Nghị luận xã hội về bài thơ “Sang Thu” của Hữu Tỉnh

Đề bài: Cảm nhận bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Tỉnh.

Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về bài thơ “Sang Thu” của Hữu Tỉnh

Bao đời nay, mùa thu luôn là bạn của thi nhân và là nguồn cảm hứng dồi dào cho thơ ca. Ta đã bắt gặp một mùa thu trong trẻo của làng quê Bắc Bộ trong ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến; một mùa thu lạnh giá và u sầu ở phương Bắc trong Tu hứng của Đỗ Phủ; một mùa thu trẻ trung, đẹp và buồn đến nao lòng trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu; hay một mùa thu mơ màng trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Ấy vậy mà, đứng trước mùa thu chớm sang trong bài Sang thu của Hữu Tỉnh, ta lại có thêm một khám phá mới mẻ về mùa thu nước mình. Đó là bức tranh giao mùa thật tinh tế, sâu lắng và gợi cảm như thâu tóm hết linh hồn của mùa thu những ngày đầu vào trong câu chữ.

Khoảnh khắc giao mùa giữa hạ và thu là khoảnh khắc lạ lùng và xốn xang của tự nhiên. Nó gieo vào lòng người những xôn xao, rung động và cả những suy tư sâu lắng. Hữu Tỉnh cũng nhè nhẹ góp “một chút này” cho đề tài giao mùa. Nhiều nhà thơ khác cảm nhận mùa thu qua sắc vàng của hoa cúc, của lá ngô đồng hay qua tiếng lá khô xào xạc:

Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi… vàng rơi… Tu mênh mông
(Bích Khê)
Hay:
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Tiếng thu, Lưu Trọng Lư)

Xuân Diệu cảm nhận mùa thu đến từ những rung động nội tại:

Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
(Đây mùa thu tới, Xuân Diệu)
Nhà thơ Hữu Tỉnh lại đón nhận mùa thu bắt đầu với tín hiệu tinh
tế của mùi hương:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se

Bức tranh giao mùa không bắt đầu bằng màu sắc hay đường nét, mà bắt đầu với một tín hiệu vô hình, đó là mùi hương. Từ “bỗng” mở đầu câu thơ và cũng mở đầu bài thơ, cho thấy một tâm thế đặc biệt, đó là sự bất ngờ đầy lí thú. Nhà thơ bất chợt xao lòng khi phát hiện “hương ổi” trong không gian. Đó là hương thơm mộc mạc, dân dã gắn liền với kí ức của biết bao người. Mùa thu, mùa ổi chín ngọt lành. Nó gần gũi, quen thuộc và gắn liền với sự xuất hiện của mùa thu sau nhiều ngày vắng bóng. Hương thơm của ổi chín “phả vào trong gió se”, hòa quyện với chút se lạnh đầu thu và bay bổng, phiêu du tinh tế khắp không gian cùng những cơn gió heo may đặc trưng của mùa thu miền Bắc Việt Nam. Dường như, mỗi người con Việt Nam đều đã khắc ghi trong lòng những hương vị của quê hương xứ sở, gắn với độ thu về:

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

(Đất nước, Nguyễn Đình Ti)

Nguyễn Đình Ti khắc khoải với một mùa thu trong quá khứ, với “hương cốm mới” thân thuộc đất Hà Tành. Còn Hữu Tỉnh đón nhận mùa thu hiện tại đang ở ngay quanh mình với tất cả sự thư thái và tĩnh lặng của tâm hồn.

Tâm hồn nhà thơ dường như đã trở thành một bức lụa tinh khiết dành riêng cho mùa thu tự họa bức chân dung của mình:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Hữu Tỉnh huy động sự cảm nhận của nhiều giác quan trước bức tranh giao mùa. Từ sự phát hiện của khứu giác, nhà thơ tiếp tục hình dung dáng hình, chuyển động của mùa thu bằng thị giác. Sương thu như có hồn, có hình hài và có cả tâm trạng. “Chùng chình qua ngõ” là phong cách chuyển động “rất thu”. Câu thơ miêu tả sương thu là câu thơ đắt giá trong đoạn này. Nhẹ nhàng, điềm đạm, ung dung và chậm rãi, là trạng thái của vạn vật khi bước vào mùa thu. Những chuyển biến khác lạ của thiên nhiên đều khiến Hữu Tỉnh chú ý và thích thú. Không gian có sự hoà hợp giữa hương ổi dịu dàng, gió thu se lạnh và sương thu mơ màng tạo nên một ấn tượng đặc biệt mà ta khó lòng quên được. Vạn vật trong thời khắc chuyển mùa vì thế càng trở nên duyên dáng, nhịp nhàng. Cảm quan tinh tế của nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng, rất duyên, để rồi xao xuyến “Hình như thu đã về”. Có thể nói, khoảnh khắc giao mùa, biểu cảm giao mùa thể hiện tập trung nhất trong khổ hai của bài thơ:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Khổ hai mở ra không gian rộng rãi, mênh mang của sông thu, trời thu, mây thu. Ta đã cảm nhận cái “chùng chình” của sương thu, thì giờ đây, trạng thái “dềnh dàng”, hiền hòa của dòng sông lại khiến ta ấn tượng hơn với nhịp điệu mùa độc đáo. Đều là con sông quê hương nhưng nó êm đềm trong mùa xuân, vội vã trong mùa hạ, im lìm giữa mùa đông và “dềnh dàng” chậm rãi trong mùa thu. Hình ảnh con sông đã đi vào thơ ca bao đời nay như một biểu tượng của thiên nhiên, của quê hương đất nước. Trong tâm hồn Hữu Tỉnh, con sông ấy còn gắn với phút giao mùa, gắn với phong thái điềm đạm, ung dung, thư thái của mùa thu xứ Bắc.

Bước đi của khoảnh khắc đất trời giao mùa được nhà thơ thâu tóm trong trạng thái động của tạo vật: Cánh chim vội vã hơn bởi bắt đầu lo cái rét đang đến gần, đám mây mùa hạ đã “vắt nửa mình sang thu”. Đây là những hình ảnh đáng yêu, ngộ nghĩnh, sống động và cũng thơ mộng nhất của bức tranh thiên nhiên. Sông dưới mặt đất, chim ở trên trời; sông “dềnh dàng” chậm rãi, chim “vội vã” lo lắng… Hình ảnh thơ đăng đối hài hòa, cân xứng, gợi những chuyển động tinh tế trong khắp không gian. Đám mây và cánh chim là những thi liệu quen thuộc trong thơ ca. Ta đã biết đến cánh chim cô đơn chở trên đôi cánh cả bầu trời chiều “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” trong thơ Huy Cận; cánh chim mỏi mệt, vô định: “Ngàn mai Những gió cuốn chim bay mỏi” trong thơ Bà Huyện Tanh Quan. Ta cũng bắt gặp chòm mây cô đơn giữa trời: “Cô vân mạn mạn độ thiên không” trong thơ Hồ Chí Minh, hay những đám mây trùng trùng điệp điệp kì vĩ: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” trong thơ Huy Cận. Nhưng đến với Sang thu của Hữu Tỉnh, tạo vật sao mà trong trẻo, thư thái và êm đềm đến thế. Những âu lo cuộc đời dường như đều dừng lại ở ngưỡng cửa ngoài kia, ở đây chỉ còn lại câu chuyện của thiên nhiên với hành trình chuyển mình từ hạ sang thu! Chi tiết đám mây “vắt nửa mình sang thu” có thể coi là chi tiết đắt giá thể hiện thật sinh động trạng thái và chuyển động giao mùa.

Đến khổ thơ cuối, bức tranh giao mùa thiên nhiên có thêm cả vẻ đẹp trải nghiệm của “phút giao mùa” đời người:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Nắng của mùa hạ đấy! Mưa của mùa hạ đấy! Nhưng chúng đều không còn ở những giây phút mạnh mẽ nhất, khỏe khoắn nhất, dồi dào nhất của hạ nữa mà đang chuyển biến từ bên trong để bước sang mùa thu. Cách nói “vẫn còn” hay “đã vơi dần” vừa khẳng định mùa hạ chưa rời bước hoàn toàn khỏi không gian, vừa cho thấy sự chuyển giao thời gian của tạo hóa. Có lẽ nhận ra bước đi thời gian cũng là lúc nhà thơ có những suy tư, chiêm nghiệm đến cuộc đời mình và quy luật nói chung của nhân gian. Những hình ảnh biểu tượng nắng, mưa, sấm, hàng cây đứng tuổi, cùng nghệ thuật nhân hóa giúp Hữu Tỉnh bộc bạch, trải nghiệm một cách hình ảnh và gợi cảm. Sấm biểu tượng cho những thăng trầm, biến chuyển lớn, đột ngột trong đời. Hàng cây đứng tuổi gợi ra những con người đã bước vào độ tuổi chín chắn, từng trải, giàu kinh nghiệm. Khi đã đi qua nhiều giông bão và vui buồn, con người sẽ bớt đi những bất ngờ, thảng thốt, những cuống quýt hay sự thiếu bình tĩnh của tuổi trẻ để đón nhận tất cả với một thái độ điềm đạm hơn, bình thản hơn. Quy luật tưởng chừng giản đơn ấy lại chỉ có thể nhận ra sau nhiều tháng năm sống trong sự vô thường của đời người và chỉ có thể tự mình nhận ra mà không thể vay mượn sự trải nghiệm của người khác. Những câu thơ ngắn gọn mà dồn nén chiều dài đằng đẵng của bao năm tháng vất vả, nhọc nhằn.

Tời khắc “sang thu” trong bài thơ của Hữu Tỉnh mang một vẻ đẹp tinh tế, trong sáng và dịu nhẹ. Đó là mùa thu của những rung động hồn nhiên, giản dị trong tâm hồn một nhà thơ đã “đứng tuổi”. Và cũng bởi vậy, bài thơ không chỉ đẹp bởi những hình ảnh thơ xinh xắn, đáng yêu mà còn bởi một tâm hồn nhạy cảm, giàu chất suy tư và rất đỗi nhân hậu với cuộc
đời. Cảm ơn nhà thơ Hữu Tỉnh đã góp thêm một bức tranh thu bằng ngôn từ thân thuộc, gần gũi và có chiều sâu tư tưởng và cuộc triển lãm tranh thu Việt Nam.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *