ĐỀ 4: Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công (như anh Nguyễn Ngọc Kí bị hỏng tay, dùng chân viết chữ; anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai viết chữ; anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn…). Lấy nhan đề “Những người không chịu thua số phận”, em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình về những con người ấy.
Suy nghĩ về những người không chịu thua số phận
Bài làm
Có lẽ, không ai có thể hình dung cậu bé bốn tuổi liệt hai tay Nguyễn Ngọc Kí sau này lại có thể viết bằng chân và trở thành một nhà giáo ưu tú, không ai dám nghĩ một Đỗ Trọng Khơi bại liệt phải nhờ đến người khác trong mọi sinh hoạt thường ngày lại trở thành nhà thơ. Hay anh Trần Văn Thước liệt toàn thân sau tai nạn lao động lại có thể tự học và trở thành một nhà văn đích thực… Những tấm gương ấy đã chứng minh điều kì diệu luôn có thật trên đời bởi họ là “Những người không chịu thua số phận”.
Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ, Đỗ Trọng Khơi, Trần Văn Thước… chỉ là những ví dụ cụ thể đại diện cho biết bao con người bất hạnh nhưng đã vươn lên chiến thắng số phận. Cộng đồng gọi họ là “Những người không chịu thua số phận”, những người không buông xuôi mình trong khó khăn, mặc cảm mà lội ngược dòng để sống tốt, sống vui, sống hữu ích cho xã hội. Ở họ toát lên chân lí muôn đời “Có chí thì nên”, “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường” và không những thế, họ truyền cảm hứng cho biết bao người bình thường khác đang yếu lòng bên bờ vực thẳm…
Vậy tại sao họ lại có thể chiến thắng số phận? Lẽ nào thần thánh đã ban cho họ những phép nhiệm màu? Lẽ nào họ là những siêu nhân có khả năng phi thường? Nhưng bí quyết lại không nằm ở những gì quá cao siêu. Chẳng có chiếc đũa thần nào gõ xuống khi Hoa Xuân Tứ phải kẹp hai ngón chân tập viết, khi Đỗ Trọng Khơi nằm ngửa, nằm nghiêng trên giường làm công việc hàng ngày, làm thơ hay khi Trần Văn Thước tự học, tự viết văn với thân thể thương tật đến 82%…
Để vật lộn với tất cả nhọc nhằn, đau đớn, tủi hờn của số phận nghiệt ngã, chỉ có nghị lực sống và gia đình ở bên họ mà thôi. Bản lĩnh sống, lí tưởng sống đã nâng tầm vóc cá nhân của họ và tình yêu thương, sự nể phục của gia đình làng xóm đã sát cánh cùng những ngày tháng gian nan của họ. Đằng sau những tấm gương vượt khó ấy là cả một quá trình vượt lên chiến tranh, đau thương và nghèo khó của dân tộc Việt Nam. Những con người tưởng chừng bị cuộc sống lãng quên, bị số phận ghẻ lạnh lại là những người làm nên điều phi thường bằng nghị lực sống của mình. Thành công đến với mỗi người theo những cách khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau. Thành công có thể đến với người này bằng sự may mắn, đến với người khác bằng sự sắp đặt sẵn có của mẹ cha, nhưng thành công đích thực thì luôn đến trên con đường của ý chí, nghị lực và sự sáng tạo. Những con người kể trên đáng được trân trọng và nể phục bởi họ đã vượt lên trên số phận nghiệt ngã để sống tốt, sống vui, sống hữu ích và sống đầy cảm hứng cho cuộc đời mình. Nguyễn Ngọc Kí trở thành thầy giáo truyền lửa cho học sinh; Đỗ Trọng Khơi góp những vần thơ cho đời; Trần Văn Thước sáng tạo nên những trang văn; cô bé Phương Anh đem lời ca cho đời và trở thành một trong những gương mặt trẻ em khuyết tật tiêu biểu do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc bình chọn; Lê Minh Châu vẽ tranh, đem tiếng nói của người khuyết tật đến Liên hợp quốc và trở thành một trong mười nhân vật truyền cảm hứng năm 2016… Đằng sau thành tựu và nụ cười của họ là những ngày đêm miệt mài tìm tòi, học tập; là cuộc vật lộn dẹp tan sự tự ti, mặc cảm; là cuộc chiến đấu với nỗi vất vả đời thường của họ và gia đình. Nhìn rộng ra, ở đất nước nào, châu lục nào trên thế giới, những con người có tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường và hoài bão lớn lao luôn tìm được chỗ đứng cho mình giữa bộn bề cuộc sống. Nick Vujicic, người đàn ông không có tứ chi từ khi lọt lòng, đã nhiều lần tìm tới cái chết trước khi có thể vượt lên số phận để trở thành nhà diễn thuyết, nhà viết sách và có một gia đình hạnh phúc như bao người thành công khác.
Tại sao sống trên đời, con người luôn phải vượt lên trên số phận? Trước hết bởi cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, bất trắc khó lường. Nếu ai gặp khó khăn cũng đầu hàng số phận, vậy chúng ta sẽ đi về đâu, đất nước này sẽ đi về đâu? Nếu đời luôn trải những thảm hoa êm ái, có lẽ con người chẳng bao giờ nhận ra những khả năng vô cùng tận trong chính mình và chẳng bao giờ chúng ta hiểu rõ bản thân. Câu nói “Không có áp lực, không có kim cương” thật đúng với những ai đã chiến thắng số phận bất hạnh để trở thành những người phi thường.
Dù vậy, trong thực tế, không ít người gục ngã, để mình vụn vỡ trong nỗi đau số phận. Đáng buồn hơn, có những người dù khỏe mạnh và sống trong sung túc nhưng vì yếu đuối, ích kỉ, hèn nhát mà tự đánh mất hạnh phúc của mình. Nhiều bạn trẻ hiện nay ngụy biện cho sự yếu đuối và kém cỏi của mình bằng cách đổ lỗi cho những người xung quanh và tự triệt tiêu ý chí, lí tưởng của mình. Đôi khi, cuộc chiến chống lại cái dễ dãi bình thường, chống lại cuộc sống đủ đầy nhưng lười nhác cũng không hề dễ dàng.
Ai cũng mong muốn có một mái nhà yên ấm, một cơ thể khỏe mạnh, một công việc yêu thích và gặp được nhiều may mắn, thành công. Nhưng muốn có được tất cả những điều ấy, mỗi người đều phải có ước mơ cụ thể, hành động cụ thể và dám xả thân cho con đường ấy. Những người bất hạnh đã tự trở thành ngọn nến lung linh soi tỏ đường đời của họ và của nhiều người khác. Họ không chờ đợi phép màu, tự họ tạo nên phép màu. Còn bạn thì sao?