và coi văn chương là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù xâm lược và tay sai, vạch trần âm mưu, thủ đoạn và lên án những kẻ lợi dụng văn chương làm điều phi nghĩa. Phạm Văn Đồng đã nhắc lại hai câu thơ:
Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
Lòng đạo xin tròn một tấm gương
Để ca ngợi khí tiết nhà thơ của đất Đồng Nai vô cùng “cao cả, rạng rỡ”. Một cuộc sống đẹp, đầy nghị lực, dù gặp nhiều khó khăn và bất hạnh nhưng vẫn đứng thẳng, ngẩng cao đầu mà sống, không phải vì mình mà vì dân vì nước , theo lí tưởng “Kiến nghĩa vất vi vô dõng dã!”, tỏ thái độ bất khuất, bất hợp tác quyết liệt trước sự mua chuộc của thực dân Pháp. Cùng với cuộc sống đẹp đó là một quan niệm sáng tác đúng đắn và tiến bộ: ” Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm- Đâm mấy thằng gian bút chẳng rà!”. Đó là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng. Đối với Nguyễn Đình Chiểu cầm bút, viết văn là một thiên chức. Và ông đã làm đúng thiên chức đó.
Có thể nói, Phạm Văn Đồng đã dùng những lời tốt đẹp nhất, những hình ảnh cao quý nhất để ca ngợi, khẳng định nhân cách, tầm vóc và giá trị của con người và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong xã hội và trong nền văn nghệ của nước ta.
Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu-tấm guwong phản chiếu phong trào chống Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã tái hiện một thời đau thương, khổ nhục mà vĩ đại của đất nước. Đồ Chiểu đã bám sát đời sống lịch sử đấu tranh của nhân dân, của con người Nam Bộ. Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với đất nước, than khóc cho những người đã trọn nghĩa với dân.
Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ có sức nặng đấu tranh mà còn đẹp ở hình thức, có những đóa hoa, hòn ngọc rất đẹp…Văn chương Nguyễn Đình Chiểu tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại, có sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân.
Phạm Văn Đồng nhấn mạnh đến truyện ” Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam”. Đó là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa,những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa”. Bằng cách nhìn và sự phân tích sắc sảo. Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận và đánh giá lại những giá trị nhân văn sâu sắc của truyện Phạm Văn Đồng cũng không phủ nhận những hạn chế của tác phẩm “giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại của chúng ta, theo quan điểm chúng ta thì có phần đã lỗi thời”, hay văn chương của Lục Vân Tiên” có những chỗ lời văn không hay lắm”.
Phạm Văn Đồng đã sử dụng cách lập luận đòn bẩy, bắt đầu lập luận là một sự hạ xuống, nhưng đó là sự hạ xuống để nâng lên, xem xét Lục Vân Tiên trong mối hệ mật thiết với đời sống của nhân dân. Ở đây, tác giả nói về thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu trước, sau đó mới nói lên truyện Nôm Lục Vân Tiên. Cho đến nay,vẫn còn nhiều chưa hiểu hết giá trị của văn chương Nguyễn Đình Chiểu, trong đó không ít người, còn nhìn nhận phiến diện về thơ văn ông, thậm chí còn “chê” văn thơ về thơ văn ông, thậm chí còn “chê” văn thơ ông là thô ráp, nôm na…Hãy sáng tỏ hơn nữa trong thời đại ngày nay để khôi phục lại giá trị đích thực của nhà thơ yêu nước lớn miền Nam từng có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng trong nhân dân ta, không chỉ thời bấy giờ mà ngay cả trong cuộc sống hiện nay.
Với bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Phạm Văn Đồng đã thể hiện một văn phong uyển chuyển, tinh tế và phong phú, lí lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, bình luận gắn kết với chứng minh, mà trích dẫn nào cũng chọn lọc, sáng tỏ, đầy sức thuyết phục. Tác giả đã dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi nhà thơ của đất Đồng Nai với lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc. Qua đó, Phạm Văn Đồng khẳng định sự nghiệp thơ văn của ông là một minh chứng hùng hồn cho địa vị và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời, là bài học cho thế hệ thanh niên hôm qua và chúng ta hôm nay.
Với “Nghị luận văn học: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” chúc các bạn học tốt!