Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm xuân lúc ở nhà Lí Pá Tra trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Đề bài: Em hãy phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm xuân lúc ở nhà Lí Pá Tra trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Mị là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” mà nhà văn Tô Hoài đã giành nhiều tài năng và tâm huyết để xây dựng. Truyện được trích từ tập “truyện Tây Bắc” (1953) của Tô Hoài. Trong chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng miền Tây Bắc (1952), Tô Hoài đã có dịp sống, cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc miền núi, chính điều đó đã giúp Tô Hoài tìm được cảm hứng để viết truyện này. Tô Hoài thành công trong “Vợ chồng A Phủ” không chỉ do vốn sống, tình cảm sống của mình mà còn là do tài năng nghệ thuật cùa một cây bút tài hoa. Trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật, trong đó nổi bật và đáng chú ý nhất là biện pháp phân tích tâm lý và hành động của Mị trong từng chặng đường đời. Điểm nghệ thuật ấy thật sự phát sáng và thăng hoa trong đoạn văn miêu tả tâm lý và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân Tây Bắc. Qua đó ta thấy được giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.

Mị mồ côi mẹ, ở với cha già. Vì đẹp người đẹp nết nên Mị được nhiều chàng trai trong vùng để mắt tới. Tương lai của cô lẽ ra sẽ tốt lành, yên ấm, nhưng chì vì món nợ truyền đời của cha mẹ mà Mị bị bắt về làm con dầu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Tuổi xuân của Mị đã bị A Sử, gã con trai xấc xược và hung bạo tước đoạt, giày xéo.

Mị là một cô gái với rất nhiều phẩm chất đáng quý. Thế nhưng, Mị lại gặp phải những bất hạnh vô cùng của cuộc đời. Từ một cô gái với sức sống tiềm tàng mãnh liệt, sau khi trải qua cuộc sống như tù ngục ở nhà thống lí, Mị như bị cuộc đời bào mòn tất cả những cái hào hứng, yêu đời, trở thành một cô con gái lúc nào cũng “cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Thế nhưng, cái quý của cô gái ấy, lại chính là một sức sống mãi âm ỉ không bao giờ tắt. Và trong một đêm tình mùa xuân nơi Tây Bắc, ngọn lửa ấy lại được thổi bừng một lần nữa.

Những đêm xuân miền núi vốn đã đẹp rất mộng mị, mà đối với tâm hồn đã gần như cằn cỗi của Mị, nào những thiên nhiên, nào những hơi men nồng và nào những tiếng sáo mời gọi lại là những tác động vô cùng mạnh mẽ lên diễn biến tâm lí của nàng. Trước hết là cái khung cảnh, cái khí trời: “Hồng Ngải năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng” với màu sắc những “chiếc váu hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ”… Và giữa không khí mùa xuân nồng nàn, tiếng sáo văng vẳng mọi nẻo núi rừng “thiết tha bổi hổi” như đã mời gọi tiếng hát đã bao lâu chưa dịp cất lên của Mị:

“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”

Tiếng sáo mùa xuân được tác giả miêu tả rất khéo léo theo trình tự diễn biến tâm lí của Mị. Ban đầu, nàng nghe văng vẳng “ngoài núi lấp ló tiếng ai thổi sáo”, rồi tiếng sáo ấy tiến dần vào sân chơi trẻ con. Trong hơi men nồng, nàng nghe tiếng sáo đầu làng văng vẳng gọi ai. Đến lúc này, tiếng sáo trong lòng Mị có dịp được cất lên, mang theo những kí ức thật đẹp: “Có bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”.

Trong cái tiết trời mùa xuân ngập tràn màu sắc và âm thanh, một điều mà dường như rất đỗi xa lạ trong căn phòng bé nhỏ mịt mùng ấy của Mị, nhưng lại gần gũi biết bao với Mị của ban xưa. Mà ngày xưa, Tết đến thì Mị uống rượu. Nay, Mị cũng uống rượu. Nhưng bình rượu lần này của Mị không chỉ đơn giản là một bình rượu ngày Tết. Nó là một bình rượu của một con người khát sống, uống vào để mà khỏa lấp đi những nỗi khổ đau. Vì vậy mà Mị cứ “uống ừng ực từng bát”. Rồi Mị say. Và trong phút giây, nàng quên đi cái thực tại u tối mà nhớ về một thời khi nàng còn là một con người có đầy đủ quyền sống, quyền được đi chơi và quyền được hạnh phúc.

Trong đoạn văn, tâm trạng của Mị khi mùa xuân tới được mô tả vô cùng tinh tế và chân thực. Qua từng tác nhân mùa xuân, lòng ham sống và ý thức về quyền trong Mị tăng tiến từng bước một. Và Mị muốn đi chơi.

Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm xuân lúc ở nhà Lí Pá Tra trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Ngọn lửa ham sống bỗng bùng lên, Mị bắt tay hành động, như một dây chuyền không thể ngăn lại, bất chấp những trói buộc và sợ hãi. Mặc kệ A Sử đương sửa soạn đi chơi, Mị “đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Khi ấy, trong đầu Mị chỉ “rập rờn tiếng sáo”. Rồi “Mị cuốn lại tóc”, “với lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”. Dẫu cho A Sử lạnh lùng tra hỏi, Mị vẫn im lặng. Vì Mị muốn đi chơi, và Mị cũng sắp đi chơi rồi. Thế nhưng, cái ác của A Sử, cũng như cái tàn độc của chế độ phong kiến thực dân thời bấy giờ không cho phép Mị làm vậy. Như tạt một gáo nước lạnh vào nỗi lòng ham sống vừa cháy lên của Mị, hắn bước lại, “trói đứng Mị vào cột nhà”. Rồi hắn cứ như vậy mà ung dung bỏ đi. So sánh với Mị, những hành động của A Sử diễn ra rất nhanh chóng, và đặc biệt là rất bình thản. Chính cái ung dung, bình thản ấy lại càng bật lên cái ác khủng khiếp của hắn: hành hạ một con người trong tột độ im lặng, bình thản. Thế nhưng, có lẽ bởi hơi rượu đương nồng, hay cũng bởi lòng ham sống vẫn còn cháy âm ỉ mà “Mị đứng lặng”, như “không biết mình đang bị trói”. Và cho tới phút ấy, bên tai Mị vẫn văng vẳng tiếng sao đưa Mị vào những cuộc chơi. Rồi “Mị vùng bước đi”. Một bước đi rất mạnh mẽ nhưng đáng buồn thay, cũng rất vô vọng của một người phụ nữ khát khao được sống, được yêu, đến mức muốn bứt tung mọi giới hạn, gông xiềng của cuộc sống tù đày.

Trong toàn cảnh đêm xuân, bức tranh tâm lí của Mị thay đổi liên tục và rõ rệt: từ nhẫn nhục, cam chịu đến cựa quậy, thậm chí là vùng vẫy, để tìm sự giải thoát; từ thờ ơ, vô cảm đến sự ý thức rõ ràng về quyền sống, quyền hạnh phúc của bản thân. Đó cũng chính là nét nhân đạo vô cùng đặc sắc của tác phẩm. Tô Hoài không để Mị lún sâu vào tăm tối. Ông không để cô gái tươi vui, lắm người mê ngày ấy nhuốm màu xám xịt của thời thế. Dù cuộc sống của nàng chẳng khác chốn ngục tù là bao, Mị vẫn xứng đáng có được hạnh phúc. Và nàng chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi nàng ý thức được điều đó. Đồng thời, những đêm tình mùa xuân của trai gái Mèo được nói đến như một phong tục chứa chan tinh thần nhân đạo, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Tô Hoài cũng thể hiện là một cây bút tài năng bậc thầy, chỉ thông qua một chi tiết này thôi. Bằng ngòi bút miêu tả điêu luyện, ông đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên mùa xuân Tây Bắc rất đẹp và rất gợi cảm, không chỉ đối với Mị mà như còn chạm vào lòng người đọc. Và với thủ pháp trần thuật sinh động, hóm hỉnh và vốn từ vựng giàu có, ông đã đưa người đọc theo từng diễn biến tâm trạng của nàng Mị, khiến cho ta thấy, dường như khi sống trong không khí đó, hoàn cảnh đó, thì những tâm trạng và hành động ấy là lẽ dĩ nhiên, rất đỗi bình thường.

Vợ chồng A Phủ là một tác phẩm đặc biệt trong nền văn học Việt Nam. Kể về câu chuyện cuộc đời của những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu sống dưới áp bức của những kẻ cường quyền, tác phẩm đã khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

Trên đây là bài phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm xuân lúc ở nhà Lí Pá Tra trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. Các em cùng tham khảo nhé.

Chúc các em học tốt!

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *