Phương pháp ôn tập môn Sinh hiệu quả trong thời gian ngắn

Thầy Đinh Quốc Hưng sẽ hướng chia sẻ cho các em Phương pháp ôn tập môn Sinh hiệu quả trong thời gian ngắn để chuẩn bị gấp rút cho kỳ thi THPT Quốc Gia sắp tới. Dưới đây, là bài chia sẻ chi tiết của thầy mời các bạn đón xem.

Các sĩ tử cần lưu ý những gì khi ôn thi môn Sinh học?

Trong việc học lý thuyết, các em luôn phải lưu tâm kiến thức sách giáo khoa, vì sách giáo khoa là cơ sở để xây dựng các câu hỏi. Các em cũng phải luôn lưu ý việc ghi chép mạch lạc, hệ thống vì điều đó sẽ giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn. Trong việc ôn thi môn Sinh, các em không cần thiết phải học thuộc lòng, tuy nhiên, để nhớ được kiến thức nhất định thì các em cần hiểu sâu kiến thức. Nếu ta tìm ra những điều thú vị, bất ngờ trong bài học thì ta sẽ nhớ rất lâu. Như vậy để học giỏi môn Sinh, đừng thụ động ghi nhớ những gì thầy cô truyền thụ. Phải luôn đặt câu hỏi: Bài này có gì hay? Điều này có ý nghĩa gì cho sinh vật trong tự nhiên? Thực tế người ta đã làm được gì hay ho từ kiến thức này.

phuong-phap-on-thi-mon-sinh-hieu-qua-trong-thoi-gian-ngan

Trong môn Sinh học không có quá nhiều dạng bài. Với mỗi dạng bài tập khi làm xong chúng ta cần rút ra những điểm mấu chốt quan trọng khi giải bài tập đó. Thường khi đã nắm chắc phương pháp giải ta sẽ giải quyết được hầu hết các bài tập mới có liên quan. Tuy nhiên, đôi khi có những bài tập mới ta vận dụng phương pháp giải đã học được mà vẫn không ra thì nhất định ta phải hỏi thầy cô và các bạn để hiểu tường tận tại sao lại không ra? Mình đã nhầm chỗ nào? Hay đề bài chưa thực sự chặt chẽ? Tôi quan niệm rằng khi làm đúng một bài chưa chắc đã có ý nghĩa bằng việc làm sai một bài nhưng hiểu tường tận tại sao mình làm sai. Vì điều đó sẽ giúp chúng ta tránh được rất nhiều sai sót khi giải các dạng bài tập mới.

Kĩ năng làm đề thi môn Sinh trong phòng thi

Có nhiều bạn có thói quen làm toàn bộ lý thuyết trước, sau đó làm sang bài tập. Nếu bạn nào đã quá quen với cách làm bài đó thì có thể giữ cũng được. Vì đôi khi làm bài theo thói quen giúp các em có tâm lý thoải mái hơn, tốc độ làm nhanh hơn. Tuy nhiên cách làm này cũng có nhược điểm là khó kiểm soát được thời gian làm bài vì bản thân không biết đã làm được bao nhiêu câu, tốc độ như thế nhanh hay chậm để kịp thời điều chỉnh.

Khi làm bài tập các em lưu tâm mỗi bài dễ mất khoảng 1 – 2 phút, mỗi bài khó mất khoảng 2 – 3 phút, chính vì thế nếu bài nào làm quá 3 phút mà chưa ra hướng giải thì đừng mất quá nhiều thời gian với nó. Hãy đánh dấu lại và chuyển sang câu kế tiếp.

Khi làm lý thuyết thì nhớ là đừng quá vội vàng. Một câu lý thuyết thường dễ ăn điểm hơn một câu bài tập. Hì hục làm 1 câu bài tập khó được 0,2 điểm nhưng nhẹ nhàng tích một câu lý thuyết dễ cũng được 0,2 điểm, do vậy đừng quá coi thường lý thuyết.

Với những câu lý thuyết có 4 phương án A B C D, giả sử nhận ra B là đáp án đúng vẫn nên đọc hết cả đáp án C và D. Biết chắc B là phương án đúng thì hãy khoanh đáp án.

Với những câu lý thuyết hỏi số nhận định đúng hay số nhận định sai cần phải có một cách đánh dấu nhất quán. Nghĩa là khi phân tích các nhận định, chúng ta không cần quan tâm đề hỏi số nhận định đúng hay số nhận định sai. Nhận định nào đúng về mặt khoa học thì tích V, nhận định nào sai thì thích dấu X, sau khi đã đánh giá các nhận định thì mới quay lại xem đề hỏi số nhận định sai hay số nhận định đúng. Khi đang suy nghĩ về bản chất các nhận định mà cứ phải đối chiếu xem đề hỏi nhận định đúng hay nhận định sai sẽ làm các em dễ tích nhầm.

Phương pháp học hiệu quả trong thời gian ngắn

Đầu tiên, nhất định các em phải dành ra một quỹ thời gian ôn lại lý thuyết bao gồm sách giáo khoa và vở lý thuyết các thầy cô cho các em ghi. Hãy nhớ rằng trên 60% số câu hỏi là lý thuyết. Không ôn lại lý thuyết là tự tay vứt đi 1 đến 2 điểm vô cùng đáng tiếc.

Thứ 2, các em phải xem lại tất cả các dạng bài tập mà các thầy cô đã dạy. Rà soát lại xem dạng nào mình chưa hiểu, sau đó hỏi thầy cô và bạn bè để nắm rõ bản chất.

Cuối cùng, các em nhất định phải dành quỹ thời gian để làm đề thi thử. Tham khảo các thầy cô và các bạn để có các đề thi thử chất lượng. Sau đó dành ra một số buổi trong tuần để luyện đề. Thời gian làm đề tốt nhất nên trùng với thời gian thi thật. Nghĩa là môn Sinh thi chiều 4/7 thì buổi làm đề nên là buổi chiều, từ 14h30 – 16h. không gian làm đề cần yêu tĩnh, làm liên tục trong khoảng thời gian 80-90 phút. Trong lúc làm đề không nên đứng dậy làm việc khác. Sau khi so đáp án hãy đánh dấu những câu bài tập và lý thuyết mới và khó lại để tuần cuối cùng trước khi thi có thể bỏ ra xem lướt qua.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *