Phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân – Văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân.

Kim Lân được biết đến từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những truyện ngắn đặc sắc về những thú chơi dân dã tài hoa của người dân quê xứ Bắc Kinh: chọi gà, thả chim, đấu vật… Cả đời cầm bút của mình, nhà văn tài năng này chỉ viết rất ít và hầu như cũng chỉ viết về người dân quê ông – vùng Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê nổi tiếng vừa trù phú tươi đẹp, vừa giàu truyền thống văn hóa.
Lần này, với truyện ngắn Làng, Kim Lân lại thành công trong việc thể hiện hình ảnh người nông dân, nhưng là người nông dân của thời đại cách mạng và kháng chiến mà tình yêu làng quê đã hòa nhập trong lòng yêu nước và tinh thần của người dân kháng chiến. Truyện Làng được viết và in năm 1948 trên tạp chí Văn Nghệ mới ra mắt số đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc và nhanh chóng được khẳng định là một trong số không nhiều truyện ngắn thành công sớm nhất của van học thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).
Cái làng đối với người nông dân – đặc biệt là vùng đồng bằng miền bắc – có một vị trí và ý nghĩa cực kì quan trọng trong đời sống và vật chất tinh thần của họ. Nó gắn bó thân thiết với họ hàng ngày và suốt cuộc đời, cả đến khi từ giã cõi đời. Vì thế, từ bao nhiêu đời nay, lòng yêu làng quê đã trở thành một tình cảm sâu nặng và tự nhiên, hơn thế nữa đã thấm sâu vào tâm thức, tâm linh của người dân quê. Đã có bao nhiêu câu ca dao đẹp nói về tình yêu quê hương và niềm tự hào về cảnh đẹp cũng như sự trù phú của những làng quê ở mọi miền đất nước. Thậm chí có khi tình cảm ấy đã bị đẩy tới sự thiên vị và trở thành một thứ tâm lí “bản vị” hẹp hòi:”Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Tình yêu làng của ông lão Hai – nhân vật chính của truyện – vừa rất chung, rất tiêu biểu cho nét tình cảm và tâm lí này của mọi người dân làng quê, lại vừa rất riêng, rất độc đáo. Đó là cái tính khoe làng từ xưa đến nay của ông. Với ông Hai, cái làng Chợ Dầu của ông thật không đâu bằng và cái gì cũng đáng tự hào: “ông khoe làng ông nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng, cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất”. Nhưng sự khoe làng của ông cũng có cái thay đổi theo thời cuộc. Hồi trước cách mạng, “mỗi bận đi đâu xa, khoe làng ông chỉ khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông”. Ông có vẻ hãnh diện cho làng có được cái sinh phần ấy lắm. Còn bây giờ thì “Ông khoe làng có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”. Ông còn khoe “những ngày khởi nghĩa rồn rập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ thời kì còn bóng tối”. Rồi ông khoe “những hố, những ụ, những giao thông hào của làng ông thì lắm công trình không để đâu hết”.

Văn mẫu phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân

Kim Lân đã thấu hiểu và diễn đạt thật sinh động và cảm động nét tâm lí này ở người nông dân mà hiếm thấy một cây bút nào đạt được như vậy, mặc dù đã có không ít tác phẩm viết về sự gắn bó với đất đai và làng quê của người nông dân Việt Nam.
Làng là một truyện ngắn có cốt truyện rất đơn giản, tập trung vào diễn tả tâm trạng của nhân vật chính – ông Hai, hay có thể nói đây là một kiểu cốt truyện tâm lí. Ngay từ những dòng đầu truyện đã mở ra với tâm trạng của ông Hai ở nơi tản cư: “Tối nào cũng vậy, cứ đến lúc nhà lên đèn và bà Hai ngồi lầm rầm tính toán những tiền cua, tiền bún, tiền kẹo… thì một tâm trạng buồn bực lại dậy lên trong lòng ông Hai khiến ông phải vùng dậy sang bên bác Thứ nói chuyện. Cái việc ông Hai cứ tối tối lại tìm sang bác hàng xóm cũng là người tản cư để nói chuyện chính là một cách giải tỏa những nỗi buồn bực, nghĩ ngợi vẩn vơ và nhất là để thổ lộ nỗi nhớ da diết cái làng của ông. Bởi vậy, trong cuộc trò chuyện chỉ có ông Hai nói và bác Thứ ngồi nghe. Mà thực ra là ông Hai cũng chẳng để ý lắm đến việc người cùng trò chuyện có nghe ông nói hay không, ông chỉ cốt nói để trút vơi tâm trạng và nhất là đỡ nhớ cái làng của mình. Ông nói chuyện về cái làng ấy một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển hoạt động”.
Trong văn học cách mạng Việt Nam đã có nhiều tác phẩm thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của nhân dân với cách mạng và đất nước, nhưng có lẽ truyện ngắn Làng của Kim Lân ở trong những tác phẩm thành công sớm nhất với cách diễn tả thật bình dị, tự nhiên và đặc sắc. Có được thành công này chính là vì tác giả rất am hiểu và gắn bó với những người nông dân và cuộc sống nông thôn nơi quê ông cùng một ngòi bút viết truyện ngắn vững vàng và đặc sắc ngay từ trước cách mạng tháng Tám.
Góp phần vào thành công truỵện ngắn Làng của Kim Lân, ngoài nghệ thuật xây dựng tình huống và miêu tả tâm lí còn phải kể đến đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật – cả ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ trần thuật.
Kim lân không thuộc số nhà văn mà khi đi vào cách mạng và kháng chiến phải cố gắng hết sức từ bỏ con người cũ của mình để thâm nhập vào đời sống nhân dân ta và sáng tác theo phương hướng “đại chúng hóa”. Kim Lân vốn rất am hiểu và gần gũi với những nhân vật quần chúng của mình, nhà văn để học được nói năng, suy nghĩ hành động một cách hết sức tự nhiên mà bộc lộ được tâm lí, cá tính rất sinh động. Trong truyện Làng, từ nhân vật chính – ông Hai- đến nhân vật phụ như mụ chủ nhà đều có ngôn ngữ vừa rất đại chúng lại vừa rất riêng của mình. Ngôn ngữ của ông Hai- cả trong những lời đối thoại và những lời độc thoại – đều rõ là lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của một ông lão nông dân vốn gắn bó tha thiết với làng quê và rất thành tâm với cách mạng, với kháng chiến. Đây là lời khoe của ông Hai về cái sinh phần của viên tổng đốc về làng ông: “Chết! Chết, tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ cụ Thượng làng tôi. Có lăm lắm là của: vườn hoa, cây cảnh nom như động ấy. Thấy báo còn hơn cái lăng cụ Thiếu Hà Đông nhiều cơ mà”. Còn đây là tấm lòng thủy chung với kháng chiến được bộc bạch qua những lời tâm sự của ông với đứa con và cũng là tự nhủ: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai”.
Kim Lân cũng sử dụng ngôn ngữ trần thuật và quan điểm trần thuật gần gũi và thống nhất với ngôn ngữ và quan điểm của nhân vật quần chúng, tạo nên sự thống nhất giữa người trần thuật và nhân vật trung tâm của tác phẩm. Sự xích lại gần nhau và đi đến thống nhất của quan điểm và ngôn ngữ người trần thuật với nhân vật quần chúng cũng là một đặc điểm khá phổ biến trong văn xuôi thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Phù hợp với quan điểm của nhân vật, lời trần thuật nhiều khi hòa vào giọng và lời của nhân vật, nhập vào ý nghĩ và tâmtrạng của nhân vật. Truyện ngắn Làng của Kim Lân còn tạo được một giọng điệu trần thuật tự nhiên, thân mật và đôi khi dí dỏm nhưng đôn hậu. Đó cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công của thiên truyện.

Trên đây là bài phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân. Các em cùng tham khảo nhé.

Chúc các em học tốt!.

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *