Bí quyết đạt điểm khá Môn Hóa Học trong kỳ thi THPT Quốc Gia

Thầy Tần Hoàng Phi sẽ chia sẻ cho các em học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc Gia Bí quyết đạt điểm khá Môn Hóa Học với những mẹo làm bài thi hay, phương pháp ôn thi hiệu quả để các em học sinh có thể đạt điểm khá Môn Hóa Học.

– Môn Hoa là một môn học Tự nhiên, theo thầy, môn Hóa có khó không và học sinh phải có những yếu tố gì để học tốt môn Hóa?

Theo thống kê từ Kỳ thi THPT 2015, môn Hóa có 132 điểm 10, môn Toán có 86 điểm 10, còn môn Lý có 1 điểm 10 đầu tiên sau 5 năm. Vậy chúng ta có thể thấy môn Hóa dễ có được điểm 10 hơn hai môn kia! Trong một thống kế khác, trong khi môn Hóa có điểm số tập trung cao nhất ở 7, môn Toán tập trung cao nhất ở 6,5 và điểm Lý tập trung cao nhất ở 6 điểm. Như vậy, dù bạn thích hay không thích Hóa thì môn Hóa vẫn dễ kiếm điểm nhất! Thực tế là rất nhiều học trò của tôi thích môn Lý hơn môn Hóa nhưng rốt cục điểm Hóa vẫn cao hơn (cười)!

bi-quyet-dat-diem-kha-mon-hoa-voi-loi-khuyen-cua-thay-tran-hoang-phi

Để học tốt môn Hóa, trước hết các em phải yêu các kiến thức cuộc sống, biết thắc mắc vì sao cái ấm nước nhà mình đóng cặn, cái bột trắng trắng em dùng để bó bột là gì, vì sao sau cơn mưa không khí lại quang đãng hơn, vì sao em nên đi xe đạp mà không nên đi xe máy, hiệu ứng nhà kính là gì… Có hàng tỷ câu hỏi như vậy ngoài kia, chỉ có 1 cách trả lời là: Hóa học. Học hóa không phải vì điểm 10, học hóa vì em có thể hiểu hơn và yêu cuộc sống này hơn.

Thêm một điều nữa để học tốt môn Hóa, các em cần chăm chỉ, cần ghi nhớ các phản ứng bởi chúng là máu của Hóa học, chỗ nào máu không đến thì cơ quan đó sẽ chết. Hay hơn nữa, Hóa học là một chỉnh thể thống nhất, em không thể thấy hết vẻ đẹp của hữu cơ nếu em không học vô cơ, em không thể hiểu được cacbohydrat nếu không biết tính chất của ancol… Chăm chỉ hàng ngày, chịu khó ghi nhớ ngay khi học trên lớp là cách tốt nhất để học Hóa. Và cách ghi nhớ tốt nhất là biến nó thành bài tập và chuỗi phản ứng sinh ra để giúp em làm điều này.

Đặc biệt, em học sinh cần một chút thông minh, sáng tạo, khả năng logic và hệ thống hóa tốt. Vì bây giờ, bài tập Hóa học dùng đến rất nhiều tư duy Toán, nếu tư duy Toán của em tốt, em sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn, mặc dù theo tôi thấy thì những bài tập như vậy đã đi rất xa Hóa học thuần túy.

– Khi ôn thi, học sinh cần chú trọng phần kiến thức nào nhất? Theo thầy, phần kiến thức nào là phần trọng tâm?

Rất khó để nói cái gì là quan trọng nhất, vì như thầy đã nói, Hóa học có tính hệ thống cao, thêm vào đó 50 câu phủ đều chương trình. Theo ma trận đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2015 thì có khoảng 16 nội dung chính. Câu khó có thể nằm ở bất cứ phần nào.

Còn theo quan điểm cá nhân của thầy, muốn được 6 -7 điểm, các em cần tập trung nhiều hơn vào kiến thức lớp 12, nắm hết các phần kiến thức cơ bản của Đại cương Kim loại (Tính chất và điều chế nhôm), nhôm, sắt, đồng, axit, este, cacbohydrat, amin, aminoaxit và polime.

Càng lên điểm cao, kiến thức càng cần nhiều hơn, nói một cách dễ hiểu, để đạt từ 6 – 7 điểm, các em cần học 1 phần, để được 7 – 8 điểm các em cần học 10 phần, để được 8 – 9 điểm cần học 100 phần, để được 9 -10 em cần học >100 phần kiến thức và rất nhiều may mắn nữa.

– Thầy có thể chia sẻ thêm về mẹo hay phương pháp làm bài khi thi?

Mẹo giúp các em làm bài thi thì nhiều nhưng mẹo hay nhất là “chậm là chắc, chắc là nhanh”. Biết mình cần bao nhiêu điểm, làm tốt công việc của mình là đủ. Thực tế, bạn muốn được 8 điểm thì cần làm 40 câu, 10 câu kia là việc của vận may. Thế nên, dành toàn bộ thời gian cho 40 câu trong sức của mình, bạn tự nhiên có nhiều thời gian hơn rất nhiều, vì những câu khó càng tốn thời gian để xử lý.

Ngoài ra, còn có một số mẹo nhỏ khác nữa. Các em không được bỏ qua bất cứ câu nào, trước khi làm bừa, nếu còn chút ít thời gian thì đọc qua đề, loại trừ đáp án, không nên chọn các đáp án quá khác thường vì các đáp án nhiễu thường gần với đáp án đúng, thông tin nào có mặt càng nhiều, thông tin đó càng chính xác.

Khác với bài thi tự luận, bài thi trắc nghiệm có đặc điểm tuyệt vời là đáp án đang ở ngay trước mặt em, đáp án là một phần của đề. Ví dụ, đề cho em M (khối lượng phân tử), cho em tính chất, cho em các nguyên tố có mặt trong chất,…. Nó cũng chính là thông số còn thiếu trong hệ phương trình của các em. Đến khi không giải được nữa, lấy đáp án ra lắp vào đề rồi thử tính toán, em sẽ tìm ra giải pháp.

Thêm một mẹo là các em nên đánh dấu vào câu nào đã làm mà bị khó, ghi lại hết các thông số trên đề. Gạch chân những cụm từ quan trọng: đủ hay thiếu, tăng hay giảm, không đúng hay sai, dư hay hết, hoàn toàn hay sau một thời gian…

Trong 20 câu cuối, để nhanh hơn, em nên chọn câu có đặc điểm sau: Ngắn hơn: ngắn dù có khó, cũng ít bẫy hơn, đọc mất ít thời gian hơn, ít thông số phải xử lý hơn, dễ dàng thử hơn,…; Quen hơn: dạng nào em thật chắc, em làm luôn nhanh hơn dạng khác; Lý thuyết mà em chắc: dù gì thì lý thuyết cũng xử lý thông tin mất ít thời gian hơn bài tập; em nên nắm thật chắc những loại lý thuyết gồm: ứng dụng thực tế, công thức hợp chất, tên gọi, tính chất đặc trưng… câu nào chắc làm rất nhanh, lý thuyết mà không chắc thì đừng nên làm trước.

– Trong giai đoạn hiện nay, thầy có thể cho các thí sinh lời khuyên gì để có thể ôn thi tốt nhất trong thời gian gấp rút còn lại?

Lời khuyên của thầy là đừng thức quá khuya, ôn cần chăm chỉ thật, bài tập nhiều thật, nhưng dù chưa mệt, cũng nên cho mình nghỉ ngơi. Vì nếu các em ôn thi quá sức chịu đựng thì trí nhớ sẽ kém, phản xạ sẽ chậm, mắt khó tập trung,… Trong khi đó, khi cơ thể ở trạng thái quá mệt mỏi, việc học tập hầu như không có tác dụng. Thứ em mất nhiều hơn thứ em học được rất nhiều.

Làm đề thi thử thường xuyên, nhưng làm để tích luỹ kinh nhiệm phòng thi, tích lũy sai lầm, cải thiện tốc độ, đừng vì điểm số mà tâm lý. Hãy nhớ 26/50 câu là lý thuyết nên hãy đọc lại lý thuyết, làm câu hỏi lý tuyết rồi bài tập trung bình, rồi mới đến bài tập nâng cao.

Thời gian hiện tại chỉ còn hai tuần thôi, các em đừng share quá nhiều tài liệu, sách nữa. Việc chia sẻ quá nhiều trên facebook và bài quá khó sẽ làm các em hoang mang. Hãy hiểu mình, hoặc tìm cách để hiểu mình ở trình độ nào mà lựa chọn. Đến đoạn này, mỗi ngày nên làm 1 đề/1 môn, và tự phân tích để hoàn thiện mình. Bài nào không làm được, đọc lời giải rồi sau đó phải làm lại, lúc đó kiến thức mới thực sự trở thành của em.

Related Posts

1 Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *