ĐỀ 5: Hachiko vốn là chú chó nổi tiếng nhất xứ Phù Tang, mang trong mình kí ức buồn thảm nhất. Huyền thoại bốn chân này ra đời vào tháng 11/1923, thuộc giống Akita thuần Nhật cổ. Mới được 2 tháng tuổi, Hachi (tên gốc) đã bị nhét vào thùng gỗ và gửi tàu hỏa về miền Nam. Đón chú ở ga tàu là ông chủ mới Hidesaburo Ueno, Giáo sư tại Đại học Tokyo. Là người sống độc thân, giáo sư Ueno dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để chăm sóc, dạy dỗ và chuyện trò với Hachi. (…) Thân thiết như hình với bóng, mỗi sáng đôi bạn lại cùng nhau tản bộ trên con đường ra ga Shibuya gần nhà. Hachi thường đợi cho bóng ông Ueno đi khuất rồi mới về. Cứ đúng 3 giờ chiều khi tàu vào bến, chú đã có mặt ở cửa ga để đón ông cho dù mưa rơi hay tuyết phủ.
Những ngày hạnh phúc cứ êm đềm trôi cho đến ngày 21/5/1925 định mệnh. Tai họa ập đến, Giáo sư Ueno bất ngờ đột quỵ do xuất huyết não khi đang giảng bài. Ông không qua khỏi và mãi mãi không bao giờ trở về nữa, bỏ lại Hachi ngày ngày đến ga chờ đợi trong suốt 9 năm, 9 tháng và 15 ngày sau đó.(…) Cuối cùng, sau 10 năm ròng rã, phép màu của đợi chờ cũng đến khi Hachiko có cơ hội đoàn tụ với người chủ yêu thương. Ngày 8/3/1935, Hachiko trút hơi thở cuối cùng trong một buổi tối tuyết rơi trắng xóa tại một con phố ở Shibuya.
Hachiko sau đó đã được dựng tượng tại nhà ga Shibuya, được tạo hình trên những bức tường và đi vào điện ảnh. Câu chuyện về Hachiko khiến tất cả những ai biết đến phải xúc động.
Theo em, điều gì trong câu chuyện về chú chó Hachiko đã khiến mọi người xúc động? Em hãy viết bài văn bày tỏ suy nghĩ của bản thân về điều đó?
Suy nghĩ của bản thân về lòng trung thành qua câu chuyện Hachiko
Bài văn mẫu
Câu chuyện về loài chó và sự gắn bó của chúng với con người không còn xa lạ với chúng ta. Ta đã xúc động trước chú chó tình nghĩa nhiều ngày phục bên mộ chủ Lao Pan – người đàn ông Trung Quốc độc thân. Hay Hawkye, chú chó quân đội gắn bó thân thiết với người chủ kiêm huấn luyện viên-Jon Tomlinson. Cả thế giới biết đến chú khi bức ảnh Hawkye gục xuống bên quan tài Tomlinson trong ngày anh mất. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Hachiko, câu chuyện về chú chó Nhật Bản đã khiến bao người
cảm động. Hachiko được dựng tượng tại nhà ga Shibuya, được tạo hình trên những bức tường và đi cả vào điện ảnh. Câu chuyện về mỗi chú chó dù có những cái tên khác nhau, chủ nhân khác nhau hay đến từ những quốc gia khác nhau cũng đều mang đến cho chúng ta bài học thấm thía về tình yêu thương và lòng trung thành.
Câu chuyện cảm động của Hachiko ngay lập tức lay động sâu sắc tới tâm can tất cả những ai biết đến. Hachiko đem đến cho chúng ta một tấm gương đẹp đẽ về tình yêu thương, sự gắn bó với con người và đặc biệt, đó là bài học về sự trung thành. Chú chó Hachiko là người bạn thân thiết của Giáo sư Ueno. Chú đưa chủ nhân đi làm vào mỗi sáng và đón ông tại nhà ga Shibuya mỗi chiều. Sự gắn bó cùng tình yêu thương của Hachiko khiến cuộc sống của Giáo sư Ueno thật ấm áp. Mỗi sớm bước chân đi làm hay tối đến khi trở về, Hachiko lại có mặt ở nhà ga để đó ông trở về. Sau đó, khi chủ nhân qua đời, Hachiko vẫn đều đặn đến nhà ga đón chủ trong suốt chín năm trời. Tất cả những ai đến nhà ga hay nghe đến câu chuyện này đều bị lay động sâu sắc trước tình yêu thương và lòng trung thành tuyệt đối của Hachiko. Đó cũng là những bài học sâu sắc khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Trước hết, trung thành là một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn tình cảm và những điều đã cam kết với người khác. Trung thành là một phẩm chất đẹp đẽ, cần thiết và cần có của con người ở mọi thời đại. Sở dĩ con người cần có lòng trung thành bởi lẽ cuộc sống là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Con người giao tiếp với con người cần có sự tin tưởng, thấu hiểu, đồng cảm mới có thể gắn bó lâu dài và hạnh phúc. Lòng trung thành giúp công việc suôn sẻ, mang lại lợi ích tốt đẹp và khiến cuộc sống của chúng ta đẹp đẽ hơn. Trung thành khiến mọi người giữ gìn tình cảm tốt đẹp, gạt bỏ những nghi ngờ, xóa đi thù hận, kết nối yêu thương. Lòng trung thành là một trong những nhân tố làm nên nền tảng tư tưởng đạo đức cho toàn xã hội. Trong cuộc sống, con người luôn phải đối diện với khó khăn thử thách, chính thời khắc gian nan ấy chúng ta cần sự trung thành của những người bạn, người thân để vượt qua tất cả. Đặc biệt, lòng trung thành là một trong những tiêu chí quan trọng giúp con người tự khẳng định mình trong xã hội trước những người xung quanh.
Lòng trung thành có biểu hiện vô cùng phong phú trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là việc một lòng một dạ theo đuổi một điều tốt đẹp, tin tưởng một người nào đó. Từ xa xưa, tiền nhân đã hết sức coi trọng phẩm chất này. Trong áng văn cổ “Dụ chư tì tướng hịch văn” của Trần Quốc Tuấn, ta bắt gặp nhiều tấm gương trung thành với chủ tướng:“Kỉ Tín chết thay cho Hán Cao đế, Do Vu che giáo cho Chiêu Vương”. Đến thế kỉ XX, đất nước ta có biết bao tấm gương anh hùng trung thành với Tổ quốc một lòng một dạ phụng sự đất nước như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Phong hay ngay cả những người trẻ tuổi cũng nêu cao tinh thần ấy như Võ Thị Sáu, Kim Đồng… Đó là tấm gương những chiến sĩ dù bị quân địch đày đọa vẫn cương quyết một lòng với cách mạng và Tổ quốc. Võ Thị Sáu tuổi đời còn trẻ nhưng khi bị bắt chị vẫn hiên ngang với tuyên ngôn “Đả đảo bọn thực dân Pháp, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Những chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở nhà tù Phú Quốc bị tra tấn cực hình như đóng đinh vào tay, chân, đầu, đốt dây kẽm, ném vào chảo nước sôi… Không gục ngã trước đòn tra tấn ấy, các tù binh cộng sản bền gan vững chí giữ vững sự trung thành với nhân dân, với đất nước. Đáng kính và đáng khâm phục biết bao những con người một lòng một dạ kiên trung với quê hương, Tổ quốc, nhân dân.
Trong cuộc sống hiện đại, lòng trung thành có thể bộc lộ ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đó là tấm gương của cầu thủ bóng đá trung thành với đội tuyển của mình. Paolo Madilin tiếp bước người cha, kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong sân chơi chuyên nghiệp cho đến nay vẫn luôn trung thành với sắc áo sọc đỏ đen cho đến khi anh quyết định treo giày sau hai mươi lăm năm cống hiến. Hay tấm gương Javier Zanetti vẫn giữ mối tình với Inter, bất chấp bao biến động, mười lăm đời huấn luyện viên và cả trăm cầu thủ đến rồi đi, cầu thủ này vẫn trung thành với đội bóng của mình. Trong lĩnh vực kinh doanh, trung thành thể hiện trong việc giữ chữ tín với khách hàng, với đồng nghiệp và với chính mình. Chính điều đó lại trở thành động lực giúp con thuyền doanh nghiệp của họ vươn xa. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị và chính đất nước, dân tộc cũng cần có lòng trung thành với lí tưởng và con đường của chính mình. Trung thành với lí tưởng, mục tiêu và theo đuổi những giá trị cao cả sẽ giúp chúng ta có được hạnh phúc và thành công. Với các bạn học sinh, trung thành đơn giản là giữ lời hứa với bạn bè, thầy cô, luôn sát cánh với những người thân yêu khi họ gặp khó khăn, thử thách. Trung thành là trân trọng tình bạn, không nói xấu hay chê bai sau lưng người khác. Tình bạn chỉ lâu bền khi có niềm tin và sự trung thành dành cho nhau mà thôi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có lòng trung thành. Đôi khi vì chạy theo vật chất mà con người ta đánh mất lòng trung thành quý giá của mình. Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi đã nhàu nát thì không thể phẳng phiu trở lại. Thomas Paine từng nói: “Sự trung thành với chính mình cần thiết cho hạnh phúc mỗi người. Thiếu trung thành không nằm ở việc tin hay không tin mà nằm ở việc tự cho là mình tin điều mình không tin”. Khi mất lòng tin là lúc sự phản bội nảy nở, sự thù địch xâm chiếm. Chẳng ai trong chúng ta muốn những điều như thế xảy đến với mình.
Bên cạnh những tấm gương yêu nước trung thành với Tổ quốc, nhiều người Việt cũng bán nước theo Mĩ, Pháp trong chiến tranh. Đó là những câu chuyện đau lòng và đáng hổ thẹn. Hay trong đội tuyển bóng đá, nhiều cầu thủ bán độ và phản bội đội bóng cùng quốc gia. Người không có lòng trung thành thường đứng núi này trông núi nọ. Đó vẫn mãi là những câu chuyện nhức nhối của xã hội. Chỉ khi ta trung thành với những lí tưởng tốt đẹp trong chính mình ta mới có thể trung thành với mọi người.
Muốn có được phẩm chất trung thành, chúng ta cần có lí trí và sự cương quyết đúng lúc, đúng chỗ. Trung thành phải đi liền với hành động thiết thực, nói đi đôi với làm. Trung thành phải đúng lúc để tránh trở thành sự xu nịnh tiếp tay cho cái sai. Trung thành không có nghĩa là tin tưởng và đi theo một cách mù quáng, cổ súy sai lầm của người khác, chúng ta phải có thái độ thẳng thắn để giúp đỡ nhau hoàn thiện hơn. Trung thành là nói đi đôi với làm, không có sự trung thành trong lời nói nhưng lại đi đôi với hành động phản bội.
Trung thành là phẩm chất quý giá và là hành trang cần thiết cho thế hệ trẻ trong cuộc sống mới. Mỗi người cần tự rèn luyện cho mình phẩm chất ấy để có được niềm tin của mọi người và giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.