Kĩ năng làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

1.1. Tìm hiểu đề

– Vấn đề nghị luận (luận đề, luận điểm).
– Xác định các thao tác nghị luận.
– Phạm vi dẫn chứng (tư liệu).

1.2. Lập dàn ý bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

a. Mở bài:

Nêu vấn đề nghị luận (trích dẫn ý kiến).

b. Thân bài:

– Giải thích ý kiến: các khía cạnh, vấn đề được nêu trong đề bài.
– Phân tích, chứng minh, bình luận:

+ Phân tích các khía cạnh của vấn đề được nêu trong đề bài (dẫn chứng).
+ Bình luận:

. Ý nghĩa (đối với văn học và đời sống).
. Tác dụng (đối với văn học và đời sống).

c. Kết bài

– Thái độ, ý kiến của người viết về vấn đề.
– Liên hệ rút ra bài học.

nghi-luan-ve-y-kien-ban-ve-van-hoc

2. Luyện tập làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

Đề số 1:

Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng: người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài chi tiết

a. Mở bài:

+ Quang Dũng một nghệ sĩ đa tài, nhưng trước hết là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, tài hoa.

+ Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca chống Pháp; tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến.

b. Thân bài:

Giải thích:

+ “Dáng dấp tráng sĩ thuở trước” là nói đến những nét đẹp trượng phu giàu tính ước lệ kiểu văn chương trung đại trong hình tượng người lính; “Mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp” là muốn nói ở hình tượng người lính có nhiều nét đẹp thân thuộc chắt lọc từ đời sống chiến trường của những anh vệ quốc quân thời chống Pháp.

+ Đây là hai nhận xét khái quát về hai bình diện khác nhau của hình tượng người lính Tây Tiến: ý kiến trước chỉ ra vẻ đẹp truyền thống, ý kiến sau chỉ ra vẻ đẹp hiện đại.

Phân tích, bình luận, chứng minh

* Phân tích, chứng minh:

– Vẻ đẹp người lính mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước

+ Người lính trong Tây Tiến có dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, đầy hào khí; tinh thần chinh chiến kiêu dũng, xả thân; thái độ ngang tàng, ngạo nghễ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

+ Hình tượng người lính đặt trong miền không gian đầy không khí bi hùng cổ xưa với cuộc trường chinh vào nơi lam chướng nghìn trùng, với chiến trường là miền viễn xứ chốn biên ải, gắn với chất liệu ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ, …

– Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp.

+ Người lính với tinh thần vệ quốc của thời đại chống Pháp cảm tử cho tổ quốc quyết sinh: không tiếc đời mình, không thoái chí sờn lòng, không bỏ cuộc; đời sống quân ngũ gian khổ mà vẫn trẻ trung, tinh nghịch; lăn lộn trận mạc đầy mất mát hi sinh mà vẫn đa cảm đa tình; dồi dào tình yêu thiên nhiên, tình quân dân và tình đôi lứa.

+ Hình tượng người lính gắn chặt với một sự kiện lịch sử là cuộc hành binh Tây Tiến; một không gian thực là miền Tây, với những địa danh xác thực, những cảnh trí đậm sắc thái riêng của xứ sở vốn hiểm trở mà thơ mộng; với ngôn ngữ đậm chất đời thường của những người lính trẻ…

* Bình luận:

– Hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau, tưởng đối lập, nhưng thực ra là bổ sung nhau, cùng khẳng định những đặc sắc của hình tượng người lính Tây Tiến: đó là sự hoà hợp giữa vẻ đẹp tráng sĩ cổ điển với vẻ đẹp chiến sĩ hiện đại để tạo nên một hình tượng toàn vẹn.

– Hình tượng có được sự hoà hợp đó là do nhà thơ đã kế thừa thơ ca truyền thống, sử dụng bút pháp lãng mạn, đồng thời đã mang được vào thơ không khí thời đại, hiện thực chiến trường, đời sống trận mạc của bộ đội Tây Tiến mà tác giả vốn là người trong cuộc.

c. Kết bài:

Khẳng định lại ý kiến, rút ra bài học.

Đề số 2:

Có ý kiến cho rằng: sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa – Nam Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa đáng trách.

Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài chi tiết

a. Mở bài:

– Nam Cao là nhà nhân đạo lớn, là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại; Đời thừa là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông trước 1945.

– Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975; Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm xuất sắc của ông thuộc giai đoạn này.

b. Thân bài

Giải thích:

Ý kiến chỉ ra sự giống nhau của hai nhân vật: đều nhẫn nhục, đồng thời chỉ ra sự khác nhau: sự nhẫn nhục của Từ chỉ là một bất hạnh đáng được cảm thông, không có gì đáng trách, còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài vừa là một bất hạnh đáng thương vừa có những sai lầm đáng trách.

Phân tích, chứng minh, bình luận

* Phân tích, chứng minh.

– Về nhân vật Từ

+ Từ là người vợ hoàn toàn yếu thế, phụ thuộc; hiền từ, nhu thuận, chăm chút chi li; thấu hiểu và tin tưởng phẩm chất tốt đẹp bền vững của chồng. Được khắc họa như một nhân vật phụ; trong không gian gia đình; thống nhất ngoại hình với tính cách.

+ Sự nhẫn nhục của Từ chủ yếu là nhẫn nhịn những hành vi thiếu tự chủ trong lúc phẫn đời mà tìm đến rượu của người chồng luôn day dứt lương tâm.

– Về nhân vật người đàn bà hàng chài

+ Là người đàn bà mạnh mẽ mà chịu lệ thuộc, chấp nhận việc hành hạ tàn tệ; sắc sảo, hiểu lẽ đời nhưng chưa có ý thức về giá trị sống, quyền sống của mình; hiểu rõ bi kịch của mình và gia đình mà chỉ cam chịu, không phản ứng.

Được khắc họa như nhân vật trung tâm; trong không gian rộng từ gia đình đến tòa án; ngoại hình và tính cách có nhiều tương phản.

+ Sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài là một cách chấp nhận những đầy đọa vô lí của người chồng quen thói bạo hành; đã thành một cách sống buông xuôi, thỏa hiệp; không những không thức tỉnh được chồng, trái lại, chỉ càng tiếp tay cho thói bạo hành gia đình.

Bình luận: Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến:

– Chỉ ra được những khác biệt thật sự trong một hiện tượng tưởng chừng hoàn toàn giống nhau, giúp người đọc nhận ra nét độc đáo của mỗi hình tượng.

– Đồng thời, giúp người đọc cảm nhận được điểm gặp gỡ và nét khác biệt trong cách nhìn nhận và mô tả đời sống cũng như trong tư tưởng của mỗi tác giả.

c. Kết bài:

Khẳng định lại ý kiến, rút ra bài học.

Đề 3: Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: “ Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước” ( Dẫn theo Trần Văn Giàu tuyển tập-NXB Giáo dục-2001)
Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) đối với ý kiến trên,

1.Tìm hiểu đề:
a:Thể loại: nghị luận ( bao hàm giải thích, chứng minh, bình luận) vể một ý kiến vể văn học.
b:Nội dung:
-Tìm hiểu nghĩa của các từ khó:
+ Phong phú, đa dạng: có nhiều tác phẩm với nhiều hình thức thể loại khác nhau
+ chủ lưu: dòng chính (bộ phận chính) khác với phụ lưu, chi lưu
+ Quán thông kim cổ: thông suốt từ xưa đến nay.
-Tìm hiểu ý nghĩa của các vế câu và cả câu:
+Văn học Việt Nam rất đa dạng, phong phú
+Văn học yêu nước là chủ lưu
c: Phạm vi tư liệu:
Các tác phẩm tiêu biểu có nội dung yêu nước của văn học Việt Nam qua các thời kỳ.

2, Lập dàn ý:
a Mở bài: Giới thiệu câu nói của Đặng Thai Mai
b Thân bài:
-Giải thích ý nghĩa của câu nói:
+ Văn học Việt Nam rất phong phú và đa dạng (Đa dạng về số lượng tác phẩm, đa dạng về thể loại, đa dạng về phong cách tác giả)
+Văn học yêu nước là một chủ lưu, xuyên suốt.

Bình luận, chứng minh về ý nghĩa câu nói:
+ Đây là một ý kiến hoàn toàn đúng
+ Văn học yêu nước là chủ lưu xuyên suốt lịch sử Văn học Việt Nam:
Văn học trung đại
Văn học cận – hiện đại.
+ Nguyên nhân:
Đời sống tư tưởng con người Việt Nam phong phú đa dạng
Do hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử VN thường xuyên phải chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước.
+Nêu và phân tích một số dẫn chứng: Nam quốc sơn hà, Cáo bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập …

c Kết bài: Khẳng định giá trị của ý kiến trên.
+ Giúp đọc hiểu hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm văn học dân tộc.
+ Biết ơn, khắc sâu công lao của cha ông trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.
+Giữ gìn, yêu mến, học tập những tác phẩm văn học có nội dung yêu nước của mọi thời đại.

Đề 4: Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: “ Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài.”( Dẫn theo Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn, 1965)
Anh (chị ) hiểu ý kiến trên như thế nào?

1.Tìm hiểu đề:
a:Thể loại: Nghị luận (giải thích – bình luận) một ý kiến bàn về văn học.
b: Nội dung:
-Tìm hiểu nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ trong ý kiến của Lâm Ngữ Đường.
+ Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ: chỉ thấy được trong phạm vi hẹp
+ Lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân: tầm nhìn được mở rộng hơn khi kinh nghiệm, vốn sống nhiều hơn theo thời gian (khi đọc sách)
+ Tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài: Theo thời gian, con người càng giàu vốn sống, kinh nghiệm và vốn văn hóa thì khả năng am hiểu khi đọc sách sâu hơn, rộng hơn.
-Tìm hiểu nghĩa của câu nói: Càng lớn tuổi, có vốn sống, vốn văn hoá và kinh nghiệm…càng nhiều thì đọc sách càng hiệu quả hơn.
c: Phạm vi tư liệu: Thực tế cuộc sống

2.Lập dàn ý:
a: Mở bài: Giới thiệu ý kiến của Lâm Ngữ Đường.
b: Thân bài:
– Giải thích hàm ý của ba hình ảnh so sánh ẩn dụ trong ý kiến của Lâm Ngữ Đường.
+ Sự khác nhau trong cách đọc và kết quả đọc ở mỗi lứa tuổi. Khả năng tiếp nhận khi đọc sách (tác phẩm văn học) tùy thuộc vào điều kiện, trình độ, và năng lực chủ quan của người đọc.
-Bình luận và chứng minh những khía cạnh đúng của vấn đề:
+Đọc sách tùy thuộc vào vốn sống, vốn văn hóa, kinh nghiệm, tâm lý, của người đọc.
+Ví dụ: Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Tuổi thanh niên: Có thể xem là câu chuyện về số phận đau khổ của con người.
Lớn hơn: Hiểu sâu hơn về giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm, hiểu được ý nghĩa xã hội to lớn của Truyện Kiều
Người lớn tuổi: Cảm nhận thêm về ý nghĩa triết học của Truyện Kiều.

-Bình luận bổ sung những khía cạnh chưa đúng của vấn đề:
+Không phải ai từng trải cũng hiểu sâu sắc tác phẩm khi đọc. Ngược lại, có những người trẻ tuổi nhưng vẫn hiểu sâu sắc tác phẩm (do tự nâng cao vốn sống, trình độ văn hóa, trình độ lý luận, ham học hỏi,…)
+Ví dụ: Những bài luận đạt giải cao của các bạn học sinh giỏi về tác phẩm văn học (tự học, ham đọc, sưu tầm sách, nâng cao kiến thức)

c: Kết bài: Tác dụng, giá trị của ý kiến trên đối với người đọc:
-Muốn đọc sách tốt, tự trang bị sự hiểu biết về nhiều mặt
-Đọc sách phải biết suy ngẫm, tra cứu

II. Bài học:
1.Đối tượng của một bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học rất đa dạng: về văn học lịch sử, về lí luận văn học, về tác phẩm văn học…

2.Cách làm: Tùy từng đề để vận dụng thao tác một cách hợp lí nhưng thường tập trung vào:
+ Giải thích
+ Chứng minh
+ Bình luận

 

Một số Lưu ý khi làm văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

  1. Về văn xuôi, thí sinh phải nắm chắc được hình tượng nhân vật cũng như giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm tự sự như tình huống, kết cấu, chi tiết… Các bạn cũng rất cần nắm chắc những dẫn chứng quan trọng, từ các chi tiết trần thuật, miêu tả đến các câu nói của nhân vật.
  2. Về thơ, yêu cầu quan trọng nhất là nắm vững chắc cảm hứng trữ tình, phân tích được những nét chính trong giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ hay bài thơ.
  3. Các bạn cần tập viết bài nghị luận xã hội ngắn, khúc chiết mà vẫn đảm bảo được nội dung kiến thức, chú ý tách riêng từng vấn đề ra để giải thích, bàn luận (chú ý mối quan hệ, sự khác biệt, tương đồng của hai vấn đề), từ đó rút ra bài học nhận thức và hành động.
  4.  Đối với bài nghị luận văn học, nên tách riêng từng chi tiết, nhân vật, đoạn thơ… để phân tích, cảm nhận, rồi mới đánh giá, nhận xét, so sánh về sự tương đồng, khác biệt.
  5.  Ở dạng đề dạng đề tổng hợp (với nghị luận văn học thường có hai chi tiết, hai nhân vật, hai đoạn thơ…; với nghị luận xã hội thường có hai vấn đề – tạm gọi là hai vấn đề có tính chất “cặp đôi” hoặc đối lập hoặc bổ sung cho nhau). Muốn cho bài làm có sức thuyết phục, cần đưa vào bài hệ thống dẫn chứng. Cả 2 cách đưa dẫn chứng: trực tiếp (dẫn nguyên văn và để trong dấu “…”; gián tiếp (kể lại dẫn chứng bằng lời của mình) đều được chấp nhận, nhưng tốt nhất là đan xen cả hai cách này. “Mẹo” hay nhất là không cần học dẫn chứng quá dài mà “cần chọn dẫn chứng thật tiêu biểu, toàn diện để học”.
  6. Nắm ý chính, viết chính xác Sai lầm lớn nhất của nhiều bạn là không nắm rõ ý nhưng cứ viết lung tung trong bài văn. Tất nhiên, việc chẳng có ý gì để viết thì thà cứ viết đại, trúng được ý nào hay ý đó sẽ tốt hơn để giấy trắng, nhưng điều này cũng chỉ gỡ gạt cho bạn những con điểm lẹt đẹt, an ủi mà thôi. Chính vì thế, với những tác phẩm được thầy cô đặc biệt lưu ý, các bạn tốt nhất là nên nắm rõ nội dung chính. Cụ thể là các bạn nên học từ bài văn mẫu và sách vở ở lớp, những ý được đưa ra phân tích đều là những ý quan trọng, mỗi ý là mỗi điểm đấy! Thêm nữa là để nâng cao “khả năng” làm văn của mình, tốt nhất bạn nên học thuộc bài học thầy cô cho ghi trong môn văn học rồi lấy nó làm nền tảng để viết chăm chút. Như thế, nếu bạn diễn đạt chưa khéo thì bạn vẫn có điểm “ý đúng” nữa đấy

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *