Cảm nhận về 4 câu thơ đề từ trong “Tiếng hát con tàu”
I. Đặt vấn đề:
“Tiếng hát con tàu” là một bài thơ đặc sắc của CLV rút từ tập “Ánh sáng và phù sa” (1940) . Tập thơ như một mốc son đánh dấu sự chuyển biến của CLV trên hành trình thơ đi từ “chân trời của một người đến chân trời của tất cả”, từ “thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”. “Ánh sáng và phù sa” đã ghi nhận sự phấn đấu của người nghệ sĩ từ bỏ những triết lý siêu hình vượt qua nỗi cô đơn và những ám ảnh của quá khứ để đến với cuộc sống của nhân dân của Đất Nước. Bài thơ Tiếng hát con tàu đã thể hiện khá rõ nét những điều đó và toàn bộ nội dung của bài thơ đã được khái quát cô đọng qua 4 câu thơ đề từ:
“Tây Bắc ư? có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc 4 bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?”
II. Giải quyết vấn đề:
Những câu đề từ đối với một tác phẩm văn chương thường có ý nghĩa rất quan trọng. Nó hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả, 4 câu thơ đề từ trong THCT của CLV cũng vậy. Đây thực sự là những câu thơ hướng người đọc vào cảm hứng sáng tạo trong tác phẩm, giúp chúng ta hiểu rõ ý đồ nghệ thuật của nhà thơ.
Trong dự kiến của CLV, 4 câu thơ này còn được dùng đề từ cho cả 1 chùm thơ. Điều đó cho ta thấy 4 câu thơ đề từ này họ chỉ giúp ta hiểu được bài thơ THCT mà còn giúp ta nhận thức rõ định hướng sáng tạo của CLV trong cả một chặng đường thơ.
Khổ thơ đề từ thể hiện khát vọng lên đường về với cuộc sống rộng lớn của nhân dân, của Đất Nước và khát vọng sáng tạo tìm đến cội nguồn của cảm hứng thi ca, cũng ở những câu thơ này người đọc còn thấy hiện lên một chân lý lớn của sự sáng tạo nghệ thuật. Đó chính là sự kết hợp hài hòa tinh tế giữa cá nhân và cộng đồng, giữa chủ thể và khách thể.
1. Đoạn thơ mở đầu bằng những câu thơ có giọng hơi lý sự.
” Tây Bắc ư ? có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi tổ quốc 4 bề lên tiếng hát “
Câu hỏi mở đầu vừa như một câu hỏi lại vừa như một lời tự hỏi mang ý nghĩa tu từ rõ rệt, hỏi để có lời đáp. Song lời đáp ở đây cũng là lời tự nhủ “có riêng gì Tây Bắc”. Đâu phải chỉ có Tây Bắc mới náo nức cuộc sống dựng xây, tổ quốc ta khi ấy nơi nơi đều rộn ràng trong nhịp sống mới chứ có riêng gì Tây Bắc.
Nhà thơ đã tự nhủ, tự nói với lòng mình: đâu phải chỉ có lên Tây Bắc mà còn phải đến với mọi miền của tổ quốc, đến với “4 bề lên tiếng hát”. Khi lòng “đã hóa những con tàu” thì nhà thơ có thể chân chưa đi mà vẫn đến với những miền đất xa xôi đang “dạt dào trái chín đầu xuân”. Khi “lòng ta đã hóa những con tàu” thì con tàu mộng tưởng ấy sẽ nối “đời anh nhỏ hẹp” với “Đất Nước mênh mông”. Và như thế nhà thơ sẽ như đang có mặt và đến được với “tình em đang mong, tình mẹ đang chờ”, đến với mọi miền của tổ quốc.
Trong 4 câu thơ đề từ đáng chú ý hơn cả là câu thơ cuối :
” Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu “
Tâm hồn vốn là cái thuộc thế giới tinh thần, thuộc về tình cảm và là đối tượng thể hiện của thơ ca. Ở đây nó được nhà thơ nhận định rất độc đáo: “Tâm hồn ta là Tây Bắc”, lời thơ đã gợi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cũng giống như hình ảnh con tàu. Hình tượng Tây Bắc ở đây mang ý nghĩa biểu tượng.
Tây Bắc chính là mảnh đất đang sôi nổi cuộc sống lao động dựng xây và mời gọi biết bao người lên đường. Vì thế Tây Bắc là biểu hiện cụ thể và sống động của cuộc sống mới. Tây Bắc với nhà thơ còn là “xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng”, với 10 năm kháng chiến gian nan, 10 năm nhân dân máu đỏ. Ngọn lửa kháng chiến 10 năm với biết bao giá trị thiêng liêng như còn tỏa sáng soi đường cho nhà thơ mãi tới nghìn năm sau ->Tây Bắc là biểu tượng của kháng chiến.
Tây Bắc còn là mảnh đất có biết bao nhiêu kỷ niệm đằm thắm thiết tha của nhân dân mà nhà thơ trọn đời đã nhớ mãi. Đó là hình ảnh người anh du kích, là đứa em liên lạc và hình ảnh bà mẹ “năm con đau mế thức 1 mùa dài”. Như vậy, đến với Tây Bắc là đến với nhân dân.
Nhận xét: Với nhà thơ, Tây Bắc đó là “nơi máu rỏ tâm hồn ta ngấm đất”, là mảnh đất gắn bó với những trải nghiệm của sự trưởng thành qua bao nhiêu thử thách của nhà thơ:
“10 năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa
Nay trở về ta lấy lại vàng ta”
Ngọn lửa của cuộc chiến đấu gian khổ đã tôi luyện để nhà thơ vững bước trong cuộc sống hôm nay.
Tây Bắc với những ý nghĩa như trên đã trở thành nơi sinh thành nuôi dưỡng hồn thơ CLV. Đến với Tây Bắc là đến với cuộc sống mới, đến với kháng chiến, với những giá trị thiêng liêng, đến với những kỷ niệm thân thương nhất, với tình nghĩa sâu nặng của nhân dân. Chính vì thế nhà thơ đã khẳng định “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”. Và Tây Bắc đã có một vị trí đặc biệt trong con đường thơ CLV.
“Tây Bắc ơi người là mẹ của hồn thơ”
2. Câu thơ “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”
Câu thơ này còn chứa đựng một định nghĩa khái quát của CLV về con đường sáng tạo nghệ thuật. Thơ, đấy chính là sự thể hiện không khí náo nức sôi động của cuộc đời mới là sự vươn tới khám phá thể hiện những giá trị thiêng liêng của truyền thống dân tộc. Thơ, đó còn là sự thể hiện nghĩa tình đằm thắm sâu nặng của nhân dân và thơ cũng không thể không bộc lộ “tâm hồn ta” – một tâm hồn gắn bó hòa nhập với nhân dân Đất Nước.
– “Tây Bắc” với tất cả những ý nghĩa thiêng liêng nói trên, là ngọn nguồn, mạch nguồn và chỗ đến của thơ. Chỉ trong một câu thơ ngắn, CLV đã vừa thể hiện được những đổi thay kì diệu của lòng mình lại vừa thể hiện được những quan điểm tiến bộ về sáng tác thơ ca. Ông đã khẳng định một vấn đề quan trọng trong sáng tác: đó là thực tế cuộc sống của Đất Nước, của nhân dân, là ngọn nguồn của thơ và thơ ca chân chính phải phản ánh cuộc sống, phải bộc bạch tấm lòng của nhà thơ đối với nhân dân, với “tổ quốc 4 bề lên tiếng hát”.
Tác phẩm Nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa tinh tế giữa chủ thể và khách thể, giữa cái tôi và cái ta, giữa tư tưởng tình cảm của người nghệ với cuộc sống rộng lớn của nhân dân, Đất Nước. Ở một bài thơ khác, CLV cũng đã thể hiện rất rõ quan điểm đó:
Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Đọc câu thơ “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”, chúng ta không thể không chú ý tới cách diễn đạt của tác giả: 3 chữ “chứ còn đâu” cho ta thấy sự quả quyết, đinh ninh với một niềm tin vững chắc: chẳng cần phải tìm đối tượng thơ ca ở đâu xa, hãy đến với những kỉ niệm đẹp của lòng mình, hãy có một tâm hồn gắn bó thiết tha với tổ quốc, với cuộc sống mới, với kháng chiến, với nhân dân là sẽ đến được với ngọn nguồn của thơ ca.
III. Kết thúc vấn đề:
4 câu thơ đề từ đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn nhan đề của bài thơ “Tiếng hát con tàu“. Chính là tiếng hát con tim là tấm lòng của nhà thơ hướng về Tây Bắc, về cội nguồn của thơ ca. Cuộc sống mới sôi động, náo nức của Đất Nướctrong những năm 58-60 đã trở thành một sự thôi thúc giục giã tỏ lòng nhà thơ.
CLV đã có một khao khát lên đường mãnh liệt, một nhu cầu muốn hòa mình vào cuộc sống lớn của nhân dân, của Đất Nước. Trong tập “Ánh sáng và phù sa” đã hơn 1 lần ta bắt gặp niềm khao khát ấy”.
“Ơi chim én có bay không chim én
Đến những đảo xa, đến những đảo mờ
Ở đâu chưa đi thì lòng sẽ đến
Lúc trở về lòng ngậm những cành thơ”
4 câu thơ đề từ đã khái quát nội dung của bài thơ THCT, thể hiện niềm khát vọng về với cuộc sống của nhân dân Đất Nước, khát vọng tìm đến cội nguồn thi ca của nhà thơ. Qua 4 câu thơ này, chúng ta hiểu rõ hơn nhận thức mới trong sáng tác của nhà thơ, CLV đã khẳng định với mình, và với các bạn thơ: Hãy đi ra khỏi cái cô đơn của đời mình và hòa nhập với mọi người hãy vượt ra khỏi chân trời của cái tôi nhỏ bé để đến với cuộc sống chung rộng lớn, đi theo con đường ấy sẽ đến được với Nghệ thuật chân chính.
4 câu thơ đề từ cũng thể hiện phong cách Nghệ thuật của CLV, đó là sự kết hợp giữa trữ tình và triết lý.
Trên đây là bài văn Cảm nhận về 4 câu thơ đề từ trong “Tiếng hát con tàu”. Các bạn tham khảo nhé!