ĐỀ 7: Trong một lớp học nọ, thầy giáo hỏi: Các em có muốn nhìn thấy tương lai của đất nước không? Cả lớp đồng thanh: Dạ, muốn! Dạ, muốn!
Thầy giáo bảo: Vậy thì các em hãy nhìn vào gương! Trình bày suy nghĩ của em về câu trả lời của người thầy.
Suy nghĩ về “Tuổi trẻ và tương lai đất nước” qua câu trả lời của người thầy
Bài làm
Từ những ngày đầu tiên đến trường, mỗi chúng ta đều thuộc nằm lòng 5 điều Bác Hồ dạy mà mở đầu là lời dặn dò về một tình yêu lớn lao và thiêng liêng vô ngần: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Có lẽ những tình cảm lớn ấy luôn ngầm chảy và khắc ghi trong trái tim mỗi người. Nhưng nếu chỉ khắc ghi thôi thì chưa đủ, một tình yêu đủ lớn và đủ chân thành là khi có thể đem tin yêu hóa thành hành động, đưa con thuyền đất nước vươn mình giữa đại dương bao la của thế giới. Và người chắc tay chèo không ai khác chính là chúng ta, thế hệ trẻ, những học sinh hôm nay. Chính chúng ta sẽ quyết định vận mệnh của đất nước trong tương lai. Bởi vậy mới có tình huống thú vị giữa thầy và trò trong câu chuyện trên.
Câu trả lời của người thầy chứa đầy sức gợi, không chỉ để mỗi học sinh ngày hôm ấy phải suy nghĩ, mà chính chúng ta khi tình cờ biết đến cũng trăn trở rất nhiều. Lời thầy “Vậy thì các em hãy nhìn vào gương” trở thành một mệnh đề được giải đáp bằng chính mỗi người và bằng thời gian đời người. Mỗi học sinh bé nhỏ ngày hôm nay chính là sự phản chiếu từ những nụ cười, nước mắt, những hành động lớn lao hoặc giản dị, những đỉnh cao hoặc vực sâu của cha ông, của dân tộc.
Chiếc gương vốn là đồ vật thân thuộc trong mỗi gia đình, giúp người soi gương hình dung chân thật về bản thân mà không cần phải nhờ đến đôi mắt của người khác. Chiếc gương nhắc tới trong câu chuyện trên còn có ý nghĩa biểu tượng khi có vai trò giúp học sinh non trẻ còn mơ hồ về tương lai đất nước hiểu ra rằng, mình chính là đáp án cuối cùng. Vậy mỗi học sinh chúng ta khi nhìn vào gương sẽ thấy điều gì? Chẳng phải là chính chúng ta đó ư? Từ thần thái, tác phong đến một diện mạo hoàn chỉnh, sinh động đều được chiếc gương thay lời nói. Và hiểu lòng thầy, ta soi lại để nhận ra, tới lượt chúng ta, chính chúng ta lại là chiếc gương để đất nước soi thấy mình. Thầy giáo gọi chúng ta là: “Tương lai của đất nước”. Đó là sự giải thích rất hình ảnh của người thầy khi muốn giúp người trẻ hình dung một cách cụ thể. Tương lai ấy là niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn hay là nỗi buồn thương được quyết định bởi chính hành động của tôi và bạn trong ngày hôm nay. Đây quả thực là một cách nói ấn tượng, thông minh và giúp học trò khắc sâu tư tưởng.
Tại sao thầy giáo lại khẳng định học trò bé bỏng ngày hôm nay là diện mạo của đất nước trong những ngày tháng mai sau? Trước hết, lịch sử dân tộc không được viết một lần mà được viết mỗi ngày bởi lớp lớp thế hệ người Việt. Những cô cậu học trò còn đang vô lo vô nghĩ bước vào tương lai chính là người tiếp lửa truyền thống của tiền nhân. Tre già măng mọc, người trẻ tiếp nối người già, đó là quy luật hiển nhiên. Nhưng sự tiếp nối ấy không giản đơn như cách măng mọc thành tre mà là cả một hành trình lâu dài không ngơi nghỉ học tập, trau dồi và hành động. Ngay lúc này, mỗi học sinh đã là một mảnh ghép của đất nước hiện tại. Khi trưởng thành, ta lại là mảnh ghép của đất nước trong tương lai. Tương lai của đất nước là gì? Diện mạo của đất nước sẽ ra sao? Chúng ta sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi.
Diện mạo của ta là diện mạo đất nước, hành động của ta là cách đất nước hành động, thành tựu của ta là thành tựu của đất nước, vực sâu của ta là nỗi buồn sâu thẳm mà đất nước sẽ mang. Mối quan hệ khăng khít giữa mỗi công dân bất kể anh ta là học sinh, người hành khất, thương nhân, nhà khoa học… đều không bao giờ thay đổi hay phai nhạt, bởi đó là mối quan hệ đồng nhất và thiêng liêng.
Vậy chúng ta làm nên tương lai đất nước bằng cách nào? Học sinh chúng ta có rất nhiều những yếu tố thuận lợi trong “công cuộc vẽ nên diện mạo non sông” Chúng ta làm nên tương lai đất nước trước hết bằng cách làm nên tương lai của mình. Những tấm gương như từ cậu bé thơ đến nhà thơ lớn Trần Đăng Khoa, từ em bé “Ngọc Hà” trong “Em bé Hà Nội” đến Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương, từ cậu học trò say mê toán học đến chủ nhân giải thưởng Fields Ngô Bảo Châu. Đó là những tấm gương sáng để chúng ta biết rằng, chúng ta có thể làm được rất nhiều điều lớn lao. Chúng ta có một tài sản quý hơn châu báu, đó là thời gian. Hãy tận dụng thời gian của mình để học hỏi những gì tốt đẹp và bổ ích, tận dụng thời gian để hành động. Chúng ta có “nguồn nhiên liệu” hiệu quả nhất đó là sức trẻ, nhiệt huyết và niềm cảm hứng bất tận. Nguồn nhiên liệu ấy phải được gắn với những lí tưởng cụ thể, những mơ ước hoài bão thiết thực. Đây cũng là khoảng thời gian dễ dàng tiếp thu và cập nhật những điều mới mẻ từ cuộc sống xung quanh mình và thế giới rộng lớn ngoài kia. Chẳng đất nước nào có sẵn rừng vàng biển bạc, chính chúng ta sẽ tô vàng dát bạc cho Tổ quốc yêu thương. Không một độ tuổi nào có sức bật mạnh mẽ như tuổi trẻ. Ta sẽ học tập và sống đẹp sao cho ngày hôm nay chúng ta tự hào về đất nước và ngày mai đất nước tự hào về chúng ta.
Tương lai đất nước đang được tạo nên từ ngày hôm nay bởi biết bao bạn nhỏ nỗ lực từng ngày. Ví dụ như Tô Huỳnh Phúc – gương mặt đội viên tiêu biểu, ứng cử viên công dân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh đang có những nét vẽ trong sáng đầu tiên về Tổ quốc của mình. Cơn mưa huy chương vàng của Phúc mà đặc biệt là huy chương vàng trong cuộc thi Toán Quốc tế Kangaroo, kì thi Olympic Toán quốc tế Singapore 2016 và kì thi Toán quốc tế Waterloo Canada 2016 đã thực sự “dát vàng” cho non sông đất nước. Hay Nguyễn Thị Hà Trang, học sinh đạt giải nhất môn Lịch sử trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng là tấm gương tiêu biểu cho chúng ta noi theo.
Giữa bối cảnh nhiều học sinh quay lưng với bộ môn Lịch sử, khi có những kì thi Trung học phổ thông quốc gia chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi môn Sử thì giải nhất của chị như một minh chứng cho việc vẫn có những người trẻ yêu ngọn nguồn dân tộc. Những người trẻ, trong quá trình dựng xây quê hương, vươn mình hòa nhập cũng không quên những năm tháng khói lửa, hào hùng của lịch sử bốn nghìn năm dựng xây bằng bàn tay, khối óc, máu và nước mắt của dân tộc này. Nhưng tương lai đất nước cũng dễ có gam màu xám đen, bởi có không ít những bạn học sinh mỗi ngày chìm đắm trong các trò chơi điện tử, ngủ quên trên những trang mạng xã hội, sa vào những tệ nạn…
Sự lười biếng, ỷ lại của nhiều bạn thực sự dễ tạo nên diện mạo xấu xí trong tương lai. Bởi lẽ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Thực ra ngay lúc này, mỗi chúng ta đang kiến tạo đất nước mà chưa cần nói đến tương lai. Nhưng để vươn đến một tương lai xa, chúng ta cần có những chuẩn bị nghiêm túc từ kiến thức, kĩ năng, đạo đức, phương pháp… Lúc ấy, chúng ta sẽ “Gánh theo tên xã, tên làng – Những cái tên làm nên Đất Nước”, “Sẽ mang Đất Nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng”. Chúng ta sẽ nắm tay nhau, cùng tự hào nói: “Mỗi chúng con là một Việt Nam, một Việt Nam trẻ. Và xin cha mẹ, thầy cô hãy tin: Khi nhìn chúng con, bạn bè thế giới đã nhìn thấy Tổ quốc mình với những gì giản dị nhất, sinh động nhất, tươi trẻ nhất…”