Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý

Cô Nguyễn Thị Bảy – Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) – giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố – hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Địa lý.  Để kết quả thi tốt nghiệp lớp 12 được tốt học sinh cần lưu ý mốt số vấn đề sau:

Thứ nhất: Học sinh cần bám chuẩn kiến thức và sách giáó khoa lớp 12. Qua chương trình Địa lí lớp 12, học sinh cũng phải có cái nhìn tổng thể về bộ môn này.

Có thể nói, môn Địa lí hơi khác với các môn khác là nó vừa đan xen kiến thức tự nhiên, vừa có nhiều kiến thức về kinh tế – xã hội, vì thế có những mảng kiến thức tương đối ổn định, nó chỉ có tính chất quy luật như tự nhiên, nhưng những vấn đề kinh tế – xã hội lại thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nó bị tác động và chi phối của nhiều yếu tố.

phuong-phap-on-thi-tot-nghiep-thpt-mon-dia-ly

Thứ hai: để học tốt môn Địa lí, học sinh nên phân chia thành 3 mảng đơn vị kiến thức: từ SGK, từ atlat, và thực hành.

Trong lí thuyết học sinh lại có thể phân chia thành các phần địa lí khác nhau như: địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư xã hội, địa lí các ngành kinh tế, địa lí các vùng kinh tế, hệ thống biển đảo và 3 trọng điểm kinh tế. (Theo tuần tự từ bài 2-> bài 15, bài 16-> bài 19, bài 20-> bài 31, bài 32…..)

Thứ ba: Để nắm chắc kiến thức của môn học này thì rất cần sự chú ý nghe giảng, hướng dẫn của thầy cô giáo trên lớp, bởi lẽ, muốn khắc sâu được kiến thức bộ môn thì cách học máy móc chưa hẳn đã mang lại hiệu quả cao, mà quan trọng là các em nắm được các quy luật, hệ thống, các mối liên hệ nguyên nhân kết quả, và sử dụng nhịp nhàng giữa atlat với SGK.

Thứ tư: Trong học Địa lí thì thực hành là mảng rất quan trọng vì nó không chỉ khắc sâu lại kiến thức lý thuyết mà nó còn kích thích học theo tư duy logic, trách máy móc học thuộc của các em.

Như vậy, môn địa lí trong trường học để không mất thời gian học nhiều mà vẫn nắm được kiến thức cơ bản đảm bảo cho thi tốt nghiệp thì phương pháp học tập rất quan trọng, các em có nhiều cách học khác nhau, song theo cô có một số lưu ý như:

SGK và Atlat là hai tài liệu không tách rời nhau, khi vào bài nào , cần lập sơ đồ hóa cho bài học, bài đó có mấy vấn đề, mỗi vấn đề lại được chia thành các ý như thế nào, có mấy vấn đề liên quan đến atlat, mấy vấn đề liên quan đến mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, có vấn đề nào học thuộc theo ý….

Ví dụ ngay bài 2, các em nên xác định phần vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ nên dùng atlat hành chính, atlat hình thể, phần vùng biển dùng sơ đồ vùng biển, phần ý nghĩa xác định các ý như ý nghĩa về tự nhiên, ý nghĩa về kinh tế – xã hội…vừa kết hợp atlat và học theo hướng tư duy.

Hay bài “ Đất nước nhiều đồi núi” các em nên nắm một số quy luật như đã là đồi núi cần nắm được độ cao, hướng núi, ảnh hưởng của nó đến hướng dòng chảy các con sông, hướng gió, từ đó ảnh hướng đến khí hậu, đất đai, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của vùng đó.

Hay bài “ Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa”, sau khi xác định được trọng tâm của bài học, để học theo phương pháp tư duy các em cần nắm được các loại gió đều có các ý như: nguồn gốc xuất phát, hướng, thời gia hoạt động, vị trí ảnh hưởng…

Điều đó cho thấy hầu hết các bài địa lí tự nhiên muốn khắc sâu được kiến thức thì atlat không thể thiếu được, atlat cho chúng ta nắm được vị trí, nắm được các đặc điểm tự nhiên của các đối tượng địa lí và atlat cho chúng ta thấy rất rõ về các quy luật tự nhiên.

Ngay trong bài địa lí dân cư thì atlat cũng cho ta thấy được nhiều kiến thức như: mật độ dân số, phân bố dân cư, quá trình phát triển dân số, sự thay đổi cơ cấu dân số giữa nông thôn thành thị, giữa các vùng trong cả nước…

Hay khi học sang phần địa lí các ngành kinh tế, muốn nắm được vị trí phân bố các ngành kinh tế, nguyên nhân của sự phân bố, đặc điểm cơ cấu các sản phẩm thì atlat giúp ta nắm được kiến thức nhanh và hiệu quả nhất.

