Ôn thi hiệu quả bằng cách lập bản đồ tư duy

Phương pháp học và ôn thi bằng bản đồ tư duy (BĐTD) sẽ giúp chúng ta sử dụng sức mạnh của não bộ để tư duy, ghi nhớ. Đặc biệt, khi chúng ta đã tự thiết kế, tự ghi chép bằng giấy và bút màu thì hiểu sâu hơn vì đã biết chuyển kiến thức từ sách giáo khoa thành cách hiểu của riêng mình. Bản đồ tư duy sẽ giúp bạn ôn thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học… một cách hứng thú và hiệu quả.  

Bản đồ tư duy (BĐTD) chính là “đề cương ôn tập chi tiết”

Phương pháp học bằng bản đồ tư duy sẽ giúp chúng ta kiểm tra lại kiến thức đã học, làm tăng mức độ hiểu biết và nâng cao khả năng thuyết trình trước đông người. Ngoài ra, BĐTD còn rèn thêm khả năng vẽ, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo. Mỗi khi ôn tập cuối kỳ, chỉ cần nhìn vào BĐTD là các bạn đã có thể tự hệ thống lại kiến thức mà không mất nhiều thời gian làm “đề cương, đáp án”

“Thu nhỏ” kiến thức

Có lẽ bạn đã từng lắc đầu ngao ngán trước những trang sách dày đặc những chữ là chữ. Bạn yên tâm những trang sách, chương sách, thậm chí cuốn sách sẽ được thu nhỏ lại bằng “nắm tay” khi bạn biết chắt lọc những thông tin cốt lõi bằng những từ khóa và thể hiện nó trên BĐTD.

Thực nghiệm trên văn bản cho thấy nhiều câu dài ngoằng nhưng chỉ có vài từ chứa đựng thông tin. Số từ còn lại bạn không cần để tâm bởi nó thuộc loại những từ chêm xen đưa đẩy, quán ngữ mà thôi. Chúng sẽ “tự giác” xuất hiện khi bạn cần tạo câu để triển khai từ khóa.

BĐTD bắt đầu từ chủ đề được viết giữa trang giấy. Từ đây, những nhánh chính với từ khóa tỏa ra bắt đầu từ phía trên, bên phải và lần lượt xoay theo chiều kim đồng hồ. Mỗi nhánh chính mọc ra những nhánh phụ, cũng ghi những từ khóa do nhánh chính gợi ra. Số lượng nhánh chính và phụ ít hay nhiều phụ thuộc vào nội dung của vấn đề cần thể hiện.

on-thi-hieu-qua-bang-ban-do-tu-duy

Các nhánh trên bản đồ nên được thể hiện bằng những màu khác nhau. Cạnh từ khóa có thể vẽ những hình ảnh vui tươi, ngộ nghĩnh để làm cho bản đồ “bắt mắt” hơn.

Tấm BĐTD “nhỏ xíu” này sẽ là công cụ giúp học sinh ôn thi các môn một cách có hệ thống và hiệu quả. Những từ khóa ở các nhánh chính, nhánh phụ sẽ được bán cầu não trái ghi nhận dễ dàng nhờ các ý tưởng liên kết một cách chặt chẽ. Ngoài ra, màu sắc tươi tắn và hình vẽ vui nhộn minh họa cho từ khóa trên những nhánh ấy sẽ được bán cầu não phải lưu giữ, giúp bộ não làm việc nhịp nhàng và đồng bộ. Không để bán cầu não trái (thiên về khoa học) làm việc còn bán cầu não phải (thiên về nghệ thuật) thì cứ ngủ yên.

Bộ khung của vấn đề

Bạn sẽ hỏi, với mấy từ “lơ thơ” và vài hình vẽ “giỡn chơi” trong đầu thì làm được gì trong phòng thi? Xin thưa, nó lợi hại lắm đấy. Theo quy luật của hoạt động nhận thức được lập trình trong BĐTD, “đường đi” của ngôn ngữ sẽ không bị nghẽn. Bạn sẽ ngạc nhiên khi chỉ với vài từ khóa được bộ nhớ đưa ra, ý tưởng sẽ được hình thành và ngôn ngữ xuất hiện một cách dồi dào để diễn đạt ý tưởng ấy. Có thể hình dung rằng BĐTD là bộ khung của vấn đề, bạn chỉ việc dùng ngôn ngữ “đắp” vào để bộ khung trở thành “ngôi nhà” văn bản hoàn chỉnh.

Khả năng vẽ kém có thể là trở ngại cho bạn khi lập BĐTD. Hãy yên tâm, vẽ không đẹp là chuyện nhỏ. Có khi những hình vẽ vô lý và xấu… như ma sẽ giúp bạn nhớ lâu một vấn đề nào đó. BĐTD còn có khả năng cho bạn cái nhìn ở cấp độ “vĩ mô” của văn bản. Những nhánh chính, nhánh phụ sẽ tự động cấu trúc các đoạn văn để hình thành một văn bản hoàn chỉnh.

Những lời khuyên khi sử dụng Sơ đồ tư duy:
Màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải sử dụng quá nhiều màu sắc. Bạn có thể chỉ cần dùng một hai màu nếu thích và muốn tiết kiệm thời gian.
Nếu bạn thấy mất quá nhiều thời gian để tô đậm màu trong một nhánh, sao bạn không thử gạch chéo, đánh dấu cộng, hay chấm bi trong đó? – Rất mới mẻ và tốn ít thời gian.
Vẽ nhiều nhánh cong hơn là đường thẳng để tránh sự buồn tẻ, tạo sự mềm mại, cuốn hút.
Khi bạn sử dụng những từ khóa riêng lẻ, mỗi từ khóa đều không bị ràng buộc, do đó nó có khả năng khơi dậy các ý tưởng mới, các suy nghĩ mới.
Nếu trên mỗi nhánh bạn viết đầy đủ cả câu thì như vậy bạn sẽ dập tắt khả năng gợi mở và liên tưởng của bộ não. Não của bạn sẽ mất hết hứng thú khi tiếp nhận một thông tin hoàn chỉnh. Vì vậy, hãy nhớ trên mỗi nhánh bạn chỉ viết một, hai từ khóa mà thôi. Khi đó, bạn sẽ viết rất nhanh và khi đọc lại, não của bạn sẽ được kích thích làm việc để nối kết thông tin và nhờ vậy, thúc đẩy năng lực gợi nhớ và dần dần nâng cao khả năng ghi nhớ của bạn.
Nên thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy khi làm việc nhóm và hệ thống kiến thức đã học trong các môn học ở trường, đặc biệt là khi ôn tập cho các kỳ thi. Sơ đồ tư duy cũng giúp các bạn và các thầy cô tiết kiệm thời gian làm việc ở nhà và trên lớp rất nhiều với các phần mềm sơ đồ tư duy trên máy mà các bạn có thể làm tại nhà và gửi email cho các thầy cô chấm chữa trước khi lên lớp.
Cuối cùng, nếu bạn chỉ mới đọc để biết về sơ đồ tư duy thôi thì chưa đủ. Hãy thực hành sơ đồ tư duy ngay từ hôm nay và trải nghiệm nó…

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *