Thi THPT quốc gia: Kỹ năng làm bài môn Địa lý

Thầy Đặng Quang Vinh – Giáo viên Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai – hướng dẫn học sinh cách học để nắm vững các kỹ năng Địa lý cần thiết cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi đạt hiệu quả tốt với môn Địa lý.

Kỹ năng sử dụng và khai thác Atlat Địa lý Việt Nam

Để khai thác được Atlat, học sinh phải biết cách sử dụng Atlat: Nắm được cấu trúc của Atlat ngay ở trang bìa có phần ký hiệu chung, nội dung của Atlat được sắp xếp theo trình tự sách giáo khoa.

Biết khai thác các biểu đồ, các bảng số liệu và lược đồ có trong Atlat để trình bày về tình hình phát triển và phân bố của các sự vật, hiện tượng địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế xã hội Việt Nam.

Biết sử dụng số trang bản đồ Atlat cần thiết để giải quyết các câu hỏi khác nhau. Ví dụ: Để đánh giá tiềm năng tự nhiên cho phát triển công nghiệp, chủ yếu khai thác trang khoáng sản. Nhưng đánh giá tiềm năng tự nhiên cho phát triển nông nghiệp cần khai tác nhiều trang như: Địa hình, đất đai, khí hậu, sông ngòi.

Kỹ năng phân tích và nhận xét bảng số liệu

Trước khi phân tích bảng số liệu, học sinh phải nắm vững tên bảng số liệu, tiêu đề của bảng, đơn vị tính, yêu cầu cụ thể của bài tập.

Nguyên tắc chung khi khai thác bảng số liệu là:

Không được bỏ sót dữ kiện: Giống như khi giải toán, các dữ kiện được đưa vào bảng số liệu đều được chọn lọc, có ý đồ từ trước. Bởi vậy, việc bỏ sót có thể dẫn đến cắt nghĩa sai, hoặc nêu tên không đủ những nhận xét cần thiết.

Nếu bảng số liệu là các số liệu tuyệt đối (như triệu tấn, tỉ kw/h, cần tính toán ra một số đại lượng tương đối (như tủ trọng của ngành trong cơ cấu, tốc độ tăng trưởng…). Nhưng khi phân tích phải sử dụng linh hoạt các chỉ tiêu tuyệt đối và các chỉ tiêu tương đối.

thi-thpt-quoc-gia-ky-nang-lam-bai-mon-dia-ly

Phân tích số liệu có tầm tổng quát cao, sau đó mới đi sâu vào các thành phần chi tiết (hoặc các yếu tố) cụ thể.

Phân tích các mối liên hệ giữa các số liệu theo cột và theo hàng, chú ý đến các giá trị nổi bật như giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, giá trị trung bình, những điểm đột biến, đồng thời chú ý so sánh cả số liệu tuyệt đối và tương đối.

Khi nhận xét, nên theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, từ chung đến riêng, từ cao xuống thấp,… bám sát các yêu cầu của câu hỏi và kết quả xử lý số liệu.

Mỗi nhận xét cần có dẫn chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục.

Kỹ năng chọn biều đồ thích hợp

Trong Địa lý có rất nhiều loại biểu đồ khác nhau. Trước hết, học sinh cần biết căn cứ vào yêu cầu của bài thi để chọn các dạng biểu đồ phù hợp, nếu câu hỏi chưa nêu rõ phải vẽ loại biểu đồ gì.

Nếu câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng thì dạng biểu đồ thích hợp là biểu đồ đường.

Nếu câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu, dạng biểu đồ thích hợp là biểu đồ hình tròn, biểu đồ miền (nếu số liệu từ 4 năm trở lên).

Nếu câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện tình hình tăng trưởng, phát triển với 2 đối tượng địa lý có sự khác nhau về đơn vị tính, thì dạng biểu đồ thích hợp là kết hợp 2 loại biểu đồ hình cột và biểu đồ đường.

Cần chú ý, có trường hợp phải xử lý bảng số liệu trước khi vẽ biểu đồ, nếu bảng số liệu cho trước chưa thích ứng với kiểu biểu đồ cần vẽ.

Kỹ năng vẽ biểu đồ

Trong quá trình ôn tập, cần lưu ý học sinh cách tư du liên hệ, để tái hiện lại kiến thức trong mối liên hệ giữa các bài, các chương và trong ngay từng bài. Có như vậy, học sinh mới giảm được thời gian ôn tập, dễ nhớ và dễ tái hiện lại kiến thức khi làm bài.
Vẽ biểu đồ cần đảm bảo các yêu cầu: Có tên biểu đồ, bảo đảm tương đối chính xác, số liệu được ghi trên biểu đồ, biểu đồ phải đảm bảo tính thẩm mỹ.

Nếu có các trục tung, trục hoành thì tại các đầu trục phải có chú dẫn, ví dụ triệu tấn hoặc năm…

Trên biểu đồ, nếu có ký hiệu cho các đối tượng địa lý khác nhau thì cần phải có bảng chú giải để giải thích các ký hiệu đó.

Cách vận dụng kiến thức, kỹ năng, Atlat vào làm bài thi

Khi làm bài thi Địa lý, học sinh cần biết sử dụng kết hợp giữa Atlat địa lý và vốn kiến thức đã học. Dựa vào Atlat địa lý sẽ thấy được những kiến thức về sự phân bố cụ thể, mối quan hệ về không gian lãnh thổ của các sự vật, hiện tượng địa lý… và học sinh đỡ mất công ghi nhớ máy móc.

Nhưng nếu chỉ dựa vào Atlat địa lý thì nhiều kiến thức về tình hình phát triển, nguyên nhân phát triển, về đường lối, chính sách, kinh nghiệm và truyền thống sản xuất của dân cư… không được đề cập một cách đầy đủ và hợp lý.

Khi làm bài, cần phân chia thời gian hợp lý cho từng câu, từng phần trong câu. Trước hết, cần lập dàn ý sơ lược của bài làm để không bị sót ý. Trong quá trình làm bài, phải bổ sung những ý còn quên vào dàn ý, để bài làm được hoàn thiện.

Trong quá trình học cũng như làm bài thi, với các câu hỏi giải thích, cần lưu ý đây là những câu hỏi theo dạng nguồn lực. Để giải thích bất cứ một hiện tượng địa lý nào, ta đều phải căn cứ vào các nguồn lực tự nhiên, kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, việc vận dụng cụ thể vào giải thích từng câu hỏi cụ thể có sự khác nhau. Ví dụ, khi giải thích về sự phát triển và phân bố công nghiệp khai thác thì nhân tố khoáng sản phải được quan tâm, nhưng phát triển và phân bố nông nghiệp thì lại không cần thiết.

6 kỹ năng vẽ biểu đồ

PGS.TS Đinh Văn Thanh (Khoa Địa lí, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) – cho biết: Có 6 dạng biểu đồ chính trong đề thi Địa lý.

Dạng 1: Vẽ biểu đồ hình tròn

Vẽ biểu đồ hình tròn, phải tính quy mô, bán kính và cơ cấu. Cách nhận biết dạng biểu đồ này là khi đầu bài hỏi là “Em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện quy mô, cơ cấu của một yếu tố nào đó”, đồng thời các số liệu trong đầu bài phải là những số tự nhiên và có số năm nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm. Khi vẽ biểu đồ thì vẽ mỗi năm 1 vòng tròn có bán kính như đã tính được và phải xử lí số liệu tính cơ cấu quy ra phần trăm.

Vẽ biểu đồ hình tròn nhưng không phải tính quy mô và bán kính. Cách nhận biết dạng này: Khi đầu bài hỏi “Em hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất cơ cấu của một yếu tố nào đó, đồng thời các số liệu trong đầu bài phải là những số tương đối (bằng phần trăm) và số năm cũng nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm.

Trong trường hợp này tuy không phải xử lí số liệu để tính quy mô, bán kính và tính cơ cấu, nhưng khi vẽ thì phải vẽ mỗi năm 1 vòng tròn có bán kính to dần lên để thể hiện tình hình phát triển sát với thực tiễn của nền kinh tế.

Dạng 2: Vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng của 1 ngành sản xuất

Khi gặp dạng biểu đồ này thì phải đọc kĩ đề bài. Nếu đầu bài hỏi “Hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự tăng trưởng của 1 ngành sản xuất nào đó thì dứt khoát phải xử lí số liệu quy tất cả ra phần trăm bằng cách đặt các số liệu của năm đầu tiên bằng 100.

Sau đó lần lượt lấy các số liệu của năm sau chia cho năm đầu tiên nhân với 100%. Khi vẽ thì cần phải vẽ trục tung và trục hoành. Trục tung điền đơn vị phần trăm, trục hoành điền số năm và dựa vào các số liệu đã xử lí vẽ biểu đồ đường cùng xuất phát từ vị trí 100%.

Dạng 3: Vẽ biểu đồ thể hiện tình hình phát triển của một số ngành kinh tế

Với dạng đầu bài cho các số liệu là số tự nhiên, số năm nhiều hơn hoặc bằng 4 năm và các số liệu trong đầu bài phải có 2 đơn vị khác nhau.

Gặp dạng này thì chắc chắn phải vẽ biểu đồ kết hợp giữa biểu đồ hình cột và biểu đồ đường với 2 trục tung (hình cột có thể là cột đơn nếu như trong đầu bài chỉ có một chỉ tiêu.

Có thể là cột ghép nếu như trong đầu bài có 2 chỉ tiêu cùng đơn vị, hoặc có thể là cột chồng nếu như trong đầu bài có 2 chỉ tiêu cùng đơn vị, nhưng 1 chỉ tiêu này nằm trong chỉ tiêu khác). Còn 1 chỉ tiêu có đơn vị khác (thứ hai) thì thể hiện bằng biểu đồ đường.

Dạng 4: Vẽ biểu đồ thể hiện sự phát triển của 1 ngành sản xuất

Khi gặp dạng biểu đồ này thì phải đọc kĩ đầu bài : nếu như đầu bài cho các số liệu cho các số liệu là số tự nhiên, với số năm nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm, với các số liệu trong đầu bài có thể là 1 đơn vị hoặc 2 đơn vị khác nhau và yêu cầu vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự phát triển của một ngành kinh tế hoặc của 1 giá trị nào đó thì chắc chắn phải vẽ biểu đồ hình cột (hoặc cột ghép hoặc cột chồng tuỳ theo cấu trúc của các số liệu trong đầu bài).

Dạng 5: Vẽ biểu đồ miền

Khi gặp dạng biều đồ này thì đầu bài cho trước có thể là các số liệu tự nhiên hoặc số liệu đã xử lí ra phần trăm, với số năm phải lớn hơn hoặc bằng 4 năm và yêu cầu vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi (chuyển dịch, hoặc chuyển biến…) của ngành kinh tế nào đó thì chắc chắn phải vẽ biểu đồ miền.

Khi vẽ biểu đồ này, nếu số liệu là số tự nhiên thì dứt khoát phải xử lí số liệu để quy ra phần trăm bằng cách cộng lấy tổng số theo từng năm và tính phần trăm của từng năm.

Sau đó vẽ biểu đồ miền bằng cách kẻ trục tung trục hoành, trên trục tung lấy tròn 100%, trên trục hoành theo số năm trong đầu bài với khoảng cách khác nhau tương ứng với số năm trong từng giai đoạn. Sau đó lần lượt vẽ trong miền xác định những chỉ tiêu theo các số liệu đã xử lí qua các năm.

Dạng 6: Vẽ biểu đồ bát úp

Khi gặp dạng biểu đồ này thì phải đọc kĩ đầu bài. Nếu như trong đầu bài có số liệu là những số tự nhiên và có số năm trong đầu bài hoặc là 2 năm hoặc là 4 năm và cấu trúc của số liệu trong đầu bài của một năm phải là 2 thành phần khác nhau.

Khi đầu bài hỏi “Hãy vẽ biểu đồ thích hợp nhất quy mô, cơ cấu của các thành phần” thì ở dạng bài này cũng phải vẽ biểu đồ hình tròn giống như dạng 1 nhưng có khác là mỗi năm phải vẽ 2 vòng tròn có bán kính khác nhau và 2 năm phải vẽ 4 vòng tròn.

Trong trường hợp này thì không nên vẽ 4 vòng tròn mà nên gộp lại thành 2 cặp vòng tròn và khi vẽ thì cắt đi mỗi vòng tròn 1 nửa và 2 nửa úp vào nhau thành dạng biểu đồ bát úp (lưu ý mỗi nửa vòng tròn còn lại phải tương ứng với 100%) và làm chú giải thích hợp.

Thi THPT quốc gia: Kỹ năng làm bài môn Địa lý

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *