Phân tích tác phẩm bài ca ngắn đi trên bãi cát ( Cao Bá Quát)​

Phân tích tác phẩm bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát

 

Bài liên quan :

Tìm hiểu về tác phẩm Sa hành đoản ca
Tiểu sử Cao Bá Quát
Cao Bá Quát và cuộc hành trình đi tìm lại chính mình
Giai thoại về Cao Bá Quát

Phân tích bài thơ bài ca ngắn đi trên bãi cát

1. Chu Thần – Cao Bá Quát, một hiện tượng hiếm quý trong thơ trung đại. Mà, có lẽ cho đến nay, người đời vẫn chưa đánh giá một cách sâu sắc, đích thực…. về ông – nhất là mảng thơ Hán tự.

Nếu gọi ra điệu hồn riêng trong thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, có thể khái quát trong mấy chữ này chăng: Một hồn thơ phóng khoáng, đôn hậu và cũng đầy kiêu hãnh, sâu sắc!

Với “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) – thi phẩm đặc sắc, trong chương trình Ngữ văn lớp 11, Cao Bá Quát thực sự đã kết đọng trong lòng độc giả những cảm nhận khó quên về một Người và cũng là một lớp Người: Nhà Nho tài tử! Những kẻ sĩ – nghệ sĩ yêu đến tôn thờ cái đẹp:

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Một đời (ta) chỉ biết cúi đầu trước hoa mai!)

Những kẻ sĩ – nghệ sĩ, chân thành và kiêu hãnh trong cảm hứng trước thiên nhiên mà giãi bày tâm nguyện:

Bất kiến ba đào tráng
An tri vạn lí tâm
(Nếu không thấy được sóng hùng
Làm sao biết được tấc lòng muôn phương)

2. Đứng ở góc độ người dạy, muốn thẩm định thi phẩm “Sa hành đoản ca”, tôi muốn nhấn tới một điều thiết thực, cơ bản trong giảng dạy. Đó là, giúp học sinh nắm bắt đời và thơ của thi sĩ họ Cao – tất nhiên, từ đó cần chỉ ra nét riêng, điệu riêng của thơ Chu Thần. Đấy chính là tâm thế, bức xúc của một thi nhân trước bao điều bất công, ngang trái; trước bao điều thực giả hỗn độn giữa sa mạc – cuộc đời! Cảm thức được điều đó, mới nhận ra, mới tường minh chất bản ngã, bản lĩnh riêng của nhà thơ họ Cao. Cao Bá Quát đã chọn hình thức biểu hiện của thơ ngũ ngôn – phù hợp với giọng điệu tâm tình, cho riêng những câu thơ đầu:

2.1 Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc.
(Bãi cát dài lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,
Lữ khách trên đường nước mắt rơi)

Những câu thơ đầu của “Sa hành đoản ca” mở ra một hiện trạng, một cảnh ngộ và cũng là sự lên tiếng đầy bức xúc, bức bối của nhân vật trữ tình (Khách tử).

Không gian và thời gian từ những câu thơ trên như đe doạ, như dồn lữ khách tới cái bi thương của hoàn cảnh: ngày sắp tàn (thời gian) mà không gian vẫn trải mở dằng dặc, mênh mang cát trắng (trường sa phục trường sa). Thực cảnh “bãi cát dài” ấy đem đến cảm giác thật rùng mình – “Đi một bước như lùi một bước”. Hình ảnh “bãi cát dài” vì thế có thể khơi gợi cảm hứng từ hiện thực khách quan, “được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị” (Sách Ngữ văn lớp 11 – tập I, trang 40).

Nhưng, hình ảnh “Trường sa phục trường sa” trong thơ Cao, thực sự bức bách như nỗi ám ảnh tâm tưởng. Thế nên, sự lên tiếng của nhân vật trữ tình mới quá đỗi chân thực và xúc động: “Khách tử lệ giao lạc” (Lữ khách trên đường nước mắt rơi).

Từ hình ảnh về con người nhỏ bé, mong manh giữa biển cát – cuộc đời (tất nhiên hình ảnh “trường sa” vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa là một ẩn dụ – tượng trưng), bài thơ của Cao Bá Quát lại mở tiếp ra một cấp độ nữa của cảm xúc và suy tư.

2.2. Cao Bá Quát đã mượn và tựa vào tích xưa – “Ông tiên ngủ kĩ” để gửi gắm sự sáng tạo riêng của mình trong cách nghĩ, cách nhìn vào cuộc đời và con người:

Quân bất học tiên gia mĩ thụy ông,
Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng!
(Anh không học được tiên ông có phép ngủ kĩ
Cứ trèo non lội nước mãi, bao giờ cho hết ta oán!)

Về hình thức và giọng điệu của hai câu thơ trên, mới đọc, cứ ngỡ như những lời “tiên trách kỉ”, “tự trách kỉ”. Đọc và ngẫm kĩ, lại hoá ra lời phản ứng quyết liệt của kẻ sĩ – thi nhân giàu bản lĩnh và cá tính. Làm sao có thể học “ông tiên ngủ kĩ ” để mà làm ngơ, để mà nhắm mắt, để mà “mũ ni che tai” trước bao cảnh ngổn ngang, chất chồng như cát, như núi, như nước giữa cuộc đời – nhân thế. Cao Bá Quát lên tiếng chối bỏ dạng người an phận (mà thời nào chẳng có!), để rồi chuyển tiếp sang một góc nhìn hiện thực – hiện thực đập vào mắt và chấn động tâm can về đời, về người:

Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung.
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu tuý giả đồng.
(Xưa nay phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?)

Sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong phán xét, Cao Bá Quát đã thực sự vẽ dựng nên một bức tranh cuộc đời, cũng là bức tranh nhân sinh:

– Phần đông con người – tầm thường mang bản chất tham lam, vị kỉ và bon chen. Thế nên, tự cổ chí kim (cổ lai), bọn người ấy mới khốn khổ, mới vội vã, mới xô bồ trên con đường danh lợi:

Xưa nay phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.

– Cũng chính vì ham, vì mê mải trên con đường danh lợi, mà bọn người thuộc số đông ấy thật dễ bị dẫn dụ, bị cám dỗ, bị mê hoặc bởi bao nhiêu thứ “mĩ tưủ” dậy hương đưa từ đời, từ tửu điếm- nhân sinh:

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người.

Những câu thơ của thi sĩ họ Cao như chiếu một góc nhìn trong tâm thế vừa thầm lặng cô đơn, lại cũng vừa thầm lặng kiêu hãnh; nỗi cô đơn và niềm kiêu hãnh của một con người không muốn và không thể tan hoà trong đám chúng sinh bon chen cầu danh lợi. Mượn những hình ảnh hiện hữu đơn phương từ những “danh lợi nhân”, Cao tiên sinh đã tạo nên thế tương phản, đối lập thầm lặng mà quyết liệt giữa cái tầm thường với cái thanh cao; giữa cái ồn ã sục sôi từ thiên hạ với cái lặng lẽ, cao ngạo từ con người – bản thể của mình.

Cao Bá Quátcũng đồng thời nói lên một sự thực mang tính quy luật: người tỉnh trên cõi thế, giữa thời loạn luôn là người gánh chịu nỗi cô đơn. Cô đơn nên mới một mình vất vưởng trên sa mạc mà cũng là hoang mạc – thời đại. người nghệ sĩ – kẻ sĩ chân chính cũng phải biết chấp nhận cô đơn, đau buồn mới tạo cho mình một tư thế khả dĩ đối mặt với đời.

2.3. Khúc ca đường cùng – Khúc ca bi tráng

Tứ thơ của “Sa hành đoản ca” – trong những câu thơ cuối đang thực sự vận động với nội lực đầy day dứt, trăn trở như sắp bùng phát cơn bão tố của lòng người:

Trường sa trường sa nại cừ hà?
(Bãi cát dài, bãi cát dài biết tính sao đây?)

Một câu thơ, một câu hỏi – tự nó ngân vang lời bi thiết trước hiện trạng như bế tắc, bần cùng khi con người đi đường mà chưa tìm ra đường. Chỉ thấy trước mắt: đường thật nhiều ám ảnh, ghê sợ mà “bước đường bằng phẳng thì mờ mịt”!

“Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát, chợt cất lên tiếng thơ, tiếng hát khởi phát từ lòng người, thật lạ:

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca
(Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”)

Cái hay và ấn tượng trong những con chữ của Cao Bá Quát là ở chỗ: tác giả dùng chữ “ca” (hát) chứ không dùng chữ “thuyết” (nói). Thế nên không thể: “Thính ngã nhất xướng cùng đồ thuyết” (hãy nghe ta nói lời đường cùng).

Nỗi bi phẫn, u uất trong lòng, làm sao chỉ giải toả bằng lời nói thường tình? Phải cuồng ca, sảng ca – những lời ca dậy lửa, dậy sóng từ con tim đang ngập tràn nỗi đau và niềm kiêu hãnh. Khúc ca bi tráng của Cao Bá Quát đã đến độ cao trào của cảm hứng. Trước cảnh tượng điệp trùng vây bủa của núi, của sóng, của cát… phải biết đi tìm sự giải thoát cho số phận:

Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp,
Nam sơn chi nam ba vạn cấp.
(Phía bắc núi Bắc núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam sóng muôn đợt)

Nhà thơ họ Cao chợt tìm đến mà hạ bút kết lại “Sa hành đoản ca” trong một câu thơ lạ. Và, cũng chính vì lạ mà chợt nâng cao và rộng mở, tầm cảm xúc và suy tư cho toàn bộ thi phẩm; tứ thơ cũng đột ngột dâng trào từ hình thức nghi vấn.

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?
(Anh còn đứng làm chi trên bãi cát)

Bài thơ khép lại bằng câu hỏi với bao nhiêu băn khoăn, u uất. Nhưng, cũng chính từ câu chữ ấy, lại đánh thức sự tung phá và giải thoát cho con người và cảnh ngộ. Với Cao Bá Quát, con đường giải thoát cho số phận mình là tìm đến và tham gia cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương (1854) chống lại triều Nguyễn. Từ buồn đau, bế tắc và cô đơn, trước bãi cát mịt mùng nghiệt ngã của cuộc đời – tiên sinh họ Cao tìm đến kiêu hãnh giữa thiên nhiên khoáng đạt vĩnh hằng như tâm sự của ông trong một bài thơ chữ Hán khác – “Quá Dục Thuý Sơn”:

Thiên địa hữu tư sơn
Vạn cổ hữu tư tự
Phong cảnh dĩ kì tuyệt
Nhi ngã diệc lai thử
(Trời đất có núi ấy
Muôn thuở có chùa này
Phong cảnh đã kì tuyệt
Lại thêm ta đến đây)

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *