Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

Đề bài: Em hãy phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

Bài làm:

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Ông là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Vì vậy, trong sáng tác của ông, các nhân vật thường được miêu tả và nhìn nhận như một nghệ sĩ. “Chữ người tử tù” là một điển hình, có lẽ ai đọc xong tác phẩm đều cảm phục và rung động trước vẻ đẹp của một anh hùng và người anh hùng đó không ai khác – Huấn Cao.

Trước hết để xây dựng hình tượng Huấn Cao, tác giả đã lấy nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát ngoài đời – một anh hùng mà tác giả hằng yêu mến, kính trọng. Cao Bá Quát đã từng sống một cuộc đời tung hoành ngang dọc, là người có tài có đức, văn hay chữ đẹp, dám đứng lên chống lại bọn thực dân phong kiến và được người đời tôn là Thánh Quát. Một mặt, Nguyễn Tuân mượn hình tượng nhân vật Huấn Cao để ngợi ca Cao Bá Quát; mặt khác, dựa vào Cao Bá Quát để khái quát lên hình tượng một anh hùng Huấn Cao mà cái đẹp của tài hoa hòa quyện với cái đẹp của khí phách.

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân

Khi nói về Huấn Cao, Nguyễn Tuân không đi vào miêu tả lai lịch xuất thân mà bằng một cách gián tiếp để dựng lên chân dung nhân vật. Cái tài viết chữ đẹp của Huấn Cao thể hiện qua đoạn đối thoại của viên quản ngục với thầy thơ lại. Khi nhận được phiến trát, viên quản ngục vừa mừng vừa lo “có phải cái người mà vùng tỉnh Sơn ta có tài viết chữ nhanh và đẹp đó không?”, thầy thơ lại trả lời “giả thử tôi là đao phủ phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”. Quản ngục biết chữ Huấn Cao “đẹp lắm, vuông lắm” và “có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Qua đó, ta thấy được thái độ trân trọng của tác giả với những bậc tài hoa và nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc.

Bên cạnh tài viết chữ đẹp, Huấn Cao còn có tài bẻ khóa vượt ngục để trở về với cuộc sống tự do. Vì như vậy mà Huấn Cao trở thành mối đe dọa cho bất kì trại nào giam giữ ông. Qua đó cho ta thấy, một con người khát khao tự do, hoài bão tung hoành. Tất cả những tài năng đó làm thành một Huấn Cao đi vào lòng độc giả như một nghệ sĩ đa tài, một anh hùng đầy khí phách.

Thế nhưng, trong xã hội phong kiến mục nát lúc bấy giờ, Huấn Cao hiện lên là một anh hùng đã “sa cơ lỡ vận”. Mặc dù vậy, người anh hùng này không giống những người anh hùng “sa cơ lỡ vận” tầm thường khác, sống những ngày cuối cùng với khí phách hiên ngang của một đấng trượng phu, một anh hùng. Điều đó được bộc lộ qua hành động “chúc mũi gông” để đánh rệp khi mới được dẫn đến nhà giam này. Hành động đó vừa thể hiện cái uy của ông với những người bạn tù, vừa thể hiện sự khinh bạc đối với bọn lính áp giải.

Ngoài ra, cái đẹp của Huấn Cao còn thể hiện ở cái “thiên lương” trong sáng. Trước sự quan tâm, biệt đãi của viên quản ngục. Huấn Cao chỉ đáp lại bằng một câu nói “ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Cách nói ngang tàng đầy ngạo nghễ thể hiện thái độ khinh bạc của Huấn Cao đối với viên quản ngục, đồng thời Huấn Cao còn cố ý sỉ nhục qua cách xưng hô “tanhà ngươi”. Bởi vì, ông đã sẵn sàng chờ đợi một trận báo thù, một trận đòn roi hay là những thủ đoạn tàn bạo của viên quản ngục – những trò đánh đập của các trại giam thời bấy giờ. Qua hành động đó, ta mới thấy được, người anh hùng Huấn Cao coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Thế nhưng, câu chuyện lại làm cho độc giả bất ngờ khi viên quản ngục lại lễ phép lui ra qua “xin lĩnh ý”, sau đó còn biệt đãi Huấn Cao và những người bạn của ông hơn trước. Chính vì thế, nó làm cho Huấn Cao luôn suy nghĩ về động cơ làm điều đó của viên quản ngục “hắn muốn gì ở ta, muốn biết thêm điều gì, tất cả ta đó khai hết rồi mà”. Nhưng khi biết rõ về động cơ của viên quản ngục, Huấn Cao chỉ mỉm cười rồi nói “nào ta có biết đâu, một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, rồi ông quyết định cho chữ viên quản ngục.

Và một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã diễn ra, Huấn Cao tay cầm bút, “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang vẽ từng nét như “rồng múa phượng bay” bằng cách dồn hết tinh hoa và khí phách vào đôi tay. Chính khí phách đó đó làm viên quản ngục cảm thấy nhỏ bé và khúm núm còn thầy thơ lại thì run run đứng cạnh. Khí phách ấy xóa bỏ mọi rào cản về địa vị và thân phận của ba con người đó, xóa bỏ luôn cảnh ngục tù đầy mạng nhện, phân gián, phân chuột mà thay vào đó là mùi thơm của giấy lụa, nghiên mực, ánh sáng phát ra từ nét chữ – ánh sáng của cái thiện, cái tâm.

Còn một phẩm chất khác nữa của một Huấn Cao. Tuy theo học đạo Nho – “trung quân” một cách mù quáng, nhưng vì thương người dân nghèo khổ, bị áp bức bóc lột bởi giai cấp thống trị mà đứng lên đấu tranh giành quyền sống cho người dân vô tội với phần trăm thành công rất bé nhỏ, còn phải bị ghép vào tội “phản nghịch” nhưng ông không hề bận tâm. Qua đó, ta thấy Huấn Cao – một con người có lòng nhân ái bao la. Qua bút pháp đối lập, tương phản, tác giả đã miêu tả thành công một Huấn Cao hoàn chỉnh, một nhân vật huyền thoại.

Kết thúc truyện, Huấn Cao đã dành cho viên quản ngục lời khuyên chân thành “Ta nghĩ thầy Quản nên thay chốn ở đi, thầy nên tìm về nhà quê mà ở rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững, rồi đến một ngày cũng nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Qua đó làm nổi bật việc “cái thiện, cái đẹp” có thể tồn tại trong “cái xấu, cái ác” nhưng không thể cùng ở chung một nơi được.

Với Nguyễn Tuân, cái tâm luôn là gốc rễ của nhân cách và là điểm xuất phát cũng là nơi đi đến của khí phách con người. Đồng thời còn có giá trị gợi lại bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được đứng trước nguy cơ bị mai một và khẳng định phẩm chất trong sáng của con người “bần tiền bất năng di/phú quý bất năng dâm/uy vũ bất năng khuất”. Nói tóm lại, Huấn Cao là một con người mang đầy đủ  những phẩm chất tốt đẹp. Tuy bị cầm tù về thể xác nhưng hoàn toàn tự do về tinh thần, tâm hồn. Hay nói khác đi, Huấn Cao dưới ngồi bút của Nguyễn Tuân là biểu tượng cho cái đẹp trong hoàn cảnh lịch sử đầy rẫy xấu xa, biểu tượng cho thiên lương cao quý. Con người sống vượt lên hiện thực tầm thường để tỏa sáng và bất tử trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời, Nguyễn Tuân còn thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với những anh hùng dám xả thân vì nghĩa lớn…“Chữ người tử tù” xứng đáng là một áng văn chương một thời vang bóng.

Trên đây là bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Các em cùng tham khảo nhé.

Chúc các em học tốt!

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *