ĐỀ: Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau:
Dù gái hay trai, dù sinh ra trong nghèo khó hay sang giàu, đến trường luôn là hạnh phúc của trẻ em. Hãy tạo điều kiện cho trẻ có được niềm vui chính đáng ấy mà không phải đánh đổi bằng nước mắt, nỗi đau hay bằng mạng sống của mình.
Bài làm trình bày suy nghĩ về việc tạo điều kiện cho con trẻ đến trường:
Cuộc sống luôn tồn tại những đối cực như một quy luật nghiệt ngã. Có hạnh phúc cũng có khổ đau, có niềm vui sẽ có cả những nỗi buồn, và nụ cười luôn kèm theo cả những giọt nước mắt. Có những số phận may mắn ngày ngày đi học được ba mẹ đưa đến trường trên những chiếc xe sang trọng, nhưng cũng có những con người bất hạnh, đường đến trường rất khó khăn giống như những gì bức ảnh ở trên đã thể hiện. Nhưng với trẻ em, những búp măng trên cành, quyền được đến trường trên một con đường an toàn là điều cần thiết chứ không dựa vào sự may mắn của số phận bởi: “Dù gái hay trai, dù sinh ra trong nghèo khó hay sang giàu, đến trường luôn là hạnh phúc của trẻ em. Hãy tạo điều kiện cho trẻ có được niềm vui chính đáng ấy mà không phải đánh đổi bằng nước mắt, nỗi đau hay bằng mạng sống của mình”.
Bức ảnh trên tái hiện con đường đi học hàng ngày của các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, không có cây cầu bắc qua dòng sông chảy xiết. Đường đến trường với các em chưa bao giờ dễ dàng. Khi có em phải đu dây, một số em lại phải bơi qua sông. Nhìn bức ảnh mà chúng ta không khỏi xót xa, khi mà đường đến trường của các em không chỉ có đường bộ, đường thủy mà còn cả đường dây.
Những em nhỏ trong bức ảnh trên và còn biết bao em nhỏ chúng ta không nhìn thấy, để có được niềm vui chính đáng là đến trường, các em “phải đánh đổi bằng nước mắt, nỗi đau hay bằng mạng sống của mình”.
Đến trường lớp để học tập không chỉ là quyền lợi chính đáng mà còn là niềm vui lớn lao của trẻ nhỏ. Cuộc đời học trò là một trong những khoảng trời trong trẻo, tinh khôi và đáng nhớ nhất trong đời người. Niềm vui được học điều mới mẻ, sự thích thú trong những trò chơi với chúng bạn và cả những kỉ niệm với thầy cô và bạn bè dưới mái trường… đều là những điều vô giá không tiền bạc hay quyền lực nào có thể mua được khi đã trưởng thành.
Ở nước ta và tất cả các nước khác trên thế giới, ngày khai giảng được coi là ngày hội đến trường. Được đến trường hay nói cách khác chính là quyền được học tập, là một trong những quyền cơ bản của trẻ em. Nhà nước luôn tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường, tham gia vào quá trình học tập. Mọi người ở khắp nơi, dù gái hay trai, dù ở lứa tuổi nào cũng có quyền được học. Đó là quyền được mở mang tri thức hiểu biết, tạo được chỗ đứng trong xã hội. Đối với trẻ em, đến trường còn là niềm hạnh phúc lớn lao. Dù vậy, thực tế còn nhiều gian khó với nhiều em học sinh, ở nhiều vùng miền, quốc gia, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau…
Bức ảnh trên chỉ là một lát cắt trong vô vàn những khó khăn giữa đời thực. Nó biểu trưng cho sự khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất trong học tập của các em. Ở những nơi mà mà đồng bào ta còn nghèo, sách bút thường được để tại trường, các em chia sẻ, cùng nhau học từ khóa này sang khóa khác. Đối với các em, cuốn sách mới dường như cũng là những điều xa vời. Những con đường đến với niềm vui, hạnh phúc ấy đang bị nhiều lí do ngăn cản. Đây là một hiện trạng có thực, đang tồn tại trong xã hội chúng ta.
Dòng nước trong bức ảnh có thể yên ả, lững lờ, có thể dịu mát nhưng cũng có thể lấy đi mạng sống bé nhỏ của các em bất kì lúc nào. Nếu ai đó đã từng xem chương trình đường đến trường của các em nhỏ Tà Xùa, sẽ thấy con đường đến trường của các em dài đến ba mươi cây số, đoạn đường mà ngay cả khi chúng ta đi xe cũng còn thấy khó khăn. Ba mươi cây số ấy có cả đường đồi, đường suối, đường rừng, có những đoạn đường chỉ rộng nửa mét, bên dưới là vực sâu… Không chỉ thế, con đường đến trường của nhiều em đôi khi bị chính cha mẹ ngăn cản, đặc biệt là ở những nơi điều kiện kinh tế và nhận thức chưa phát triển. Việc các em đi học không chỉ khiến gia đình mất đi một nhân lực lao động, mà còn kéo theo những khoản phụ chi khác. Gánh nặng kinh tế trở thành rào cản trên hành trình hạnh phúc. Cách đây vài năm, chúng ta không ít lần được nghe những câu chuyện, xem những bộ phim mà các thầy, cô giáo phải đến từng nhà vận động các em nhỏ đi học. Nhiều em nhỏ dù muốn đến trường nhưng ở nhà còn phải trông em, còn đàn trâu chưa chăn, những thửa ruộng bậc thang không người chăm sóc. Điều đáng mừng là giờ đây, hiện tượng đó không còn nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn cần sớm hạn chế, khắc phục.
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn biết ngủ, học hành là ngoan
Lời dặn dò yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu nhi cũng là lời khẳng định quyền lợi chính đáng của các em. Bác Hồ còn ân cần căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tương lai đất nước sẽ đi về đâu khi các em không được đến trường, không thể tiếp thu tri thức nhân loại để mai này trở thành những chủ nhân tương lai, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là đất nước ta còn nghèo, sự phát triển chưa đủ mạnh mẽ để tác động tới từng vùng, từng miền. Do sự đầu tư cơ sở giáo dục và giao thông tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mực. Không có trường và không có đường đến trường là sự thật hiện hữu ở nhiều nơi. Cùng với sự kém phát triển về kinh tế là sự khó khăn trong phát triển dân trí, gánh nặng đời sống che lấp sự tiến bộ của tư duy nhận thức, nhiều bậc phụ huynh chưa nhìn nhận đúng mức vai trò của việc học nên không muốn cho con đến trường.
Trước những nguyên nhân ấy, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể. “Tạo điều kiện cho trẻ có được niềm vui chính đáng ấy mà không phải đánh đổi bằng nước mắt, nỗi đau hay bằng mạng sống của mình” là điều cần thiết. Giải pháp ấy thuộc về trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường, của Nhà nước và cả những đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trong xã hội. Những cầu đường bỏ hoang, những công trình bệnh viện, chung cư tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng, những tượng đài phung phí ở các tỉnh thành nên đổi bằng những cuốn sách mới, những ngôi trường tử tế, những cây cầu bắc qua sông, những đường nhựa an toàn cho trẻ em đi học thay vì trèo đèo, vượt suối.
Và trong chúng ta, những ai được may mắn hơn khi sinh ra trên một vùng đất phát triển, có đường đến trường thuận lợi, được cha mẹ trang bị tất cả những đồ dùng học tập cần thiết, được tiếp thu với nhiều phương pháp đa dạng, hiệu quả nên giúp đỡ các bạn nhỏ kém may mắn hơn bằng việc ủng hộ lại những bộ sách đã học xong, những cuốn vở còn chưa viết tới, những cây bút còn dùng được. Những món quà giản dị với chúng ta nhưng là hành trang quý giá với các bạn khó khăn. Chúng ta may mắn hơn trong điều kiện đến trường, bởi vậy, chúng ta càng phải trân trọng hơn nữa những gì mình đang có và nỗ lực hơn nữa trong học tập.