Phân tích những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về thiên nhiên lúc giao mùa trong bài thơ Sang thu.

Đề bài: Em hãy phân tích những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về thiên nhiên lúc giao mùa trong bài thơ Sang thu.

Bài văn mẫu Phân tích những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về thiên nhiên lúc giao mùa trong bài thơ Sang thu.

I. MỞ BÀI

Mùa thu – mùa đẹp nhất trong năm – đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca. Nếu như văn học trung đại có Nguyễn Khuyến với ba bài thơ thu nổi tiếng là Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh văn học cận đại có Xuân Diệu với Đây mùa thu tới, Lưu Trọng Lư với Tiếng thu thì văn học hiện đại cũng có Hữu Thỉnh với bài Sang thu. Bằng cảm nhận tinh tế và những hình ảnh giàu sức biểu cảm, bài thơ đã thể hiện những biến chuyển của đất trời và tâm hồn con người từ cuối hạ sang đầu thu.

II. THÂN BÀI

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Nhà thơ Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942 ở một làng quê tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963, ông nhập ngũ, vào binh chủng Tăng – Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ.

Bài thơ Sang thu được ông sáng tác năm 1977, khi chiến tranh đã kết thúc, thể hiện những cảm nhận tinh tế của tác giả trước mùa thu hòa bình. Thể thơ năm chữ đã giúp miêu tả tinh tế và sâu sắc những biến chuyển của đất trời vào buổi giao mùa từ hạ sang thu.

2. Phân tích

Khổ thơ, và cả bài thơ, được mở ra bằng một chữ bỗng, gợi nên cảm giác bất ngờ, đột ngột, đầy ngỡ ngàng của tác giả khi nhận thấy những dấu hiệu báo mùa thu tới. Thơ ca tự cổ chí kim đã viết rất nhiều về những dấu hiệu ấy, từ sắc vàng hoa cúc cho tới lá khô rải thảm, ngô đồng nhất diệp lạc…

Hữu Thỉnh không đi theo lối mòn ấy, mùa thu trong ông bắt đầu với hương ổi – mùi hương vô cùng giản dị và gần gũi của vùng nông thôn miền Bắc quê ông. Nếu như cậu bé Trần Đăng Khoa ngày nào đã nhận ra mùa thu tới chỉ bởi hình ảnh Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau thì bây giờ Hữu Thỉnh nhờ đến hương ổi để nhận ra điều đó. Phải là một người yêu quê hương tha thiết mới có thể viết được như thế! Từ phả ở đây được dùng rất chính xác, động từ ấy đã gợi lên hương ổi thơm đậm đà, hòa quyện và sánh lại trong gió. Những cơn gió se hơi khô, hơi lạnh đặc trưng của mùa thu ấy lại càng tinh lọc, cô đặc thêm mùi hương. Chúng đem hương ổi, hương thu tới từng ngõ ngách, đánh thức tâm hồn thi sĩ. Từ se là đang tả gió, hay là tả cái co mình hơi run của vạn vật khi gió lướt qua? Từ gió, tác giả nhận ra sương:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về

Sương giăng mắc khắp không gian như một tấm màn hơi nước mỏng. Từ láy chùng chình như vừa tả sự khoan thai, chậm rãi của màn sương, lại vừa như tả những bước chân nhẹ nhàng của nàng Thu đang rón rén bước vào không gian. Hay sự chùng chình ấy cũng chính là cảm giác bâng khuâng, lưu luyến của nhà thơ khi thu tới. Ngay cả cái ngõ mà sương đang ngập ngừng đi qua ấy cũng là một ẩn dụ rất thơ, rất tinh tế. Nó vừa là cái ngõ quê trong thực tại, lại vừa là cửa ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Ở đó có hương trong gió, có gió trong sương, những dấu hiệu đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Thế nhưng, dù đã cảm nhận được mùa thu qua ba giác quan khứu giác – hương ổi; xúc giác – gió; thị giác – sương chùng chình, tác giả vẫn chưa hết sững sờ, vẫn chưa dám tin là thu đã về nên thầm hỏi lại mình trong câu thơ cuối. Sự bâng khuâng, mơ hồ ấy được lột tả qua hai chữ hình như, càng tạo thêm vẻ khói sương lãng đãng lúc thu sang. Bằng những cảm nhận tinh tế và sự điêu luyện trong ngôn từ, Hữu Thỉnh đã gợi lên cảm xúc lưu luyến, bâng khuâng trong lòng người khi nhận ra thu về. Sau cảm giác ngỡ ngàng ấy, nhà thơ mới bắt đầu xem xem thu đã về có là thật hay không.

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã

Không gian của ý thơ được mở rộng. Bức tranh thu không còn chỉ gói gọn trong không gian nhỏ hẹp của ngõ với những nét vô hình như hương, gió mà trở nên rộng hơn, cao hơn với những thứ hữu hình, cụ thể như sông, chim, mây. Vế đối ở hai câu đầu rất chặt chẽ, rất thực nhưng vẫn rất đẹp, rất thơ.

Dòng sông không còn chảy cuồn cuộn, dữ dội, gấp gáp như những ngày mưa lũ mùa hạ. Từ láy dềnh dàng đã tả được hết sự êm ả, lững lờ như thể sông đang lắng lại, đang trầm tư, suy ngẫm. Nhịp chảy chậm rãi, thư thả ấy kết hợp với từ “được lúc” đệm vào như gợi lên sự tranh thủ nghỉ ngơi của sông vào mùa thu. Phải chăng dòng sông ấy cũng chính là dòng sông Dùng dằng hoa quan họ/ Nở tím bên sông Thương trong bài Chiều sông Thương của tác giả?

Tương phản với sông là sự vội vã của chim. Khi khí trời chuyển lạnh cũng là lúc các loài chim chuẩn bị cho chuyến di cư về phương Nam tránh rét trong mùa đông. Chúng vội vã vì mùa thu tới báo hiệu một mùa đông lạnh giá cũng sắp đến gần. Và mới chỉ bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã, tức là mới chỉ là sang thu thôi chưa hẳn là đã thu.

Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vì chưa hẳn vào thu nên mới có một đám mây mùa hạ duyên dáng vắt nửa mình sang thu. Đám mây ấy cũng có nét gì đó giống Đám mây trên Việt Yên / Rủ bóng về Bố Hạ trong Chiều sông Thương nhưng ở Sang thu vẫn đẹp hơn, thơ hơn vì nó là đám mây chuyển mùa. Bầu trời lúc ấy như một bức tranh tuyệt đẹp về màu sắc, trải từ sắc hạ sang sắc thu. Nếu như ở khổ đầu tiên, cần có một cái ngõ thực để gợi lên ngõ thời gian thông giữa hai mùa thì ở khổ thứ hai, chỉ cần một áng mây lơ lửng cũng gợi ra được ranh giới rất nhẹ giữa hai mùa. Có cảm giác như đám mây là chiếc khăn voan đang được mùa hạ trao cho mùa thu, nó vẫn là của mùa hạ đấy, nhưng đã nhuốm sắc thu rồi. Phải rất nhạy cảm và tinh tế mới thấy được, mới sáng tạo được một hình ảnh thơ đẹp như thế! Hữu Thỉnh đã tạo nên được những hình ảnh rất đẹp và giàu sức gợi cảm bằng cảm nhận tinh tế và sự sáng tạo của mình Nếu như cái hay của khổ đầu tiên là ở những từ ngữ gợi nên nhiều ẩn ý, cái đẹp của khổ thứ hai là ở những hình ảnh thơ đẹp và tinh tế thì khổ ba nổi bật lên nhờ ý nghĩa triết lí trong đó. Mùa thu không
còn được cảm nhận trực tiếp nữa mà qua kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm của nhà thơ.

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Vẫn có nắng, có mưa, có sấm như mùa hạ, nhưng tất cả đều đã đi vào chừng mực, ổn định, tạo cảm giác lắng đọng. Nắng tuy vẫn còn nhưng không còn gay gắt, oi ả và chói chang nữa mà đã dịu đi. Những cơn mưa rào xối xả cũng vơi đi, nhẹ bớt dần. Dường như khí thu khiến cho vạn vật đều muốn nghỉ ngơi.

Ngay cả sấm chớp, bão dông cũng không còn đột ngột, bất chợt nữa. Nhưng Hữu Thỉnh đâu chỉ viết một bài thơ tả cảnh sang thu bình thường, trong đó là một điều sâu xa hơn thế. Nghệ thuật ẩn dụ trong hai câu thơ cuối đã gợi ra tính chất triết lí của bài thơ. Sấm không chỉ là dông bão, mà còn là những khó khăn, thách thức của cuộc đời. Còn hàng cây đứng tuổi kia cũng chính là sự từng trải, chín chắn của con người sau khi trải qua những giao lao ấy. Bão táp, dông tố của cuộc sống sẽ cho ta thêm kinh nghiệm, tôi luyện ý chí, giữ cho ta sự điềm tĩnh để kiên cường đối mặt với những khó khăn sắp tới.

Qua đó, con người sẽ trưởng thành hơn, sâu sắc và thâm trầm hơn, vững vàng hơn trước những tác động của ngoại cảnh. Điều đó đã giải thích vì sao khi nhận thấy mùa thu, nhà thơ không reo lên Thu đã về mà chỉ cảm nhận rồi mơ hồ tự hỏi Hình như thu đã về. Đứng tuổi cũng là lúc đã qua thời thanh niên sôi nổi bồng bột để chợt nhận ra rằng sao thời gian trôi qua thật nhanh, bỗng chốc mà đã nửa đời người, thấy đời mình cũng đã sang thu. Đó cũng là tâm trạng của tác giả – một người lính đã trải qua bao đạn bom, khói lửa chiến trường trước khi được cảm nhận mùa thu thanh bình, được chứng kiến hòa bình độc lập hôm nay. Nhìn lại quãng đời đã qua, ta vừa như muốn sống chậm lại để nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống, vừa cảm thấy mình chưa làm được gì nhiều nên muốn khẩn trương, gấp gáp hơn. Như vậy sự dềnh dàng của sông và vội vã của chim trong khổ thứ hai cũng là để chỉ sự thay đổi của con người lúc thu sang nữa. Thu không chỉ tới trong thiên nhiên đất trời mà cả trong suy nghĩ, trong tâm tưởng mỗi người. Khổ thơ thứ ba đã hoàn chỉnh ý thơ của cả bài và gợi ra nhiều suy ngẫm về triết lí mà tác giả muốn gửi gắm tới độc giả.

3. Bàn luận

Mác-xen Prút-xơ đã từng nói: Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. Cũng chỉ là mùa thu thôi mà mỗi nhà thơ có một cách thể hiện thật khác biệt. Hữu Thỉnh cũng vậy, ông không chỉ cảm nhận được mùa thu đến trong từng hơi thở của đất trời mà còn truyền tải những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khó tả của mình đến với người đọc bằng những hình ảnh rất giàu sức gợi. Để rồi khi đọc xong bài thơ, ta chợt thấy như thu đã về trong tâm hồn mình.

III. KẾT LUẬN

Có ai từng nói: Thơ là người thư ký chân thành của trái tim. Quả vậy, bài thơ Sang thu đã thể hiện những chuyển biến của thiên nhiên đất trời lẫn trong tâm hồn con người từ cuối hạ sang đầu thu. HữuThỉnh không chỉ mang tới những cảm nhận tinh tế, sáng tạo, những hình ảnh đẹp và giàu sức gợi cảm mà còn làm dậy lên trong ta tình yêu đối với thiên nhiên, với làng quê thôn xóm và rộng hơn nữa là cảnh thanh bình trên đất nước. Nhà thơ còn muốn gửi gắm một thông điệp ý nghĩa: Sau những thử thách, gian lao của cuộc đời, con người sẽ trưởng thành hơn, điềm tĩnh hơn trước những tác động của cuộc sống.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *