Phân tích vẻ đẹp của người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của người lính trong bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng)\

Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Quang Dũng bước vào con đường sáng tạo văn học nghệ thuật từ trước Cách mạng tháng Tám nhưng đến thời kì kháng chiến chống Pháp, ông mới thực sự khẳng định được tài năng và phong cách sáng tạo của mình. là một người tài hoa, Quang Dũng đã thể hiện ngòi bút của mình trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật: hội họa, âm nhạc, văn chương. Ở lĩnh vực nào, ông cũng có những đóng góp nhất định. Nói đến Quang Dũng, trước hết là nói đến lĩnh vực thơ ca. Chất thơ hào hoa, lãng mạn của Quang Dũng không những dồi dào trong những bài thơ trữ tình mà còn đi vào những trang văn, bản nhạc, bức tranh của ông. Quang Dũng sáng tác thơ không nhiều nhưng dấu ấn tâm hồn và phong cách sáng tạo của ông vẫn in khá đậm trên hành trình thơ Việt Nam hiện đại.

Bài thơ Tây Tiến được Quang Dũng viết năm 1948, với nhan đề là Nhớ Tây Tiến. Năm 1975, bài thơ được tác giả đổi tên thành Tây Tiến.

Xuyên suốt bài thơ là một nỗi nhớ da diết, mênh mang về người, về cảnh, về những kỉ niệm ở đoàn quân Tây Tiến, nơi Quang Dũng đã sống những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời cầm súng và cầm bút của mình. Hình tượng nhân vật trữ tình trung tâm của bài thơ là người lính hào hoa, lãng mạn dấn thân vào cuộc chiến đấu với ý chí quyết tâm, với những ước mộng cao đẹp và với một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm.

Bài thơ mở đầu bằng tiếng gọi thiết tha như vọng từ xa thẳm:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Nhớ về Tây Tiến là Quang Dũng nhớ về dòng sông Mã, nhớ về cảnh núi rừng miền Tây. Nỗi nhỡ man mác, mênh mang như gửi về muôn nẻo: “nhớ chơi với”. Cả một miền đất xa xôi lần lượt hiện về sống dậy trong dòng hồi tưởng của nhà thơ:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Không gian núi rừng thật hùng vĩ và huyền ảo, một không gian ngập tràn sương khói, sương buông dày che lấp cả đoàn quân. Không gian bồng bềnh sương khói ấy gợi về một thế giới vừa hư vừa thực đầy bí ẩn.

Sau cái nhìn toàn cảnh, nhà thơ tái hiện con đường hành quân gập ghềnh khúc khuỷu với đèo cao, dốc đứng, với vực sâu thăm thẳm, với mưa lũ thác gào. Cảnh ấy được Quang Dũng khắc họa bằng những câu thơ gân guốc, giàu tính tạo hình:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.

Những câu thơ này không những được tạo hình bằng ảnh mà còn được tạo hình bằng thanh điệu. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng tạo hình như thế:

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.

Bản thân thanh điệu của câu thơ đã đủ diễn tả con đường gập ghềnh ấy. Mà Nguyễn Du đâu trực tiếp miêu tả con đường, nhà thơ chỉ miêu tả vó câu (bước chân ngựa) và bánh xe lăn đi như thế nào là người đọc hình dung ra con đường rõ mồn một.

Ấn tượng lớn nhất về con đường miền Tây mà Quang Dũng tái hiện là độ cao và độ sâu của nó. Dốc lên đã gập ghềnh, khúc khuỷu lại cao thăm thẳm không cùng. Lúc đến đỉnh cao, mũi súng như đã chạm tới trời xanh. Lên cao rồi xuống sâu, con đường gấp xuống đột ngột, câu thơ như đứt gãy giữa dòng: Ngàn thước lên cao/ ngàn thước xuống”. Con đường ấy lúc lên thì heo hút, xa thẳm, vời vợi ngàn trung, lúc xuống thì thẳm sâu mờ mịt. Đứng trước không gian ấy, ai mà không có cảm giác hãi hùng rợn ngợp? Nhưng Quang Dũng đã kịp thời cân bằng lại cảm giác, giữ người đọc trong trạng thái chơi vơi:

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Con mưa giăng giăng khỏa lấp không gian gập ghềnh đầy những núi cao vực thẳm và tạo nên một ấn tượng bằng phẳng như thanh điệu của câu thơ. Có thể hiểu câu thơ này theo hai mức độ và sắc thái khác nhau. Từ trên đỉnh đèo cao nhìn ra xa, người lính Tây Tiến thấy những ngôi nhà ở Pha Luông thấp thoáng trong cơn mưa. Cũng có thể hiểu, khi cơn mưa trút xuống, cả một vùng rộng lớn mịt mờ trắng nước, ngỡ như biển khơi; những ngôi nhà ở Pha Luông như dập dềnh trên biển lớn. Giữa nền thiên nhiên hùng vĩ và dữ dội ấy, hiện lên hình ảnh đoàn quân đang miệt mài trèo đèo lội suối băng rằng. Có những người không có đủ sức bước nữa đã gục xuống và trút hơi thở cuối cùng:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục trên súng mũ bỏ quên đời.

Hình ảnh nhà thơ nói lên sự hi sinh mất mát lớn lao nhưng không gợi lên tình cảm bi lụy. Người chiến binh ấy đã vượt lên bao gian khổ khó khăn, đến lúc sức tàn lực kiệt vẫn cố gắng tiến bước, bước đến giây phút “bỏ quên đời” mới yên nghỉ dọc đường trường chinh, anh chết trong cuộc hành trình của đoàn quân anh dũng.

Ấn tượng mạnh mẽ nhất trong đoạn thơ đầu là cảnh thiên nhiên miền Tây. Cái dữ dội vốn có của nó càng trở nên dữ dội hơn qua cách cảm nhận của Quanh Dũng. Có lúc thiên nhiên trở thành một lực lượng hung bạo đe dọa sự sống của người chiến sĩ:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Hai câu thơ gọi về một thế giới hoang sơ, dữ dăng, bí ẩn nơi “thâm sơn cùng cốc” “rừng thiêng nước độc”. Thiên nhiên ở đây không phải là đối tượng thưởng ngoạn mà là đối tượng đương đầu. Thiên nhiên là hiện thân của uy lực hoang sơ muốn uy hiếp tinh thần người lính những họ vẫn dám đương đầu và chế ngự bằng ý chí, quyết tâm to lớn của mình. Phải chăng miêu tả một thiên nhiên như vậy, Quang Dũng muốn làm nổi bật vẻ đẹp lãng mạn, phi thường của người lính?

Cuộc sống khó khăn gian khổ là thế, nhưng người lính Tây Tiến vẫn có không ít những kỉ niệm ngọt ngào, vẫn có bao cảnh thơ mộng để mà ghi nhớ:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thêm nếp xôi.

Hai câu thơ này được nhiều người nhắc đến như những hình ảnh đẹp nhất của cuộc sống miền Tây. Biết bao nhớ nhung lưu luyến được nhà thơ gửi gắm trong hai câu thơ trữ tình đằm thắm ấy. Cuộc sống bình dị mà đầm ấm biết bao, đầm ấm không chỉ ở cảnh “cơm lên khỏi”, ở hương vị “thơm nếp xôi” mà còn ở tình người thắm thiết.

Người lính Tây Tiến phải chịu đựng biết bao gian khổ khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ vẫn rất lãng mạn, yêu đời. Ở nơi rừng thẳm heo hút ấy, họ vẫn cất lên lời ca tiếng hát trong những đêm liên hoan văn nghệ. Đó là những ngày hội tưng bừng vui vẻ, ánh sáng trong ngọn đuốc bùng lên, niềm vui cũng bừng lên trong ánh mắt người lính Tây Tiến:

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Tham dự những “hội đuốc hoa” ấy, nhiều lúc Quang Dũng sung sướng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đồng nội. Người thiếu nữ lên sân khấu lộng lẫy trong “xiêm áo”, e ấp dịu dàng trong dáng điệu, quyến rũ trong lời ca tiếng nhạc có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người lính lãng mạn và đa tình như Quang Dũng. Cái tôi trữ tình của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ này là cái tôi trữ tình nghệ sĩ hào hoa. Con người hào hoa ấy ra đi từ mảnh đất Hà thành nên càng dễ say cảnh, say người xứ lạ. Nhà thơ ngắm cảnh và thâm nhập vào linh hồn của cảnh, ngắm người và thâm nhập và vẻ đẹp của tâm hồn người:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Hình ảnh “dáng người trên độc mộc” mang những nét độc đáo của con người và cuộc sống miền Tây, nơi đầu sóng ngọn thác. Đó không phải là vẻ đẹp yểu điệu dịu dàng mà là vẻ đẹp mạnh mẽ, dũng cảm, ngang tàng của những con người đã từng vượt ghềnh băng thác mà không sợ hiểm nguy. Bông hoa rừng bên bờ suốt dưới con mắt của Quang Dũng cũng trở nên “đong đưa”, tình tứ lạ thường, như gửi tình theo dòng nước lũ.

Bài thơ Tây Tiến gồm ba phần, Phần đầu là nỗi nhớ rừng, phần thứ hai là nỗi nhớ về cuộc sống sinh hoạt, phần thứ ba là nỗi nhớ về đoàn quân trên bước đường trường chinh gian khổ mà vô cùng anh dũng. Hình ảnh đoàn quân Tây Tiến đã đi vào thơ Quang Dũng với nhiều nét độc đáo:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân Xanh màu lá dữ oai hùm.

Hình ảnh “đoàn biinh không mọc tóc” có vẻ kì dị, lạ thường nhưng không phải sản phẩm tưởng tượng hay là cường điệu hóa. Đó là hình ảnh được lấy từ hiện thực cuộc sống của người lính Tây Tiến. Cuộc sống nơi miền Tây thật khắc nghiệt, nước độc rừng thiêng, sốt rét hoành hành dữ dội. Những người lính Tây Tiến bị những trận sốt rét triền miên làm cho da họ xanh như tàu lá, tóc rụng đến trọc đầu. Hiện thực khắc nghiệt ấy cũng được nhà thơ Chính Hữu ghi lại trong bài thơ Đồng chí:

Anh với tôi biết ừng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi.

Cũng nói về gian khổ khó khăn, cũng nói về những cơn sốt rét miền rừng nhưng qua cách nói của Quang Dũng lại có sức ám ảnh kì lạ, lại gây được ấn tượng mạnh mẽ lạ thường. Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng phát huy triệt để các hình ảnh tương phản. Ở đây có sự tương phản giữa thể xác và tinh thần. Người lính miền Tây tuy da xanh tóc rụng, thân thể tiều tụy nhưng họ có sức mạnh tinh thần to lớn, “vẫn dữ oai hùm”, vẫn chiến đấu kiên cường, dũng cảm khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Những người lính Tây Tiến phần lớn là thanh niên Hà Nội. Họ bước vào cuộc khánh chiến với bao ước mộng lãng mạn, với chất men say lí tưởng:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Trong tâm hồn của những chàng thanh niên trí thức tiểu tư sản hồi ấy vẫn còn mộng tráng sĩ, một khách chinh phu dấn thân vào trận mạc “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao”. Vì vậy nếu họ có “mộng” có “mơ” cũng là dễ hiểu. Nhưng điều cơ bản, trong cái dáng vẻ lãng mạn của họ còn có tinh thần của thời đại, hào khí của dân tộc trong cuộc hồi sinh vĩ đại sau Cách mạng tháng Tám. Thế hệ ấy dấn thân vào cuộc sống chiến đấy với tâm niệm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ra đi với tiếng hát hào hùng của đoàn Vệ quốc: “Ra đi ra đi bảo toàn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui”. Ra đi với khí thế ấy, tâm niệm ấy họ mới có thể vượt lên gian khổ khó khăn, mới dám đương đầu với cái chết mà không nản lòng nhụt chí:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Bài thơ Tây Tiến có nói nhiều đến mất mát, hi sinh; âm hưởng bài thơ tuy hùng tráng nhưng phảng phất nỗi buồn đau. Tuy nhiên, đó không phải là nỗi buồn đau bi lụy. Người chiến sĩ Tây Tiến khi bước vào cuộc chiến đấu là nguyện hiến dâng tuổi trẻ của mình cho quê hương đất nước. Đối với họ, cái chết nhẹ tựa lông hồng. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Quang Dũng viết về cái chết một cách nhẹ nhành như vậy. Tác giả chỉ dúng những từ “quên đời”, “về đất” để nói lên sự mất mát, hi sinh. Cách nói ấy đúng với tinh thần và quan điểm của người tráng sĩ. Ngày xưa tráng sĩ ra sa trường là chấp nhận cảnh “da ngựa bọc thây”. Ngày nay người lính Tây Tiến về với đất mẹ với manh chiếu bình dị. Anh không thể chết mà hóa thân vào non sông đất nước, anh trở về cõi trường sinh bất tử. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, dòng sông Mã đã kịp tấu lên khúc độc hành để tiễn đưa linh hồn và thể xác của anh về với đất mẹ thân yêu.

Bài thơ Tây Tiến đã kết thúc bằng lời thề nguyền quyết tâm chiến đấu – lời thề của những người đã xác định rõ ràng tinh thần “một đi không trở lại”, ra đi chỉ có “một chia phôi”.

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Quang Dũng và bao đồng đội của mình đã lên Tây Tiến mùa xuân năm 1947. Ông và bao chiến sĩ đã trở về, trở về với vinh quang chiến thắng, trở về với bao kỉ niệm đẹp đẽ rồi kết thành bài thơ Tây Tiến, quà tặng cho các thế hệ bạn đọc hôm nay.

 

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *