Phân tích bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu – văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu

BÀI LÀM
Chiều ngày 2/9/1969, tin Bác Hồ mất đến với Tố Hữu khi ông đang điều trị ở bệnh viện. Ông vội trở về, tìm đến ngôi nhà sàn thân quen. Trời mưa tầm tã, xung quanh vắng lặng. Lòng trĩu buồn, đêm hôm ấy ông ngồi viết bài thơ này. Xuân Diệu cho đây là bài “điếu văn bi hùng”. Bài thơ thể hiện nỗi đau thương tột độ và sự cảm nhận bao quát về cuộc đời, phẩm chất và đức độ của lãnh tụ.
Hai câu thơ đầu, nhà thơ nhắc đến không khí đau buồn bao trùm đất nước, tạo ra chất bi hùng của sự kiện Bác mất. Cả nước khóc thương Người:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa…

Hình ảnh người con vắng Bác lúc đầu mang tâm trạng trống vắng bơ vơ dáng dấp, bước chân thẫn thờ trông thật tội nghiệp:

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác đứng nhìn lên

Không gian nơi Bác ở cũng nhuốm màu tang thương li biệt:

Chuông ôi, chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Hoa lá cỏ cây vắng hơi Người cũng ngơ ngơ ngác ngác:

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Tác giả sử dụng bút pháp quen thuộc với thơ ca truyền thống, gởi tâm trạng vào cảnh vật, từ ngoại cảnh mà thấy bức tranh tâm trạng, tâm hồn – sự trống vắng hụt hẫng, nỗi thương lớn lao khi mất Bác. Ngôn ngữ đối thoại nội tâm làm cho chân dung nhân vật trữ tình hiện lên chân thực, tự nhiên. Dòng thơ tuôn chảy một cảm xúc dạt dào.
Cảm xúc đau buồn tạm nguôi ngoai, nhà thơ nhắc đến chân dung lãnh tụ.
Những tâm sự vui buồn của Người khi còn sống:

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu.
…Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui nỗi mầm non trái chín cành (…)

Từ đó mà ý thơ chiêm nghiệm tổng quát:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông trọn kiếp người.
…Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Văn mẫu – Phân tích bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu

Ở lãnh tụ có bao phẩm chất cao đẹp nhưng tình thương và đức hi sinh của Người đã làm nên sự vĩ đại và bất tử. Tình nhân ái của Người vừa cụ thể thiết thực: sữa để em thơ, lụa tặng già vừa bao quát cả nhân loại còn khổ đau: nỗi năm châu – sự chia rẽ của phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ. Biện pháp so sánh tấm lòng của Bác như lòng mẹ làm cho hình tượng lãnh tụ vừa gần gũi vừa cao cả trong tình thương. Những dòng thơ vừa có cảm xúc dạt dào vừa cô đọng, khái quát về lí tưởng sống của Người.
Phong cách lối sống của Người khiến ai cũng phải ngưỡng mộ:
Bác sống như trời đất của ta.
Khi đã thấu hiểu lòng người và lẽ trời thì con người sẽ có cách ứng xử phù hợp với tự nhiên nên hòa hợp với thiên nhiên. Con người ấy đã hòa nhập với tự nhiên vì đạt được những cái tự nhiên, nghĩa là đạt đến cái huyền diệu cao sâu của sự sống. Và khi ấy con người sẽ nhận được sự nâng đỡ của tự nhiên để trường tồn cùng trời đất: Đó là ngọn nguồn sâu xa trong tinh thần lạc quan yêu đời của Bác, sinh thời Bác rất yêu thiên nhiên cây cỏ, chim muông và thích được sống giữa thiên nhiên. Cách ứng xử ấy biểu hiện bên ngoài của sự hòa đồng với trời đất.

Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn.

Nghĩ đến dân, đến nước mà không hề nghĩ đến mình là sự hi sinh và đức độ còn sống giản dị là hòa nhập với tự nhiên và là phong cách, phẩm chất trong sáng. Suốt cuộc đời người tận tụy hi sinh vì nước đến mức quên mình , còn bản thân Người sống đạm bạc, thanh sạch, cao khiết và rất mực giản dị. Tấm gương đạo đức và nhân cách ấy làm cho Người trở nên vĩ đại giữa đời thường và bất tử trong lòng dân tộc, trở thành biểu tượng về con người Việt Nam đẹp nhất mọi thời đại. Những câu thơ giàu cảm xúc của Tố Hữu đã đạt đến sự cô đọng hàm súc và sức khái quát về nhân cách và lối sống Hồ Chí Minh.
Ba khổ thơ cuối bài, cho dù tấm lòng có tiếc nhớ nhung nỗi buồn đã khuây khỏa nên tâm hồn bừng sáng lên niềm tin khi nghĩ về tương lai:

Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác-Lê nin thế giới Người Hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nguyện theo con đường, lí tưởng mà Bác đã chọn, tiếp tục cuộc hành trình nên nhà thơ thấy vững vàng, cứng rắn hơn khi nghĩ rằng Bác luôn bên cạnh:

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Âm hưởng đoạn thơ cuối điềm tĩnh, sâu lắng. Tình thương dạt dào đã lắng lại nên trí tuệ lắng kết một chân lí. Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn. Trước kia, trong bài thơ Sáng tháng Năm, Tố Hữu cũng đã thấy: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta / Ta bỗng lớn ở bên Người một chút. Đây là vẻ đẹp, sức cuốn hút kì diệu của lãnh tụ và ánh sáng tinh hoa của một nhân cách lớn có sức mạnh chinh phục, có tác dụng thanh lọc tâm hồn, nâng cao sức mạnh cho người đối diện. Sau này nhà thơ Việt Phương cũng viết:

Nguồn ánh sáng đến muôn đời chẳng tắt,
Vượt cao hơn sự chết, vẫn soi đường.
(Muôn vàn tình thân yêu bao trùm lên khắp quê hương)

Cuối bài thơ là niềm tin vào sự trường tồn của lãnh tụ trong sự nghiệp cách mạng, trong sự trường tồn của dân tộc.Bài thơ là tiếng khóc cao cả làm bất tử một con người cao cả.

Trên đây là bài phân tích bài thơ Bác ơi! của Tố Hữu. Các em cùng tham khảo nhé.

Chúc các em học tốt!

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *