ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM HỌC 2017-2018

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2017-2018

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Ta không thể ghét sự tự học được: nó là một cuộc du lịch.

J.J. Ru-xô và V. Huy-gô, hai văn hào ở Pháp đều ca tụng thú đi chơi bộ.

J.J. Ru-xô nói: “Lúc nào muốn đi thì đi, muốn ngừng thì ngừng, muốn vận động nhiều hay ít tuỳ ý. Cái gì thích thì nhận xét, cảnh nào đẹp thì ngừng lại. Chỗ nào tôi thấy thú thì tôi ở lại. Hễ thấy chán thì tôi đi, tôi chỉ tuỳ thuộc tôi, tôi được hưởng tất cả sự tự do mà một người có thể hưởng được”.

Còn V. Huy-gô thì viết: “Người ta được tự chủ, tự do, người ta vui vẻ. Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại đi, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản”.

Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở?

(Theo Tự học – một nhu cầu thời đại, Nguyễn Hiến Lê, Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 211 – 212)

Câu 1: Câu nào nêu lên ý khái quát của đoạn trích?

Câu 2: Nêu tác dụng của thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích trêm.

Câu 3: Dựa vào đoạn trích, hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: “Ta không thể ghét sự tự học được”.

Câu 4: Quan điểm: “Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông.” giúp anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày Suy nghĩ của anh/chị về y kiến của tác giả được nêu trong đoạn trích ở phân Đọc hiêu: Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẩn thời gian.

Câu 2: (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu -ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM HỌC 2017-2018

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Ao chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, Sđd, tr. 109)

GỢI Ý – HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN NĂM HỌC 2017-2018

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Câu văn nêu lên ý khái quát của đoạn trích là: Ta không thể ghét sự tự học được: nó là một cuộc du lịch.

Câu 2: Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích là so sánh. Tác dụng của thao tác lập luận này: chỉ ra Sự giống nhau giữa sự tự học với thú đi chơi bộ, từ đó giúp người đọc thấy được lợi ích của sự tự học.

Câu 3: Tác giả cho rằng: “Ta không thể ghét sự tự học được” bởi vì: “Sự tự học” là một cuộc “du lịch” – “du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian”, “Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng Sách Vở”.

Câu 4: HS rút ra ít nhất 01 bài học cho bản thân từ quan điểm của tác giả. “Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông.”. Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.

Tham khảo các hướng trả lời sau đây:

– Hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông, do đó, mỗi người phải nỗ lực học hỏi để có được nhiều tri thức cho bản thân.

– Hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Nó hứa hẹn nhiều thú vị để chúng ta khám phá và chiếm lĩnh. Vì vậy, con người phải chịu khó học hỏi để có được những niềm vui, sự thú vị ấy.

– Hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Hiểu biết của mỗi người là hữu hạn. Vì thế, con người cần phải khiêm tốn và học hỏi không ngừng.

II. LÀM VĂN

Câu 1: HS viết đoạn văn nghị luận, khoảng 200 chữ theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp hoặc tổng – phân – hợp…; Sử dụng một hoặc một số thao tác lập luận trong số các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ,…; có lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu để trình bày được suy nghĩ riêng của mình theo hướng làm rõ và khẳng định hoặc phủ định ý kiến: Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc , một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian.

– Nếu lập luận theo hướng khẳng định ý kiến trên là đúng, cần khẳng định tính chất “tự chủ, tự do”, “không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản” của việc tự học.

Cần làm rõ nội dung của ý kiến khẳng định theo hướng: Tự học là tự mình tìm hiểu, khám phá và chiếm lĩnh những tri thức về thiên nhiên, con người, cuộc sống,… Đó là một cuộc đi chơi vừa để giải trí vừa để có thêm những hiểu biết về những điều mà mình quan tâm. Nhưng đó là cuộc du lịch bằng trí óc, qua Sách vở (không chỉ sách giáo khoa mà còn là tất cả các loại sách, truyện khác). Vì thế, con người không chỉ đi du lịch trong hiện tại mà còn có thể quay về quá khứ hoặc đi đến tương lai, có thể đến với mọi miền xa xôi trên thế giới, khắc phục mọi hạn chế của Việc “du lịch bằng chân” và việc học qua sách giáo khoa ở nhà trường. Nói như Phan Kế Bính (1875 – 1921): “Ngồi trong xó nhà mà lịch lãm suốt hết các nơi danh lam thắng cảnh của thiên hạ; xem trên mảnh giấy mà tinh tường được hết các việc hay, việc dở của thế gian, Sinh Ở Sau mấy nghìn năm mà tựa hồ như được đối diện và được nghe tiéng bàn bạc của người Sinh về trước mấy nghìn năm, cũng là nhờ có văn chương cả” (trích Hán Việt văn khảo).

– Nếu lập luận theo hướng phủ định ý kiến trên, cần nhấn mạnh: Đi du lịch cũng có những giá trị riêng, cũng là một hình thức học tập, học từ thực tiền cuộc sống. Vì người đi du lịch sẽ được trực tiếp nhìn ngắm cảnh vật, Sông núi, mây trời, trực tiếp trải nghiệm những cảm xúc của mọi giác quan, trực tiếp giao tiếp với con người, cảnh vật… từ đó mà hình thành kinh nghiệm, kĩ năng sống, biết vận dụng những gì đã học, đã đọc ở sách vở vào các tình huống của cuộc sống thực… Ngoài ra, trong thực tế không phải ai cũng có điều kiện để đọc sách vở…

– Nếu lập luận theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định ý kiến thì cần kết hợp cả hai nội dung trên theo hướng tự học có nhiều ưu điểm nhưng đi du lịch vẫn có những giá trị riêng của nó.

Câu 2:  Đề bài yêu cầu HS trình bày cảm nhận của mình về đoạn thơ đầu trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Có thể trình bày theo định hướng sau:

a) Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm.

– Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị. Đường đời, đường thơ Tố Hữu luôn Song hành cùng con đường cách mạng của cả dân tộc. Với những tác phẩm giàu chất trữ tình chính trị và đậm đà tính dân tộc, Tố Hữu là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thơ ca cách mạng Việt Nam.

– Hoàn cảnh sáng tác: Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam từ đầu những năm 40 của thế kỉ XX cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây, người dân Việt Bắc đã từng che chở, đùm bọc và sát cánh bên bộ đội, cán bộ kháng chiến để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, tháng 10 – 1954, những người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô. Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống và gắn bó nhiều năm với Việt Bắc, nay từ biệt chiến khu để về xuôi. Bài thơ được viết trong hoàn cảnh chia tay lưu luyến ấy.

– Đặc điểm chính về nội dung và nghệ thuật: Việt Bắc là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Thể thơ lục bát, kiểu kết cấu đối đáp, ngôn ngữ đậm chất ca dao – tất cả đã góp phần khắc sâu lời nhắn nhủ: uống nước nhớ nguồn, hãy nhớ mãi chiến khu Việt Bắc và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, ân nghĩa, thuỷ chung của những con người kháng chiến.

b) Giới thiệu vị trí của đoạn thơ sẽ phân tích: nằm ở phần đầu của tác phẩm; nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ: tiếng nói ân nghĩa thuỷ chung và lòng tự hào của những con người kháng chiến đối với chiến khu Việt Bắc.

c) Phân tích đoạn thơ: Khi phân tích, cần làm rõ những nét đặc sắc về nghệ thuật (cách gieo vần, ngắt nhịp, dùng từ, sử dụng hình ảnh, chi tiết, biện pháp tu từ,…) để từ đó làm nổi bật nội dung của đoạn thơ. Đoạn thơ là lời đối đáp thứ nhất của “mình” và “ta” – người ra đi và người ở lại.

– Bốn câu đầu là lời của người ở lại. Đó là hai câu hỏi của người dân Việt Bắc hướng về cán bộ, bộ đội kháng chiến – những người trở về với Hà Nội. Với những câu hỏi tu từ da diết, những hình thức điệp từ ngữ, điệp cấu trúc, những cách vận dụng tinh tế và sáng tạo ca dao, tục ngữ dân gian…, bốn câu thơ đầu đã thể hiện ân tình sâu nặng của đồng bào Việt Bắc với cán bộ, bộ đội kháng chiến trong giờ phút chia tay đầy lưu luyến. Đó cũng là cảm hứng chủ đạo của cả bài thơ.

– Bốn câu sau là khúc dạo đầu của cảm xúc chia tay để từ đó biết bao nhiêu điêu chưa nói sẽ được thô lộ, giãi bày. Lời hỏi chỉ là cái cớ gợi dẫn để mạch cảm xúc nhớ thương trong lòng người lên đường tuôn trào.

d) Nhận xét, đánh giá:

– Bằng lối kết cấu đối đáp, cách xưng hô mình – ta quen thuộc của ca dao, tám câu thơ là khúc dạo đầu đầy lưu luyến, bịn rịn, nặng tình nặng nghĩa của người ở lại và người ra đi. Đó cũng chính là cảm hứng chủ đạo của toàn bộ bài thơ, thể hiện tập trung nhất những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

– Thể hiện những nét tiêu biểu nhất của phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, đoạn thơ nói riêng và bài thơ Việt Bắc nói chung không chỉ xứng đáng là đỉnh cao của thơ Tố Hữu mà còn là một trong những thành công xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trên đây là đề thi thử THPT quốc gia môn ngữ văn năm học 2017-2018. Các em cùng tham khảo nhé. Chúc các em học tốt!

 

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *