Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2017 – 2018 + Đáp án

Đề thi học kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2017 – 2018

I. CHÍNH TẢ (Nghe đọc) Thời gian: 15 phút

Bài “Quê hương” (Sách Tiếng Việt 4, tập 1, trang 100)

Viết đầu bài và đoạn “Ánh nắng … người Sứ.”

II. TẬP LÀM VĂN Thời gian: 40 phút

Đề bài: Em hãy tả một đồ dùng học tập hoặc một đồ chơi mà em yêu thích theo 2 yêu cầu sau:

1. Lập dàn ý chi tiết tả đồ vật đó.

2. Viết đoạn kết bài mở rộng.

B. Phần đọc

I. ĐỌC THÀNH TIẾNG (Thời gian: 1 phút)

Học sinh đọc một đoạn văn thuộc một trong các bài sau và trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi về nội dung bài đọc do giáo viên nêu.

1. Ông Trạng thả diều

(Đoạn từ “Ban ngày … tầng mây.”, sách TV4, tập 1 – trang 104)

2. Người tìm đường lên các vì sao

(Đoạn từ “Từ nhỏ, … bao nhiêu là sách.”, sách TV4, tập 1 – trang 125)

3. Văn hay chữ tốt

(Đoạn từ “Thuở đi học … sao cho đẹp.”, sách TV4, tập 1 – trang 129)

4. Kéo co

(Đoạn từ “Làng Tích Sơn … thắng cuộc.”, sách TV4, tập 1 – trang 155)

Tiêu chuẩn cho điểm đọc Điểm
1. Đọc đúng tiếng, từ, rõ ràng …… /1 đ
2. Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, cụm từ rõ nghĩa (lưu loát, mạch lạc) ……/ 1 đ
3. Đọc diễm cảm …… / 1 đ
4. Cường độ, tốc độ đọc …… / 1 đ
5. Trả lời đúng ý câu hỏi do giáo viên nêu …… / 1 đ
Cộng …… / 5 đ

 II. ĐỌC THẦM (Thời gian: 25 phút) 

Em đọc thầm bài “Câu chuyện hai hạt lúa” rồi làm các bài tập sau:

Câu chuyện hai hạt lúa

Có hai hạt lúa nọ được người chủ chọn làm hạt giống cho mùa sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo xuống cánh đồng. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lí tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc tối trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ đem gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới mẻ ở ngoài cánh đồng.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì – nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa xanh tươi, trĩu hạt vàng óng. Nó mang đến cuộc đời những hạt lúa mới…

Sưu tầm

(Em hãy đánh dấu x vào ô trống trước ý đúng nhất trong câu 1, 6)

Câu 1. Hai hạt lúa trong bài có đặc điểm là:

a. tốt, xinh đẹp, vàng óng.

b. vàng óng, trĩu hạt, chắc mẩy.

c. tốt, to khỏe và chắc mẩy.

d. vàng óng, to khỏe và trĩu hạt.

Câu 2. Vì sao hạt lúa thứ hai muốn được gieo xuống đất dù phải nát tan trong đất?

…………………… ………………………………………………………….

………………………………………………………………………………..

Câu 3. (Đúng ghi Đ, sai ghi S vào ô trống)

Hạt lúa thứ nhất suy nghĩ và hành động là:

a. muốn được cuộc sống mới của cây lúa.

b. mãi mãi là hạt lúa đầy chất dinh dưỡng.

c. lăn vào góc khuất để được yên thân.

d. muốn bắt đầu cuộc đời mới ở ngoài cánh đồng.

Câu 4. Em muốn nói gì với hạt lúa thứ nhất?

………………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………..

Câu 5. Câu “Nó mang đến cuộc đời những hạt lúa mới.” có:

….. động từ. Đó là từ: …………………………………………………

….. tính từ. Đó là từ: ………………………………………………….

Câu 6. Cho câu: “ Có hai hạt lúa nọ được chọn làm hạt giống cho mùa sau.”

Các từ ghép có trong câu trên là:

a. hai hạt, chọn làm, hạt giống.

b. hai hạt, hạt lúa, mùa sau.

c. hạt lúa, hạt giống, mùa sau.

d. hai hạt, hạt giống, hạt lúa.

Câu 7. Tìm và ghi lại các từ láy có trong câu sau:

“Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới mẻ ở ngoài cánh đồng.”

Các từ láy là: …………………………………………………………….

………………………………………………………………………………..

Câu 8. Câu: “Nó chọn một góc tối trong kho lúa để lăn vào đó.”

a. Đây là kiểu câu kể………………………………………………………

b. Vị ngữ của câu trên là…………………………………………………….

………………………………………………………………………………

Câu 9. Em hãy đặt một câu hỏi để khen ngợi hạt lúa thứ hai.

………………………………………………………………………..………

 

ĐÁP ÁN – BIỂU ĐIỂM MÔN TIẾNG VIỆT 4

KTĐK CUỐI KÌ I – NĂM HỌC 2017 – 2018

A. Phần viết

I. CHÍNH TẢ (5 điểm)

Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch đẹp: 5 điểm.

Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng qui định) bị trừ 0,5 điểm.

II. TẬP LÀM VĂN (5 điểm)

1. YÊU CẦU:

a. Thể loại: Tả đồ vật

b. Nội dung:

– Trình bày đầy đủ dàn ý miêu tả đồ vật mà em đã chọn theo yêu cầu của đề bài.

– Viết được đoạn kết bài mở rộng.

c. Hình thức:

– Trình bày được dàn ý chi tiết gồm 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài.

– Dùng từ chính xác, hợp lí, viết câu đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

2. BIỂU ĐIỂM: Dàn ý: 3,5 điểm; kết bài mở rộng: 1,5 điểm

– Điểm 4,5 – 5: Bài làm thể hiện rõ kĩ năng quan sát, có sự sáng tạo, gây được cảm xúc cho người đọc, lỗi chung không đáng kể.

– Điểm 3,5 – 4: Học sinh thực hiện các yêu cầu ở mức độ khá; đôi chỗ còn thiếu tự nhiên, không quá 6 lỗi chung.

– Điểm 2,5 – 3: Các yêu cầu thể hiện ở mức trung bình, nội dung chưa đầy đủ hoặc dàn trãi, đơn điệu, không quá 8 lỗi chung.

– Điểm 1,5 – 2: Bài làm bộc lộ nhiều sai sót, diễn đạt lủng củng, quá nhiều lỗi chung.

– Điểm 0,5 – 1: Viết lan man, lạc đề hoặc dở dang.

Lưu ý:

Giáo viên chấm điểm phù hợp với mức độ thể hiện trong bài làm của học sinh; khuyến khích những bài làm thể hiện sự sáng tạo, có kĩ năng làm dàn ý và viết kết bài mở rộng cho bài văn tả đồ vật.

Trong quá trình chấm, GV ghi nhận và sửa lỗi cụ thể, giúp HS nhận biết những lỗi mình mắc phải và biết cách sửa các lỗi đó để có thể tự rút ra kinh nghiệm cho các bài làm tiếp theo.

B. Phần đọc

I. Đọc thành tiếng

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ

1/ – Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng trừ 0,5 điểm, đọc sai 5 tiếng trở lên trừ 1 điểm.

2/ – Đọc ngắt, nghỉ hơi không đúng từ 2 đến 3 chỗ: trừ 0,5 điểm.

– Đọc ngắt, nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở đi: trừ 1 điểm.

3/ – Giọng đọc chưa thể hiện rõ tính diễn cảm: trừ 0,5 điểm.

– Giọng đọc không thể hiện tính diễn cảm: trừ 1 điểm.

4/ – Đọc nhỏ, vượt quá thời gian từ 1 đến 2 phút: trừ 0,5 điểm.

– Đọc quá 2 phút: trừ 1 điểm

5/ – Trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: trừ 0,5 điểm

– Trả lời sai hoặc không trả lời được: trừ 1 điểm.

II. ĐỌC THẦM (5 điểm) Mỗi câu 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 đúng: 0,5 điểm; câu 5 đúng: 1 điểm

1. c

2. Gợi ý: Gợi ý: Nó muốn thành cây lúa mới, cho con người nhiều hạt lúa mới.

3. Thứ tự điền là: S, Đ, Đ, S

4. Gợi ý: Hạt lúa ơi, hãy xông pha để sống có ích cho mọi người.

5. 1 động từ. Đó là từ: mang hoặc mang đến. (0,5 điểm)

1 tính từ. Đó là từ: mới. (0,5 điểm)

6. C

7. Trả lời: Các từ láy là: sung sướng, mới mẻ.

Học sinh tìm đúng cả 2 từ được 0,5 điểm.

8. Câu kể Ai làm gì? Vị ngữ là: chọn một góc tối trong kho lúa để lăn vào đó.

9. Gợi ý: Sao hạt lúa thứ hai can đảm thế?

HS viết được câu hỏi đúng về nội dung và cấu trúc câu được 0,5 điểm.

Nếu không viết hoa đầu câu và thiếu dấu câu: không tính điểm.

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *