Đề bài: Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Mùa thu luôn là một trong những đề tài gợi cho người đọc nhiều cảm xúc nhất. Mỗi người sẽ có một cái cảm nhận riền về mùa thu , đối với Xuân Diệu thì mùa thu bắt đầu với “rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang”, còn đối Lưu Trọng Lư thì hình ảnh màu thu lại là “con nai vàng đạp trên lá vàng khô” những khi đến thơ của Hữu Thỉnh chúng ta lại được cảm nhận một mùa thu hoàn toàn mới mẻ. “Sang thu” của Hữu Thỉnh là những cảm nhận tinh tế trong thời khắc giao mùa, bâng khuâng với những đổi thay của đất trời…
Đối với những nhà thơ khác đặc trưng của mùa thu có thể là lá vàng hay cây ngô đồng, đối với nhà thơ Hữu Thỉnh thì mùa thu bắt đầu với những cảm nhận từ Hương ổi.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Trong một ngày đẹp trời bỗng nhận ra có hương ổi thoảng qua, thoáng vô tình, sửng sốt chúng ta cảm nhận được sự thay đổi của thiên nhiên. Giữa những âm thanh, hương vị đặc trưng của mùa thu hương ổi “phả” vào trong gió se, như một sự khẳng định chắc chắn mùa thu đã về. Hương ổi là thứ hương thơm đặc biệt đánh thức khứu giác, và những cảm xúc trong lòng tất cả mọi người. Hương ổi đầu thu gợi cho người ta nhớ đến những cảm giác nhớ thương man mác đặc trưng của mùa thu.
Không những cảm nhận bằng trực giác của con người mà mùa thu còn được báo hiệu bởi thiên nhiên trong phút giao mùa. Màn sương thu đang muốn tận hưởng những cảm giác tuyệt vời của mùa thu nên cũng dùng giằng nửa ở, nửa đi “chùng chình”, động từ chùng chình đã thể hiện được sự lưu luyến những cảm giác đầu thu và thể được giây phút chớm thu đắm say lòng người.
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Từ láy “chùng chình” là sự ngắt ngoãng vô cùng uyển chuyển, là sự rung động của tâm hồn nhà thơ trước những sự đổi thay của thiên nhiên. Ngỡ ngàng, bâng khuâng, bất ngờ nhà thơ đã phát hiện ra vẻ đẹp riêng biệt của nhà thơ khi thu về. Với sự cảm nhận vô cùng tinh tế nhà thơ mới có thể thấy được những chuyển biến nhịp nhàng của các hiện tượng thiên nhiên thời tiết khi màu thu sang, hương ổi, sương là phát hiện của nhà thơ trong thời khắc chuyển mùa thiêng liêng. Hương ổi đặc trưng của thiên nhiên Việt Nam đã đánh thức khứu giác của tất cả mọi người trong thời khắc chuyển mùa.
Và từ những cảm nhận ban đầu đó mùa thu được mở rộng ra ở những không gian nhiều cung bậc cảm xúc hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Ở khổ thơ thứ hai tác giả đã không còn bỡ ngỡ với những cảm xúc mới nữa mà khẳng định luôn rằng mùa thu đã đến thật rồi. Trời thu, đất thu, không gian mùa thu… thiên nhiên đã chuyển mình sang mùa thu thật. Các chuyển động của mùa thu đã được tác giả miêu tả hết sức tinh tế: con sông dềnh dàng, thanh thản, loài chim vội vã chuẩn bị sang thu. Chuẩn bị đón những đợt se lạnh nên chúng phải chuẩn bị đi tránh rét, không phải ai cũng đủ tinh tế để nhận ra, sự vội vã trong cánh chim giữa sự chuyển mình nhẹ nhàng của mùa thu.
Điểm nhìn của nhà thơ càng được nâng lên cao khi miêu tả đến bầu trời cao rộng đám mây mùa hạ không muốn sang thu lại vắt nửa mình. Hình ảnh “đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu” là một hình ảnh rất tuyệt vời của nhà thơ, có thể nói đây là một phát hiện vô cùng độc đáo của ông. Chúng ta có thể tưởng tượng được đám mây nửa vắt mình trên bầu trời mùa hạ, nửa chuyển mình sang mùa thu tạo nên một bức tranh vô cùng sống động và độc đáo.
Đến với khổ thơ cuối khoảnh khắc thiêng liêng giao mùa không còn là những hình ảnh trực tiếp nữa mà bằng những chiêm nghiệm hết sức cụ thể.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Cái nắng của mùa hạ vẫn còn nhưng đang dần nhạt đi, những ngày giao mùa những cơn mưa mùa hạ đã không còn nữa mà đã bắt đầu vơi đi rất nhiều. Vẫn còn nắng đấy vẫn còn mưa đấy nhưng nó không còn như lúc đầu nữa. Hai câu thơ kết kết thúc bài thơ đã gợi cho chúng ta rất nhiều liên tưởng:
“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Câu thơ mang đến cho người đọc rất nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm. “Hàng cây đứng tuổi” gợi cho người đọc cảm nhận được cuộc đời của mỗi con người, cũng có lúc sinh ra, trưởng thành và già đi, đời người cũng như một loài cây. Có lẽ hàng cây đứng tuổi ở đây là cái cây của đời người, hình ảnh rất chân thật nhưng cũng mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng lớn. Sự điềm tĩnh đón nhận sấm sét cũng là sự đón nhận những dông bão của cuộc đời với sự bình thản nhất. Ở tuổi sang thu con người ta sẽ trưởng thành chín chắn hơn trước sự tác động của cuộc đời. Kết thúc bài thơ gợi cho người đọc rất nhiều liên tưởng về mùa thu và cuộc đời.
Kết cấu bài thơ hết sức tự nhiên theo mạch cảm xúc của nhà thơ. Hình ảnh của bài thơ gợi cho người đọc những hình dung của bức tranh nhiên nhiên mùa thu không chỉ bằng mắt mà còn cả bằng khứu giác, chúng ta có thể liên tưởng đến một bức tranh mùa thu yên bình ở vùng quê Bắc Bộ. Những câu thơ thâm trầm, kín đáo của nhà thơ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên của nhà thơ và sự cảm nhận hết sức tinh tế của tác giả trước những diễn biến hết của tự nhiên.
Bài thơ đã để lại trong lòng độc giả những cảm nhận vô cùng mới mẻ về mùa thu. Dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ chúng ta thấy được một bức tranh thiên nhiên vô cùng thú vị, gợi lên trong lòng chúng ta những cảm xúc yêu thiên nhiên cuộc sống hơn.