Đề bài: Em hãy Kể lại truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao)
Bài văn mẫu Kể lại truyện thơ “Tiễn dặn người yêu”
Trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số, Tiễn dặn người yêu là một tác phẩm nổi bật của các dân tộc Thái kể về câu chuyện tình cảm động của đôi trai gái. Được viết dưới hình thức truyện thơ, Tiễn dặn người yêu như một giai điệu sâu lắng giúp người đọc cảm nhận được nội dung và giá trị sâu sắc của câu chuyện.
Truyện thơ gồm 1846 câu nói về một mối tình chung thủy, trải qua biết bao khó khăn, trắc trở, cuối cùng đôi trai gái cũng được đoàn tụ và sống hạnh phúc bên nhau. Lời kể do chính nhân vật trong cuộc kể lại chuyện tình yêu – hôn nhân của mình, làm cho câu chuyện trở nên rất chân thật và có ý nghĩa sâu sắc. Chàng trai và cô gái trong truyện là một đôi bạn rất thân thiết từ thời thơ ấu. Họ chia sẻ với nhau mọi điều và khi lớn lên giữa họ đã nảy sinh tình cảm. Họ yêu nhau tha thiết và mong muốn được nên duyên vợ chồng. Chàng trai chủ động nhờ người làm mối dẫn đến với mong muốn được kết hôn và xin được ở rể. Tưởng chừng như mọi chuyện sẽ êm đẹp, thế nhưng, cha mẹ cô gái lại gạt đi và từ chối vì chàng quá nghèo. Ngay chính lúc đó, có một người lạ mặt đến xin làm rể. Tên này là một kẻ thô lỗ, cẩu thả, ứng xử vừa hèn hạ lại vừa thiếu lễ độ, nhưng tài sản và tiền của hắn đã làm cha mẹ cô gái mờ mắt. Họ bất chấp tất cả đòng ý gả con gái cho người này. Và sóng gió đã bắt đầu ập lên mối tình đẹp của đôi trai gái.
Người đàn ông đó về ở rể, chàng trai biết tin đau khổ đến tột cùng. Anh quyết định bỏ nhà ra đi với ý chí làm giàu rồi về xin được cưới cô gái. Cô gái ở lại một lòng chờ đợi người yêu của mình quay về. Theo phong tục, hết hạn ở rể thì sẽ xin cưới. Khi đám cưới đang diễn ra thì chàng rai trở về. Lúc bấy giờ anh đã giàu có, nhưng số phận không mỉm cười với anh, cô gái đã rơi vào tay kẻ kia mất rồi. Anh tiễn cô gái đi trong nước mắt và lưu luyến. Hai người bịn rịn không muốn rời nhau. Anh tiễn cô gái đi với biết bao lời tiễn rặn. Một câu nói của anh đủ để chứng minh tình yêu mãnh liệt giữa hai người: ” Không lấy được nhau thời trẻ thì hãy lấy nhau khi góa bụa về già”.
Về nhà chồng ở, nhớ lời chàng trai, cô hết sức để tỏ ra vụng về, hậu đậu khiến nhà chồng chán mà trả cô về lại với cha mẹ. Nhưng kế hoạch nào đâu như ý, cô lại bị cha mẹ mình đem bán vào cửa nhà quan. Sự đau khổ và nỗi thất vọng của cô lại càng tăng lên gấp bội, càng đau khổ bao nhiêu cô lại càng phá phách bấy nhiêu. Những hành động “Giã gạo – quăng chày, phơi thóc- chửi sàn mắng cót” rồi lại “dỡ xôi – quật mâm vỡ” cốt sao để lại được trả về cho gia đình. Nhưng cô gái như một món hàng, nhà quan đã mua đứt rồi thì không thể trả lại. Họ bèn đưa cô ra chợ bán, nhưng kẻ qua người lại không ai buồn hỏi đến cô. Ta có thể thấy được sự đau đớn tột cùng khi một con người mà chẳng khác chi một thứ đồ vật rẻ tiền vứt đi. Chợ tan, ngại phải đem cô gái trở về nhà, họ liền đổi cô để lấy một cuộn lá dong. Ngờ đâu, người đổi được lại chính là người yêu thuở nào. Nhưng cô gái giờ đây đã tiều tụy, xanh xao, hốc hác đến nỗi chàng không thể nhận ra. Một ngày mưa kia, cô gái tủi phận ngồi trong xó bếp, bèn lấy chiếc đàn môi – kỉ vật tình yêu của hai người ra để gợi nhớ lại chuyện tình yêu khi xưa. Chàng vô tình nghe được, bàng hoàng nhận ra người yêu, hai người xúc động và vui mừng khôn xiết. Chàng liền lập tức chia đôi tài sản của mình để tiễn vợ về nhà. Họ cưới nhau và đã thực hiện được lời thề ước khi xưa:” Không lấy được nhau khi mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông”. Quả là một tình yêu đẹp. Cho dù xa cách, cho dù trải qua biết bao nhiêu chuyện đau khổ, nhưng họ vẫn vượt lên hết tất cả và đến với nhau.
Đọc truyện thơ Tiễn dặn người yêu, ta cảm thấy thương sao những người ước mơ một hạnh phúc nhưng lại gặp nhiều nỗi khổ đau trong cuộc đời. Qua câu chuyện này, tác giả dân gian ca ngời tình yêu đẹp, thủy chung của đôi trai gái và phê phán lối sống trọng của cái vật chất chà đạp lên hạnh phúc của con người.