Ví dụ: Sau khi học xong bài 27, cô giáo cho học sinh củng cố kiến thức bằng câu hỏi “ em hãy cho biết đặc điểm phân bố khoáng sản năng lượng của nước ta” HS có thể chỉ cần mở 2 tờ atlat khoáng sản và atlat công nghiệp năng lượng là sẽ làm rõ được nội dung vừa đề cập.

Như vây, nếu học theo các nội dung SGK sẽ rất dài và khó nhớ, còn khi vận dụng atlat thành thục để khai thác kiến thức sẽ nhanh nhớ và khắc sâu kiến thức do đó việc học địa lí sẽ hiệu quả hơn nhiều, vì bản thân người sử dụng nó đã hiểu và có thể ứng dụng đồng thời cho nhiều bài.

Còn học phần thực hành địa lí, muốn làm bài có hiệu quả, ngay từ đầu các em phải nắm rõ và phân biệt được các loại biểu đồ, các dạng biểu đồ, muốn vậy phải nắm được các từ chìa khóa để biết nên vẽ biểu đồ dạng gì, không được nhầm lẫn.

Ví dụ: có từ cơ cấu nếu từ 1 -> 3 năm thì vẽ hình tròn, nếu 4 năm trở lên thì vẽ biểu đồ miền; Một đối tượng địa lí duy nhất thay đổi theo thời gian thì vẽ hình cột; có từ tốc độ tăng trưởng thì vẽ đường biểu diễn mà năm đầu tiên là 100%, xuất phát từ trục tung….

Khi nhận xét biểu đồ cũng phải nắm được nếu nhận xét một biểu đồ hình tròn tức là so sánh các thành phần trong biểu đồ đó với nhau, thành phần nào lớn nhất, bé nhất, chênh nhau bao nhiêu lần; nhận xét biểu đồ hình cột phải tìm ra được quy luật tăng hay giảm, tăng liên tục hay năm tăng năm giảm, nếu nhận xét nhóm cột phải thấy được các thành phần đó đều tăng hay cái tăng cái giảm….

Về thi lý thuyết các em cần nắm được các dạng câu hỏi như:

  • Dạng trình bày: Nêu nội dung kiến thức như SGK và vở ghi.
  • Dạng phân tích: Dựa các ý trong SGK, để phân tích theo nội dung câu hỏi.
  • Dạng so sánh: Dựa vào nội dung SGK để đưa ra những điểm giống nhau và khác nhau của các vấn đề câu hỏi đặt ra.
  • Dạng giải thích: Các em không những nắm vững kiến thức, mà còn phải vận dụng, tổng hợp các đơn vị kiến thức, suy xét giữa các mối quan hệ giữa các đơn vị kiến thức để giải thích một vấn đề.

Ngoài phương pháp vẽ cây kiến thức, để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, thầy nhắc nhở học sinh phải luôn bám sát các vấn đề thời sự hiện nay, vì chúng rất có thể sẽ liên quan tới đề thi.

“Các em học sinh cũng phải luôn nhớ rằng với những đề thi ra theo hướng mở, học sinh phải có lập luận thuyết phục. Chỉ nhớ kiến thức lịch sử chưa đủ để có bài sử đạt điểm cao. Để có kết quả tốt, lời văn rất quan trọng, không thể thiếu trong một bài lịch sử hay, đặc biệt là cách dẫn dắt vấn đề sao cho hấp dẫn người đọc, người chấm,”

Những kĩ năng cần phải có

  1. Đọc và phân tích bản đồ, lược đồ, các loại biểu đồ, đồ thị, bảng số liệu.
  2. Vẽ các loại biểu đồ, đồ thị. Biết chọn biểu đồ phù hợp với nội dung cần thể hiện.
  3. So sánh, phân tích các mối quan hệ: giữa tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên với kinh tế – xã hội, giữa các yếu tố kinh tế – xã hội với nhau.

Một số điều cần lưu ý

  1. Giáo viên phải sử dụng sách giáo khoa Địa lí 12 xuất bản năm 2006 để hướng dẫn ôn tập cho học sinh.
  2. Khi ôn tập cần chú trọng việc tăng cường rèn luyện cho học sinh các kĩ năng và tư duy địa lí, cách học, cách làm bài, hạn chế ghi nhớ máy móc.
  3. Nên cố gắng hướng dẫn học sinh cách sử dụng Átlat địa lí Việt Nam trong học tập và làm bài thi.
  4. Các số liệu là cần thiết nhưng không yêu cầu học sinh phải nhớ nhiều số liệu. Vấn đề quan trọng là biết cách phân tích các số liệu để tìm ra kiến thức. Khi làm bài, học sinh có thể sử dụng các số liệu không phải của sách giáo khoa Địa lí lớp 12 xuất bản năm 2006, nhưng phải ghi rõ nguồn gốc số liệu.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *