Bài văn phân tích bi kịch nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng

Đề bài:Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng

Bài làm:

Trong hình tượng về người trí thức, Vũ Như Tô là nhân vật tâm đắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là con người “to lớn” vượt ra ngoài khuôn khổ thể loại bi kịch, là kiểu loại “nhân vật anh hùng của bi kịch”
( Phạm Vĩnh Cư). Vũ Như Tô có sự tương đồng với các nhân vật trong bi kịch cổ điển phương Tây như Hamlet, vua Lia, thuộc mẫu người không chịu sự áp chế… Hành động của Vũ Như Tô mang ý thức phản kháng, không hiền từ yếu đuối, có ý thức chủ động chống lại số phận.

Vũ Như Tô trở thành thiên tài đến mức huyền thoại là nhờ vào lòng ham muốn sáng tạo, tự học hỏi trau dồi nghề nghiệp: nghe tiếng ai giỏi là tìm đến thụ giáo. Niềm đam mê nghề được đền đáp xứng đáng bằng tài năng xuất chúng: vẩy bút là chim, hoa hiện lên…, thần tình biến hóa như cảnh hóa công; Sai khiến gạch đá như ông tướng cầm quân. Nhà văn gửi vào nhân vật cảm hứng ngợi ca như huyền thoại: “ngàn năm chưa dễ có một”, bởi thiên tài ấy mới xứng đáng với Cửu Trùng đài lộng lẫy.

Đặc điểm của nhân vật bi kịch là những tính cách đã định hình, thì nổi bật ở Vũ Như Tô là niềm say mê nghệ thuật. Khát vọng nghệ thuật nung nấu trong tâm hồn, nên khi gặp người “đồng bệnh” Đan Thiềm khuyên nên “tô điểm non sông” thì tài năng bung nở với một sức bật không gì có thể ngăn cản. Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài với một quyết tâm lớn, mặc cho “dân gian lầm than. Chà đạp lên tính mạng dân chúng không phải là tính cách của người thợ cả đôn hậu Vũ Như Tô. Vậy vì sao quyền sống của dân lại bị hy sinh một cách không thương xót? Bởi vì trong cuộc đấu tranh vì nghệ thuật thì con người nghệ sĩ đã chiến thắng con người đời thường. Niềm ham mê nghệ thuật của Vũ Như Tô không hề thay đổi trong suốt diễn biến kịch, mọi can ngăn đều không có tác dụng, mọi khó khăn đều được tìm cách vượt qua. Với Vũ Như Tô, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi được sáng tạo nghệ thuật, Vũ Như Tô và niềm say mê không giới hạn là trạng thái gây ra bi kịch. Sự chủ động là tính cách xuyên suốt và chi phối mọi hành động của Vũ Như Tô. Say mê với khát vọng về công trình vĩ đại có thể sánh với hóa công, nghệ sĩ miệt mài sáng tạo ngay cả khi đang bị quân nổi loạn đang truy bắt, khi biết dân chúng nổi loạn để giết ông và phá Cửu Trùng đài. Bởi vì tâm trí nghệ sĩ bị cuốn hút bởi cảnh quan tráng lệ của Cửu Trùng đài. Phải chăng chính Vũ Như Tô cũng là bi kịch đối với gia đình? Và Vũ Như Tô là hiện thân của bi kịch người nghệ sĩ khi luôn cô đơn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật?

Bi kịch nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng (hình ảnh nhân vật Vũ Như Tô)

Đối với nghệ sĩ, Cửu Trùng đài quý hơn tính mạng bản thân. Cơn nguy biến ập đến, cái chết kề cận, nhưng Vũ Như Tô vẫn bình thản: Tôi sống với Cửu Trùng đài chết cũng với Cửu Trùng đài… Hồn tôi để cả ở đấy thì tôi chạy đi đâu ( hồi V). Với Vũ Như Tô sự sống và cái chết phụ thuộc vào việc còn hay mất Cửu Trùng Đài. Khi cảm hứng nghệ thuật được thăng hoa, Vũ Như Tô là người chủ động, với hành động mạnh mẽ kiên quyết. Đây mới là lúc nghệ thuật ở trong thế giới riêng biệt của nó, hay nói như M.Bakhtin: Khi con người ở trong nghệ thuật thì nó vắng mặt trong cuộc sống, và ngược lại.

Vũ Như Tô luôn muốn được thi tài với hóa công, điều này đã nâng nhân vật bi kịch lên tầm cao vĩnh viễn mang tính nhân loại. Khát vọng sáng tạo nghệ thuật của Vũ cao thượng ở chỗ xây công trình vĩ đại cho non sông. Tâm hồn nghệ sĩ mang nỗi niềm dằn vặt nước Nam ta hùng cường, không thiếu người tài, giỏi khai khẩn ruộng hoang, khơi sông đắp đê. Vậy cớ sao lại không có đài cao mộng lớn? Ý tưởng xây tòa đài vĩ đại được nhắc nhiều lần. Không chỉ là niềm khắc khoải về thiên chức nghệ sĩ, mà thực tế Vũ Như Tô đã sống xứng đáng trong khát vọng làm non sông lộng lẫy. Đến phút cuối của cuộc đời, người nghệ sĩ ấy vẫn hy vọng, mong mỏi người đời hiểu cho khát vọng của mình: Ta tội gì? Không, ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ (…) tranh tinh xảo với hóa công (…) dựng một kỳ công muôn thuở” ( Hồi V). Với Vũ Như Tô tài năng được gắn liền trách nhiệm làm cho non sông đẹp đẽ, làm cho dân tộc có quyền tự hào: nghìn thu hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp ở nước ngoài. Vấn đề đặt ra người nghệ sĩ cần có thái độ như thế nào trong việc sáng tạo nghệ thuật chân chính? Trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc sáng tạo ra cái đẹp ở mỗi thời đại lịch sử? Đó là tầm nhìn tinh tế, nhạy cảm và sâu rộng của nhà văn về vấn đề văn hóa dân tộc. Ngày nay, nếu các dân tộc khác được soi bóng vào quá khứ qua những kỳ quan vĩ đại như Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường thành, Kim Tự tháp, Ăngcovat, thì dân tộc ta phải chật vật lắm mới tìm thấy lịch sử qua một ít lăng tẩm, đền đài ở Huế. Phải chăng là quá ít cho bề dày lịch sử một dân tộc nghìn năm văn hiến?

HÌnh ảnh Cửu Trùng đài

Cái chết bi thảm của Vũ Như Tô là tất yếu. Sáng tạo Cửu Trùng đài không phải là tội lỗi, nhưng là một quá trình xây cất tốn kém: mười mấy vạn thợ; tiền nhiều như nước sông; gỗ chất cao như núi; Trong cảnh đói kém triền miên, việc xây đài cao mộng lớn càng gây bất bình sâu sắc trong dân chúng. Xây đài trong một quan điểm cứng rắn: “ công việc tôi làm là quang minh chính đại, Vũ Như Tô thất bại vì đòi hỏi dân chúng hy sinh quá nhiều, mà họ lại không cần thứ nghệ thuật: cho vua chơi. Nghệ thuật thật khó tồn tại, khi không đi cùng quyền lợi dân chúng. Dù rất ưu ái nghệ sĩ, thì việc dân chúng giết Vũ là điều bất khả kháng. Bi kịch của Vũ Như Tô có ý nghĩa sâu sắc ở chỗ bằng khát vọng sáng tạo nghệ thuật để vươn đến cái Đẹp toàn bích, muốn mang tài năng tạo nên giá trị tinh thần vĩnh cửu. Nhưng khát vọng đẹp đẽ của nghệ sĩ không được hiểu đúng, đã bị nhân dân hủy diệt. Đây là bài học đau đớn về số phận của nghệ sĩ và nghệ thuật, mà không ít lần lịch sử đã phải trả giá.

Trong kịch Vũ Như Tô, vấn đề số phận nghệ sĩ và hành trình sáng tạo nghệ thuật được nhà văn quan tâm sấu sắc , nhân vật xoay trở trong các mối quan hệ không đơn giản. Với thợ thuyền và dân chúng, Vũ Như Tô là “Ông Cả” gần gũi, thân thiện. Ngược lại, khi với mục đích xây Cửu Trùng Đài lộng lẫy, “Ông Cả” sẵn lòng để cho vua xa xỉ, công khố hao hụt, dân gian lầm than, thần nhân trách móc. Phải chăng Vũ Như Tô đứng về phía nhà vua? Lê Tương Dực là vị quân vương tồi tệ, nhưng có tiền bạc và quyền lực. Vũ Như Tô chỉ có thể dựa vào vương quyền mới có cơ hội thực hiện khát vọng nghệ thuật, để cho tài năng được phát triển tận độ. Nhận lời xây Cửu Trùng đài, hành động của Vũ Như Tô mang phẩm chất của người nghệ sĩ luôn tôn vinh và coi nghệ thuật là cao quý hơn tất cả mọi giá trị khác trong cuộc sống. Trong xã hội phong kiến, đây là khuynh hướng nghệ thuật thoát ly cuộc sống, các nhà Nho thường tìm nơi ở ẩn, các nghệ sĩ thường trốn vào tháp ngà của văn chương.

Nghệ thuật xứng đáng được tôn vinh vì nó là sản phẩm cao quý trong sáng tạo. Nhưng vì nghệ thuật mà hy sinh và chà đạp lên những giá trị khác của cuộc sống thì cần phải xem xét lại. Xuất phát từ mục đích cao cả là sáng tạo nghệ thuật, nhưng Vũ Như Tô đã làm cho dân lầm than, man di oán giận, vì thế trở thành đối tượng cho dân chúng dồn nỗi căm hận. Dù đưa ra lý do biện hộ cho nghệ sĩ là xây một cái đài vĩ đại làm vinh dự cho non sông thì cũng không thể tha thứ cho tội ác. Mang niềm đam mê nghệ thuật nên đã không bỏ lỡ cơ hội được sáng tạo cái Đẹp, về điều này có thể cảm thông với nghệ sĩ. Nhưng vấn đề là ở chỗ Vũ không nhận thức được sáng tạo cái Đẹp lại gây tai họa cho dân chúng. Bài học rút ra là không thể coi trọng nghệ thuật mà chà đạp lên những giá trị khác trong cuộc sống. Cái chết bi thảm là bài học vô cùng đau xót, là sự trả giá cho sự nhận thức không đầy đủ của người nghệ sĩ.

Vì giá trị của cái Đẹp mà coi thường những giá trị khác của cuộc sống, đó là điều đáng tiếc cho người nghệ sĩ.Tài năng của nghệ sĩ làm ta khâm phục, nhưng tội lỗi lại gây phẫn nộ và tiếc nuối, khi: “ dân gian đói kém nổi lên tứ tung.. Trịnh Duy Sản mượn tiếng đi dẹp giặc rồi quay binh về làm loạn. Vì cái Đẹp, Vũ Như Tô đã coi Cửu Trùng Đài quý hơn sự sống muôn dân, cho nên cái Đẹp không có chỗ tồn tại. Bản chất con người vốn hướng thiện, không thừa nhận cái Đẹp được xây dựng bằng cái ác, nên Vũ Như Tô phải trả giá bằng mạng sống của mình. Trong Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân cũng thể hiện quan niệm cái Đẹp phải đi cùng cái Thiện. Nhân vật Huấn Cao là anh hùng, là nghệ sĩ viết chữ đẹp, cảm phục tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” nên nhận lời viết chữ với lời khuyên quản ngục: Hãy thay đổi nghề đi rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Phải chăng đây là sự gặp nhau trong tư tưởng của nhà văn khi thể hiện mẫu nhân vật tài hoa nghệ sĩ?

Nhân vật bi kịch Vũ Như Tô đã khẳng định tài năng vượt trội của Nguyễn Huy Tưởng bằng cái nhìn đa chiều trong con người nghệ sĩ, mở rộng ra là những vấn đề về cuộc sống và nghệ thuật. Hình tượng nghệ sĩ Vũ Như Tô là nhân vật bi kịch hoàn chỉnh.

Trên đây là bài văn phân tích bi kịch nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng, các bạn tham khảo nhé!

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *